PNO - PN - Những ngày gần đây, từ các chợ đến khu dân cư, chùa, miếu đều bị nguy cơ cháy rình rập do việc cúng cô hồn và viếng lễ Vu lan. Ngoài ra, lượng khách thập phương đổ về các bến đò ngang đi viếng chùa không ngừng gia tăng càng...
edf40wrjww2tblPage:Content
“Bà hỏa” rình rập khắp nơi
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày gần đây, lượng hàng dành cho người cõi âm đổ về các chợ Bình Tây, Bà Chiểu, Thanh Đa… tăng rất mạnh. Mãi lo kinh doanh, nhiều tiểu thương đã “quên” công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tại chợ Bình Tây, hơn 20 sạp bán hàng “cõi âm” đều được trang bị đầy đủ bình chữa cháy, có sạp đến hai, ba bình nhưng ý thức phòng cháy thì vẫn thấp. Nhiều sạp hàng mã, giấy bạc, đèn cầy, giấy thơm… chất cao quá đầu người, lấn bít gần hết lối ra vào. Khi được một bảo vệ chợ nhắc nhở, một tiểu thương chống chế: “Tháng này hàng về chợ tăng gấp hai - ba lần so với ngày thường, anh thông cảm”. Cạnh đó, một sạp chất hàng che hết bình chữa cháy, thấy bảo vệ chợ đến kiểm tra, chủ sạp mới vội bới ra. Tại chợ Bà Chiểu, chúng tôi chứng kiến cảnh một khách hàng vô tư vứt tàn thuốc cạnh một sạp bán hàng mã, chủ sạp phải vội đưa chân gí tắt tàn thuốc. Chúng tôi thắc mắc: toàn đồ dễ cháy sao lúc họ hút thuốc không nhắc nhở? Một tiểu thương chặc lưỡi: “Khách hàng là thượng đế mà, ai dám nhắc”.
Người bán thờ ơ với “bà hỏa”, người đốt hàng mã cũng thiếu ý thức. Tại khu vực chợ Soái Kình Lâm (Q.5), việc đốt hàng mã trong chợ bị cấm tuyệt đối nên không tiểu thương nào dám đốt. Tuy nhiên, các dãy nhà phố xung quanh chợ thì vô tư đưa cả bao hàng mã ra đốt cách các sạp chỉ vài mét. Chị Hương (tiểu thương chợ Soái Kình Lâm) lo sợ: “Đã cấm thì phải cấm hết cả khu vực, đốt kiểu này chỉ cần một tờ hàng mã bay lạc vào chợ là chết liền”. Tương tự, theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều khu dân cư có nguy cơ cháy cao như: khu cư xá Đường Sắt (Q.3), khu Mả Lạng (Q.1), khu vực rạch Ụ Cây (Q.8)… tình trạng đốt hàng mã rất nhiều, nguy cơ cháy rất cao. Ở khu chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, nhiều hộ dân còn lén đốt hàng mã vào “giờ thiêng” (22g - 1g) ở hành lang, khiến còi báo cháy hú vang, dựng nhiều người dậy lúc nửa đêm.
Tại nhiều chùa, miếu, khách đổ về cúng lễ Vu lan rất đông, nguy cơ cháy cũng tăng cao. Những ngày gần đây, tại chùa bà Mariamman (chùa Ấn Độ - Q.1), hầu như không lúc nào vắng người đến viếng. Nhiều lúc khách viếng chùa đông chật, phải chen nhau thắp hương. Chùa hiện đang trong quá trình nâng cấp, sửa chữa nên cổng chùa được rào khá kín, chỉ còn hai lối ra vào rộng chỉ khoảng 2m, nên càng đáng lo hơn.
Tại chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3), dù có quy định mỗi khách chỉ được mang tối đa ba cây nhang nhưng nhiều khách đến viếng vẫn mang cả bó vào đốt, cắm vào nơi quy định không hết thì mang cắm lung tung, hoặc vứt đại đâu đó, khói nghi ngút.
Theo đại tá Lê Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, thời điểm tháng Bảy âm lịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ vì lượng hàng mã tập trung ở các khu chợ và một số khu dân cư có gia công sản xuất hàng mã tại Q.5, Q.11… tăng lên. Để đảm bảo an toàn, người dân tuyệt đối không nên đốt hàng mã ở chợ, trung tâm thương mại, nơi có nhiều vật liệu dễ cháy. Khi đốt hàng mã, nên đốt trong thùng kim loại, tránh xa những đồ vật có nguy cơ bắt lửa cao, đốt xong phải chờ đến khi tắt lửa hoàn toàn.
Tại các bến đò ngang đưa khách đi viếng chùa, tình trạng mất an toàn cũng diễn ra phổ biến. Ngày 21/8, tại bến đò Miếu Nổi (Q.Gò Vấp), dù đã gần trưa vẫn có hàng chục người đợi lên đò qua sông Vàm Thuật đến miếu Phù Châu. Lúc này có năm đò đưa đón khách nhưng không hành khách nào được mặc áo phao. Một người dân ở đây cho biết: “Chỉ khi nào mấy ổng thấy cán bộ kiểm tra đi tuần mới cho khách mặc áo phao”.
Cách đó không xa là bến phà An Phú Đông với hàng chục chuyến ngang sông Vàm Thuật mỗi ngày. Những ngày này, lượng khách qua lại bến đò này tăng vọt. Đò lớn, khách đông nhưng chỉ trang bị vài phao cứu sinh và áo phao đã bạc phếch, lấm lem. Bà Trần Thị Thời (ở Q.12) nói: “Nghe mấy vụ chìm tàu, ca nô tui sợ lắm. Có lần tui đòi mặc áo phao, mấy người lái đò đưa cho cái áo phao bụi bẩn cả lớp, trong khi mình cần sạch sẽ để đi chùa nên… mặc kệ luôn”. Khi chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp, nhân viên bến phà mới vội đi lấy áo phao cho một vài khách đứng ở mép phà.
Tại khu vực chùa Phước Long (Q.9) có gần chục bến đò, khi khách xuống đò, phụ đò chỉ quăng áo phao ra, hành khách mặc hay không tùy ý. Nhiều thời điểm đông khách, một số chủ đò vẫn vô tư nhồi nhét. Tại bến đò đình Bình Ông (Q.8), ngày thường lượng người đi đò chỉ vài chục nên những chiếc đò ngang có trọng tải khá khiêm tốn ở đây vẫn đảm bảo an toàn cho hành khách. Tuy nhiên, theo cán bộ Khu Đường sông TP.HCM, vào các ngày rằm, lượng khách tăng gấp nhiều lần, là nỗi lo lớn, nếu các đò ngang “xé rào” chở khách quá quy định.
Theo thống kê của Khu Đường sông TP.HCM, toàn TP có 32 bến đò ngang, vào các ngày rằm, lượng khách qua đò ngang tăng khoảng 45-50% so với ngày thường. Ông Phan Hoàng Trí - Phó Giám đốc Khu Đường sông TP thừa nhận, việc đảm bảo an toàn tại các bến đò ngang hiện vẫn chưa tốt. Vừa qua, Khu Đường sông đã kết hợp với một số cơ quan liên quan kiểm tra đột xuất một số bến đò ở Q.8, Q.12, Q.Gò Vấp…, phát hiện nhiều phương tiện không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh hoặc có trang bị nhưng cũ, hư hỏng, đã lập biên bản xử lý vi phạm.
Về vấn đề mặc áo phao cho hành khách, theo ông Trí, cái khó là mỗi khi cơ quan kiểm tra đến thì họ nghiêm chỉnh thực hiện, nhưng khi cơ quan kiểm tra rút đi, đâu lại vào đó. Theo quy định, việc cấp phép và kiểm tra hoạt động của bến đò ngang là của chính quyền địa phương, nhưng chính quyền các địa phương vẫn chưa làm tốt việc này. Hiện Khu Đường sông phải đưa lực lượng đến một số bến đò ngang đông khách cắm chốt để hỗ trợ kiểm tra, giám sát. Hành khách cũng cần có ý thức mặc áo phao để tự bảo vệ sinh mạng mình.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.