Quá trình gia công cũng khiến chất lượng vàng nữ trang bị giảm sút - Ảnh: H.T.V.
Các chuyên gia cho rằng việc đưa vàng nữ trang vào khuôn khổ sẽ khó hơn nhiều so với vàng miếng.
Hên xui tuổi vàng
Chị Thảo (quận 3, TP.HCM) cho biết chị có chiếc nhẫn vàng 18K hơn 2 phân, đeo đã lâu nên muốn bán để đổi chiếc khác, nhưng mọi rắc rối
Người tiêu dùng bị móc túi thế nào? Giả sử ngày 22/3 vàng SJC có giá là 4,394 triệu đồng/chỉ, quy ra một chỉ vàng nữ trang SL (6,5 tuổi) có giá 2,856 triệu đồng/chỉ. - Nếu người bán tính vàng 6,8 tuổi, người mua phải trả 3 triệu đồng, thiệt 144.000 đồng. - Nếu người bán tính vàng 7 tuổi, người mua phải trả 3,076 triệu đồng, thiệt 220.000 đồng. - Nếu người bán tính vàng 7,5 tuổi, người mua phải trả 3,295 triệu đồng, thiệt 439.000 đồng. |
bắt đầu phát sinh. Tại một tiệm vàng trên đường Phạm Văn Hai (P.5, Q.Tân Bình), sau khi đánh đá để thử tuổi vàng và cân tỉ trọng, chủ tiệm vàng nói chỉ có thể mua với giá 432.000 đồng vì vàng xấu quá. Chìa ra mẫu thử, chủ tiệm nói nhẫn đóng dấu 18K (7 tuổi rưỡi) nhưng đánh đá lên thấy “đổ bạc”, chỉ khoảng 3 tuổi.
Đem đến tiệm vàng MX, cũng trên đường Phạm Văn Hai, chủ tiệm vàng này nói chỉ mua vào giá 480.000 đồng “để nấu lại”. Cũng chiếc nhẫn này, đem đến một tiệm vàng tại trung tâm vàng bạc đá quý trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) thì tuổi vàng được nâng lên 5 tuổi, nhưng giá trị chỉ còn 410.000 đồng. “Rốt cuộc tôi cũng không biết tuổi thật của chiếc nhẫn mình đang đeo là bao nhiêu, vì trên nhẫn đóng dấu 18K, mà mang đi bán thì mỗi nơi cho ra tuổi vàng khác nhau” - chị Thảo bức xúc nói.
Chiều 22/3, cầm hai chiếc nhẫn đeo tay loại vàng 18K đến tiệm vàng Nguyễn Linh (phường 2, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), trong đó một chiếc mua tại tiệm vàng này và chiếc còn lại mua ở tiệm vàng Thanh Trường (phường 4, TP Cà Mau), chúng tôi được chủ tiệm vàng Nguyễn Linh ra giá mua vào 2,46 triệu đồng/chỉ vàng 18K đối với nhẫn do tiệm này bán ra, chiếc còn lại phải cạy hột xem tuổi vàng. Khi nghe thắc mắc vì sao vàng cùng loại 18K vẫn phải kiểm tra lại tuổi vàng, bà chủ tiệm vàng này phán: “Vàng mỗi chỗ mỗi khác chứ không phải chỗ nào cũng giống nhau”.
Đem hai chiếc nhẫn này qua tiệm vàng Kim Châu phía đối diện, chủ tiệm vàng ra giá nhẫn Nguyễn Linh 2,5 triệu đồng, chiếc còn lại 2,4 triệu đồng. Chủ tiệm giải thích: “Vàng quen mua giá như thế (cao), còn vàng lạ mua giá thấp”. Quay lại tiệm vàng Nguyễn Linh, sau khi nghe thắc mắc của chúng tôi, chủ tiệm vàng này cầm chiếc nhẫn lên xem qua xem lại rồi nâng giá thêm 20.000 đồng/chỉ vàng 18k. Khi chúng tôi không đồng ý bán và bước ra cửa thì chủ tiệm vàng Nguyễn Linh hỏi với: “Giá 2,5 triệu đồng bán không?”.
Người mua chịu rủi ro
Ông Mai Hoàng Nam, một thợ bạc lâu năm ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, thừa nhận vàng nữ trang thường không có chuẩn nào (tuổi vàng chính xác), nên vàng của tiệm này đem đến tiệm khác đều bị chê không đủ tuổi. Theo anh T., chủ tiệm vàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Tân An, Ninh Kiều), nếu là vàng do cửa hàng bán ra, khách đem bán lại sẽ được mua với giá thấp hơn 10% giá thị trường. Còn khách mang vàng của tiệm khác đến bán thì phải xem lại và mua giá thấp. “Việc mua vàng của tiệm khác chênh lệch giá 20-30% còn tùy thuộc vào... lương tâm của chủ tiệm vàng” - anh T. nói.
Ông L.V.N. - chủ một tiệm vàng lớn tại huyện Hòn Đất (Kiên Giang) - cho rằng đối với vàng nhẫn 24K, dù được quảng cáo là vàng “bốn số chín”, nhưng tuổi vàng thật cao lắm là “9,8 tuổi”. Riêng vàng 18K thì chuẩn quy ước lâu nay là “7 tuổi”. Theo ông N., vàng không đủ tuổi có nhiều nguyên nhân, trong đó vàng nguyên liệu ban đầu đã là loại kém chất lượng. Rồi trong quá trình chế tác, nhiều loại hóa chất, kim loại khác được pha trộn vào cũng góp phần đáng kể làm giảm tuổi vàng.
Phó tổng giám đốc một công ty vàng lớn tại TP. HCM cho biết hiện trên thị trường không có chuẩn chung nào cho vàng nữ trang. Trước đây vàng tây lưu hành trên thị trường chủ yếu là vàng 18K (tương đương 7,5 tuổi) và 14K (tương đương 5,85 tuổi). Nhưng sau đó vàng 7,5 tuổi bị ăn gian chỉ còn 7 tuổi. Một số cửa hàng vàng tư nhân đã tiếp tục hạ tuổi vàng nhằm cạnh tranh với nữ trang của các công ty có thương hiệu. Vàng ST, SL ra đời. ST là viết tắt của chữ “sáu tám”, tức vàng 6,8 tuổi, hoặc vàng SL, viết tắt của vàng sáu lăm, tức 6,5 tuổi.
Trưởng phòng kinh doanh một công ty vàng lớn nói hiện trên thị trường không có chuẩn nào cho vàng nữ trang mà mỗi nơi làm mỗi kiểu, thậm chí tỉnh nào có chuẩn riêng của tỉnh đó. Có nơi đóng dấu vàng 6,8 tuổi nhưng tuổi thực tế chỉ 6,5, hoặc đóng dấu 7 tuổi nhưng tuổi thật chỉ khoảng 6,5. Theo vị này, bằng mắt thường không thể phân biệt được tuổi vàng do các đơn vị gia công có thể xi màu để các loại vàng thấp tuổi như 10K, 14K trông y như vàng 18K.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng - giám đốc kinh doanh Công ty PNJ, thị trường vàng nữ trang vẫn theo quy luật mua đâu bán đó. Nhưng thực tế dù mua đâu bán đó, có đầy đủ hóa đơn, người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt cả hai đầu mua bán. Lý do khi mua người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền cao hơn giá trị món hàng, đến khi bán các tiệm vàng cũng không rõ ràng cách tính giá trị món hàng, phần lớn chỉ cầm món hàng lên thử, cân, sau đó phán giá. Nếu đồng ý thì bán.
Các công ty vàng bạc cho biết có thực tế giá vàng càng lên cao thì xu hướng nữ trang càng thấp tuổi. Việc hạ thấp tuổi nữ trang chủ yếu là để giá cả mềm hơn, người tiêu dùng dễ chấp nhận. Tuy nhiên hiện nay mới chỉ các công ty vàng bạc đá quý lớn ghi rõ tuổi vàng và tên đơn vị sản xuất. Còn lại các cửa hàng vàng tư nhân chủ yếu lập lờ tuổi vàng để tùy cơ hét giá, còn tuổi vàng chính xác bao nhiêu chỉ có người bán mới biết.
Cơ quan chức năng lúng túng Tại buổi họp giữa Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, một số cơ quan chức năng liên quan và các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn mới đây, hầu hết ý kiến đều cho thấy sự lúng túng về tiêu chuẩn vàng nữ trang. Ông Nguyễn Văn Hà, chánh thanh tra Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM, cho biết khi nhận hồ sơ khiếu nại của khách hàng về chất lượng vàng nữ trang không đạt chuẩn, phía Sở Khoa học - công nghệ đã rất lúng túng do đến nay việc dùng phương pháp nào để lấy mẫu, thử nghiệm, kiểm định, đánh giá vàng trang sức, mỹ nghệ...; cơ quan nào được chỉ định làm trọng tài kiểm định... đều chưa có hướng dẫn cụ thể. Theo TS Phan Minh Tân, việc quản lý vàng nữ trang chưa tốt do thiếu các quy định về quản lý vàng nữ trang, dù mặt hàng này thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Chưa có tổ chức nào được công nhận làm trọng tài kiểm định chất lượng trong tranh chấp vàng trang sức, áp dụng các tiêu chuẩn nào để kiểm định. Về nguyên tắc, phải tuân theo quy chuẩn của Bộ Khoa học - công nghệ, nhưng bộ chưa ban hành mà đã có khiếu kiện thì phải xử lý, giải quyết thế nào trong khi không thể chờ bộ. Ông Nguyễn Thanh Phương - phó phòng quản lý thị trường Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM - cho biết rất khó khăn khi đi kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vàng nữ trang vì không biết cân có đạt chuẩn hay không, máy móc thế nào là đạt chuẩn. Hầu hết các đơn vị này đều dùng phóng xạ và không biết họ có thực hiện đúng quy định về quản lý an toàn bức xạ hay không. Phía Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cũng cho biết dù là nơi cấp phép nhưng cơ quan này không đủ sức đi kiểm tra vài trăm đơn vị trên địa bàn TP.HCM. |
Theo Tuổi Trẻ