Pháp tăng cường an ninh sau vụ tấn công khiến 3 người thiệt mạng tại Nhà thờ Đức Bà

30/10/2020 - 11:31

PNO - Hung thủ cầm dao đã giết chết 3 người tại 1 nhà thờ ở miền nam nước Pháp hôm 29/10, trong cuộc tấn công mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi là "khủng bố theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan".

Hung thủ là 1 người Tunisia di cư 21 tuổi - mang theo bản sao Kinh Qur'an và 3 con dao bên mình - đã hét lên "Allahu Akbar" khi cảnh sát tiếp cận, bắn và làm hắn bị thương nặng.

Cảnh sát được điều đến bảo vệ các nhà thờ trước nguy cơ tấn công khủng bố tăng nhanh.
Cảnh sát được điều đến bảo vệ các nhà thờ trước nguy cơ tấn công khủng bố tăng nhanh

Công tố viên chống khủng bố của Pháp Jean- Francois Picard thuật lại vụ việc tại 1 cuộc họp báo: Trong nửa giờ điên cuồng tại nhà thờ Đức Bà ở trung tâm thành phố Nice, kẻ tấn công đã dùng con dao dài 30cm để cắt cổ 1 người phụ nữ 60 tuổi đến mức thực tế là hắn đã chặt đầu nạn nhân.

Thi thể của 1 người đàn ông là nhân viên nhà thờ 55 tuổi, được tìm thấy gần đó với vết thương sâu ở cổ. Một phụ nữ khác, 44 tuổi, chạy khỏi nhà thờ đến 1 nhà hàng lân cận, nhưng cũng tử vong vì nhiều vết dao trên người.

Ông Ricard cho biết các nạn nhân “trở thành mục tiêu vì lý do duy nhất là họ có mặt trong nhà thờ vào thời điểm đó".

Ông nói thêm, vụ tấn công là một lời nhắc nhở rằng "ý thức hệ chết chóc của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo vẫn còn rất nhiều".

Thị trưởng Nice, Christian Estrosi nói rằng kẻ tấn công "liên tục lặp lại 'Allahu Akbar' ngay cả khi được đưa đến bệnh viện".

Mức cảnh giác tối đa

Ricard cho biết kẻ tấn công đến Ý vào ngày 20/9 và sau đó đến Pháp vào ngày 9/10. Trong 1 chiếc túi mà hắn ta để lại tại hiện trường, các nhà điều tra tìm thấy 2 con dao chưa sử dụng và công tố viên xác nhận cảnh sát đã "nổ súng nhằm ngăn chặn thiệt hại cao hơn".

Các vụ giết người, xảy ra ngay trước Ngày Các Thánh Công giáo vào Chủ nhật 1/11, khiến chính phủ phải nâng mức cảnh báo khủng bố lên "khẩn cấp" (mức tối đa) trên toàn quốc.

Các nhà thờ trên khắp nước Pháp vang lên hồi chuông báo tử, tiếng chuông truyền thống để đánh dấu một cái chết, vào lúc 3 giờ chiều cùng ngày.

Tổng thống Macron nhanh chóng đến Nice và tuyên bố tăng cường giám sát các nhà thờ bằng lực lượng tuần tra quân sự Sentinelle - được tăng cường từ 3.000 lên 7.000 người.

Ông nói, an ninh tại các trường học cũng sẽ được tăng cường: "Rất rõ ràng, chính nước Pháp đang bị tấn công", đồng thời hứa rằng đất nước "sẽ không từ bỏ các giá trị của mình".

Pháp đã trở thành mục tiêu của sự giận dữ lan rộng trong thế giới Hồi giáo vì Tổng thống Macron tuyên bố sẽ chiến đấu chống lại những người Hồi giáo cực đoan, sau vụ chặt đầu 1 giáo viên lịch sử vào ngày 16/10. Hung thủ sát hại nạn nhân vì đã cho học sinh xem ảnh biếm họa về Nhà tiên tri Mohammed trong một bài học về tự do ngôn luận.

Nhưng một số người cho rằng Tổng thống Macron đang nhắm vào khoảng 5 đến 6 triệu người Hồi giáo tại Pháp - cộng đồng Hồi giáo lớn nhất ở châu Âu.

Một số quốc gia đa số theo đạo Hồi đã phát động chiến dịch tẩy chay sản phẩm của Pháp, trong khi những người biểu tình đốt cờ Pháp và áp-phích in hình ông Macron tại các cuộc biểu tình được tổ chức ở Syria, Libya, Bangladesh, Afghanistan, Pakistan và các vùng lãnh thổ của Palestine.

Hôm 29/10, ông Macron kêu gọi mọi người thuộc mọi tôn giáo đoàn kết và không "nhượng bộ tinh thần chia rẽ".

Tổng Pháp Emmanuel Macron có mặt tại Nice ngay sau vụ tấn công.
Tổng Pháp Emmanuel Macron có mặt tại Nice ngay sau vụ tấn công

Nước Pháp trên bờ vực nguy hiểm

Daniel Conilh, 1 bồi bàn 32 tuổi tại Nice's Grand Cafe de Lyon, cách nhà thờ 1 dãy phố, cho biết không lâu sau 9 giờ sáng, anh nghe thấy "những phát súng nổ và mọi người bỏ chạy".

Daniel nói với AFP: “Một người phụ nữ đi thẳng vào từ nhà thờ và la lớn ‘Chạy đi, chạy đi, ai đó đang đâm mọi người’”.

Các công tố viên chống khủng bố của Pháp đang xử lý cuộc điều tra về các cáo buộc liên quan đến một "vụ giết người khủng bố".

Pháp luôn ở trong tình trạng báo động cao kể từ vụ thảm sát hồi tháng 1/2015 tại tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng tấn công khiến hơn 250 người thiệt mạng.

Căng thẳng càng tăng cao kể từ tháng trước, khi phiên tòa xét xử 14 đồng phạm bị tình nghi trong vụ tấn công vào Charlie Hebdo.

Tạp chí đánh dấu sự khởi đầu của quá trình tố tụng tòa án bắng cách tái bản loạt hoạt ảnh về Nhà tiên tri Mohammed, đã gây phẫn nộ cho hàng triệu người Hồi giáo trên toàn thế giới - đây cũng chính là bức biếm họa mà giáo viên Samuel Paty sử dụng làm tài liệu giảng dạy.

Vài ngày sau khi phiên tòa mở ra, một thanh niên 18 tuổi đến từ Pakistan đã đâm trọng thương 2 người bằng dao bên ngoài văn phòng cũ của Charlie Hebdo ở Paris.

Người dân thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của cuôc tấn công hôm 29/10.
Người dân thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của cuôc tấn công hôm 29/10

Thông điệp hòa bình

Sau vụ tấn công hôm thứ Năm, cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tweet rằng: "Người Hồi giáo có quyền nổi giận và giết hàng triệu người Pháp vì những vụ thảm sát trong quá khứ". Twitter lập tức xóa bài đăng của ông ấy.

Cùng ngày, ​​một công dân Ả Rập Saudi tấn công 1 lính gác tại lãnh sự quán Pháp ở Jeddah bằng dao, trong khi cảnh sát ở thành phố Lyon của Pháp cho biết họ đã bắt giữ 1 người Afghanistan được phát hiện mang theo dao khi cố gắng lên xe điện.

Đáp lại, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đưa ra "thông điệp hòa bình cho thế giới Hồi giáo", nhấn mạnh Pháp là một "đất nước khoan dung".

Ở Nice, những ký ức đau thương vẫn còn nguyên vẹn về cuộc tấn công của dân quân trong lễ kỷ niệm Ngày Bastille vào ngày 14/7/2016, khi 1 người đàn ông đâm xe tải vào lối đi đông đúc, giết chết 86 người.

Abdallah Zekri, Tổng giám đốc của Hội đồng thờ cúng Hồi giáo Pháp (CFCM) lên án cuộc tấn công hôm 29/10 và kêu gọi người Hồi giáo tại Pháp hủy bỏ các lễ hội đánh dấu Mawlid, hoặc sinh nhật của Nhà tiên tri, để "chia sẻ với các nạn nhân và những người thân yêu của họ" .

Linh La (theo AFP, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI