Pháp quyền hay quan pháp?

02/11/2018 - 06:18

PNO - Các nhà lập pháp của nhân dân có nghe chăng những thỉnh cầu, những nguyện vọng, những bức xúc…

Ngày đầu tiên tháng 11, đã có hai sự việc xảy ra: một là giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo thu hồi quyết định xử lý kỷ luật của Trường THPT Nguyễn Trãi đối với 7 học sinh trong vụ việc xúc phạm thầy cô giáo trên mạng xã hội. Hai là ông Lê Hồng Lực - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (tiệm vàng Thảo Lực) chính thức gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ về việc “Yêu cầu hủy biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt hành chính”, hoàn trả tài sản đã bị tịch thu. 

Từ hành vi dùng điện thoại trong lớp của một học sinh lớp Mười, bị giáo viên thu giữ và phát hiện nhóm học sinh chia sẻ thông tin nói xấu thầy cô trên mạng xã hội, 7 học sinh bị kỷ luật, trong đó có 3 học sinh bị đuổi học một năm. Theo lời Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng thì “khi các em có những hành vi sai phạm, cần phải xem xét thấu đáo, khách quan và mang tính giáo dục, làm sao để các em nhận ra được những thiếu sót của mình, khắc phục sửa chữa. Đồng thời chỉ ra cho phụ huynh thấy để cùng nhà trường giáo dục học sinh để sau này các em không mắc phải những sai phạm tương tự”. 

Phap quyen hay quan phap?
 

Giáo dục là một quá trình, tinh thần giáo dưỡng lại càng được thử thách qua hành trình, nhất là đối tượng học trò - vốn đang học, đang rèn luyện để làm người trưởng thành, không thể tức thời phạm lỗi là tức khắc đuổi học. Quyết định thu hồi… quyết định nói trên, ít nhất đã cho thấy tinh thần xử lý nhanh, thấu đáo, có trách nhiệm của lãnh đạo cấp sở. Mặt khác, nó cũng đồng quy một “phẩm chất” của ngành giáo dục nước nhà: ra văn bản cực nhanh, hạ văn bản cực… nhạy, nhất là với các loại dự thảo… nhảm như cái quy định sinh viên sư phạm bán dâm lần thứ tư mới bị đuổi học (!). 

Trong khi đó, chiều 30/10, tại phiên chất vấn nghị trường, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: “Công an TP.Cần Thơ đã đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm hành chính và UBND TP.Cần Thơ đã căn cứ vào Nghị định 185/2013 để ra quyết định xử phạt”. Bộ trưởng Lâm cũng nói ông Lực đã thi hành quyết định xử phạt và không có khiếu nại gì. 

Xin chuyển đến bộ trưởng suy nghĩ của công dân Lê Hồng Lực: “Việc tôi chấp hành đóng phạt không có nghĩa là không khiếu nại hay khởi kiện việc khám xét nhà và tịch thu kim cương, đá nhân tạo. Tôi đóng phạt là thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm quyết định của chính quyền”. Hơn nữa, từ đơn khiếu nại của công dân này, cộng thêm tìm hiểu của báo chí, vụ việc khám xét nhà, tịch thu tài sản (đối với 20 viên kim cương, 19.910 viên đá hột nhân tạo) đã và đang cho thấy sự xâm phạm danh dự, tài sản công dân của cơ quan chấp pháp. Những “căn cứ” mà bộ trưởng cho rằng đã đủ để chứng minh hành vi vi phạm lại đều sai về thời điểm, trình tự, thủ tục, đối tượng (trong việc áp dụng) trong các biên bản, quyết định xử phạt. 

Liệu chừng cơ quan công quyền TP.Cần Thơ sẽ nhanh chóng bày tỏ thái độ có trách nhiệm hơn, thẳng thắn và dũng cảm - như Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa - chứ không phải tiếp tục lùi đến 8 tháng như đã từng? 

Liệu chừng có “hoán đổi” cho đúng với cách thức xử trí từng vụ việc: nơi cần lý giải, phân tích thấu đáo, cặn kẽ cho học trò thì lại nhanh chóng, duy nhất áp dụng quy định kỷ luật; nơi phải dựa vào căn cứ pháp lý thì lại “đốt cháy giai đoạn”, bỏ qua mọi quy định trình tự, thủ tục…?

Một lần nữa cho thấy khái niệm “nhà nước pháp quyền” - phải được xác lập, triển khai, thực thi, bảo vệ trong hệ thống thừa hành và là công cụ điều tiết của toàn xã hội, của quyền lực nhà nước. Nó không chỉ là khẩu hiệu - để kêu gọi, nhắc nhở; là tinh thần - để khuyến khích, động viên. Bởi chỉ khi một nhà nước được điều hành “bằng pháp luật, chứ không phải bằng con người” thì nó mới đủ sức “kiềm chế đối với các pháp quan, hạn chế sự tùy tiện trong quá trình đưa ra các phán quyết” - theo Aristotle và “ngăn ngừa những kẻ chuyên quyền trong bộ máy chính quyền” - theo Plato, hai triết gia khai sinh lý thuyết phân quyền và nhà nước pháp quyền. 

Chuyện một tiệm vàng nơi phường Cái Khế hay cái án kỷ luật tại ngôi trường THPT kia, như hàng trăm hàng ngàn câu chuyện đã, đang và sẽ còn xảy ra ở khắp hang cùng ngõ hẻm, chỉ có điều nó đã chọn “điểm rơi” ngay trong kỳ họp Quốc hội - nơi quyền lực của nhân dân đang lên tiếng, nơi bấm nút để thông qua các điều luật. Các nhà lập pháp của nhân dân có nghe chăng những thỉnh cầu, những nguyện vọng, những bức xúc… 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI