Phát bệnh vì nghiện con

24/05/2018 - 11:00

PNO - Đến bữa ăn, chị đón lõng ý nghĩ của thằng bé, chỉ cần con chưa mở miệng là chị biết nó cần gì. Chị đang ngồi mâm lại tất tả đứng lên, phục vụ mọi nhu cầu của con đến tận răng...

Chị lấy chồng sớm nhưng hiếm muộn. Hai vợ chồng tích cực chạy chữa hàng chục năm trời. Đến khi cả hai kiệt quệ cả về kinh tế lẫn tinh thần, chấp nhận buông xuôi vì nghĩ lộc con chẳng đến với mình - thì đùng một cái, chị có tin vui vào lúc ít ngờ nhất. Đứa con trai duy nhất đương nhiên chị quý hơn cả tính mạng mình.

Khỏi phải nói anh chị hạnh phúc đến nhường nào khi đón nhận đứa con đến muộn. Thằng bé chẳng phụ công chăm bẵm của chị, kháu khỉnh, phổng phao và ít khi ốm vặt. Chị lưu giữ khoảnh khắc con trưởng thành từng bước vào video và lưu vào máy tính, rồi rửa ảnh lưu vào đến hai cuốn album. Mỗi khi khách khứa đến, chị mang album ra khoe, mắt môi ngời sáng "lưu vào để sau này con lớn còn có tư liệu mà xem lại. Quý lắm đấy". Ai ai cũng mừng cho anh chị có kết cục viên mãn.

Phat benh vi nghien con
Ảnh minh họa

Những biểu hiện và từng bước trưởng thành của con trai, với người khác cũng có con cái, đó là điều bình thường và đúng giai đoạn phát triển, nhưng đối với chị, đó quả là một điều kỳ lạ khác thường. Nhưng hình như càng ngày chị càng mắc chứng "nghiện con" đến mức cực đoan. Chỉ cần đứa bé nào đụng tới con chị, cho dù thằng bé gây hấn trước - thì với chị, đó đã là điều khó có thể chấp nhận. Tình yêu con khiến chị xù lông lên với tất cả những ai dám chống lại con chị, ngăn cản bước chân thằng bé.

Chồng chị thấy biểu hiện của vợ mình bắt đầu quá khác thường, cũng có ngồi trò chuyện nhưng đều bị gạt phắt đi. Đối với chị, con mình luôn luôn đúng.

Đến bữa ăn, chị đón lõng ý nghĩ của thằng bé, chỉ cần con chưa mở miệng là chị biết nó cần gì. Chị đang ngồi mâm lại tất tả đứng lên, phục vụ mọi nhu cầu của con đến tận răng. "Thằng bé chỉ cần học giỏi và ngoan là đủ. Tất cả để mẹ lo."

Lâu rồi chị gắn bó với thằng bé đến mức nó ngạt thở. Con đi đâu một bước là chị lo. Đối với chị, tất thảy mọi thứ đang diễn ra ngoài kia đều chứa đựng nguy cơ. Chị theo sát từng bước chân. Khi ông chồng phản đối lại cách hành xử của chị, vì "con đã lớn rồi, để cho nó từng bước tự lập" là chị lập tức xù lông "nhỏ lo vẻ nhỏ, lớn lo kiểu lớn. Giờ sa sểnh một chút là con đã không còn thuộc về mình."

Ừ thì chị có phần đúng. Nếu không theo sát con, sẽ tạo kẽ hở để con từng bước sa đà và hư đốn. Nhưng o bế con theo kiểu của chị, mà chị ngụy biện đó "tình yêu con vô điều kiện" thì thằng bé bắt đầu cảm thấy ngộp thở và "trốn" mẹ. Nó bắt đầu ít có nhu cầu chia sẻ những rắc rối trong cuộc sống với người yêu thương nó nhất. Nó giấu giếm những sở thích, mong muốn, cũng hiếm khi chia sẻ buồn vui. 

Dẫu vẫn trưởng thành và ngoan ngoãn vì dường như nó không muốn phụ công mẹ. Chỉ có điều đến tuổi thi đại học, trong khi bạn bè đăng ký thi trường nọ trường kia danh giá, thì con trai chị nói chỉ yêu thích nghề làm bánh và muốn đăng ký đi học nghề để trở thành một người thợ giỏi trong lĩnh vực này.

Vì đã dành hết cả tuổi thanh xuân cũng như tâm lực cho con, hy vọng chèo lái tương lai con theo ý mình - nên khi nghe con trai tuyên bố như vậy, chị như rơi xuống vực thẳm. Chị suy sụp đến mất ăn mất ngủ và gầy sọp đi hàng chục ký. Chị phải nhập viện truyền nước. Đối với chị, chỉ có con đường đại học mới đánh dấu sự thể hiện con người ta đang đi đúng hướng. Mọi sự "rẽ ngang" khác đều là biểu hiện sự thua cuộc, không dành cho người chuyên tâm cho học thuật.

Phat benh vi nghien con

Rốt cuộc thì chồng chị lại là người cha hạnh phúc vì biết quan niệm sự trưởng thành của con cái mang những màu sắc khác nhau. Nguồn ảnh: Internet

Mặc dù đã được chồng hết lời khuyên can, rằng nên lấy làm mừng vì con đã xác định được niềm đam mê riêng và bắt đầu dấn thân cho nó, nhưng làm sao chị chấp nhận được sự thật "phũ phàng" đó. Bao mong mỏi gửi gắm để con chị học hành và trở thành một bác sĩ tương lai đã không thành hiện thực. Chị coi đó đã là biểu hiện sự thất bại của một bà mẹ hạnh phúc. Chị đã thôi không còn "khoe con".

Ngược lại, chồng chị lại cảm thấy rất đỗi tự hào và nhẹ nhõm, anh giờ đây thay chị làm bạn đồng hành của con, khuyến khích con bước tới với mơ ước của mình. Thằng bé không giấu nổi lòng cảm kích và biết ơn khi ba nó khoe với bạn bè bằng một tâm trạng hạnh phúc, rằng con trai anh sẽ sớm trở thành một người thợ làm bánh giỏi. Chị cũng dần lấy lại tinh thần, hiểu rằng cũng đã đến lúc chị cần mở "bọc" cho con tự bước.

Yêu con, nghiện con không có nghĩa là uốn con theo sở thích mong muốn của mình. 

Minh Thuật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI