Phập phồng sống dưới những “túi bom nước” - Bài cuối: Giải pháp nào sống chung với thủy điện?

07/10/2021 - 06:30

PNO - Cho đến nay, cách duy nhất để bảo vệ người dân mỗi khi xảy ra sự cố liên quan đến hồ, đập là cảnh báo sớm, báo động nhanh nhất để họ di tản.

Cứ đến mùa mưa bão, người dân miền Trung sống dưới chân các đập thủy điện, hồ chứa nước lại thấp thỏm lo bị những “túi bom nước” khổng lồ trên cao cướp đi tính mạng, tài sản. Sau mỗi lần xảy ra tai họa, các cơ quan, ban ngành liên quan lại rút kinh nghiệm nhưng không biết đến bao giờ mới khắc phục được tình trạng này.

Bài 1: Vẫn điệp khúc hạn và ngập

Bài 2: Thiếu tiền- Bài ca muôn thưở 

Cảnh báo sớm, sơ tán nếu có sự cố

Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND H.Nam Giang, tỉnh Quảng Nam - cho biết, UBND huyện đã chi trả 3,3 tỷ đồng cho các hộ bị thiệt hại trong đợt lũ năm 2020, đạt 50%. “Trước mùa mưa bão, UBND huyện đã phối hợp với các thủy điện, các xã để xây dựng phương án cụ thể, nhất là phương án di dời, sơ tán dân trong mùa mưa bão nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản và con người. Đối với thủy điện, chúng tôi đã yêu cầu phải kiểm tra, sửa chữa hệ thống cảnh báo và đảm bảo phối hợp thông tin một cách nhanh chóng với địa phương để đề phòng trường hợp khẩn cấp” - ông A Viết Sơn thông tin.

Chúng tôi từng đặt vấn đề về những lo ngại của người dân khi sống dưới một “quả bom nước” là đập thủy điện Đăk Mi 4, có thể di dời họ đến một khu tái định cư khác không, nhưng ông A Viết Sơn lắc đầu. Cái khó không chỉ là địa điểm tái định cư mà còn đất sản xuất đi kèm, kinh phí để thực hiện. Bởi vậy, cách duy nhất để bảo vệ người dân khi xảy ra sự cố là cảnh báo sớm và báo động một cách nhanh nhất để người dân di tản.

Theo ông Ka Phu Tân - Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ, H.Nam Giang - để ứng phó với nguy cơ sạt lở, ngập lụt cho thị trấn Thạnh Mỹ, chính quyền địa phương đã có phương án di dời người dân cụ thể trong từng trường hợp. Toàn thị trấn có tổng cộng 338 hộ thuộc diện phải di dời, trong đó sơ tán khi có bão là 87 hộ, sơ tán khi xảy ra lũ lụt là 227 hộ và sơ tán khi sạt lở là 74 hộ. Việc di dời, sơ tán phải được hoàn thành trước 12 giờ so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa bàn. Khi có dự báo mưa to (51-100mm) đến mưa rất to (trên 100mm), cơ quan chức năng sẽ xác định các khu vực bị ngập để thông tin, cảnh báo để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Cuối năm 2020, thủy điện Thượng Nhật (Thừa Thiên - Huế) nhiều lần xả lũ sai quy định gây ngập cho vùng hạ lưu - ẢNH: THUẬN HÓA
Cuối năm 2020, thủy điện Thượng Nhật (Thừa Thiên - Huế) nhiều lần xả lũ sai quy định gây ngập cho vùng hạ lưu - Ảnh: Thuận Hóa

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Nam - cho biết, vừa qua, đoàn liên ngành của tỉnh đã đi kiểm tra an toàn đập trước mùa mưa lũ. Qua đó, tỉnh đề nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn phần công trình đầu mối của 17 hồ bị hư hỏng, xuống cấp. “Đối với những hồ, đập cần sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, sở đã giao cho các địa phương tại đó lên phương án để di dời, chuẩn bị sơ tán người dân nếu xảy ra sự cố” - ông nói.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa ra công văn yêu cầu kiểm tra, rà soát lại quy trình vận hành liên hồ chứa, tăng cường hệ thống cảnh báo giữa các bên, tiếp tục kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống loa cảnh báo ở vùng hạ du sau mỗi đợt mưa, lũ và mùa mưa lũ. 

Tại hội thảo khoa học “Giải pháp công nghệ trong phòng, chống lũ quét, sạt lở đất” năm 2020, các chuyên gia đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản đã đưa ra các giải pháp xử lý sạt lở mái dốc, công nghệ đập ngăn bùn đá giảm nhẹ rủi ro lũ quét, sạt lở đất… nhưng như ở Nhật Bản, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tăng cường cảnh báo, thực hiện giải pháp sơ tán nhân dân trước nguy cơ hiểm họa. Chính phủ cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng chương trình đầu tư công trung hạn xây dựng nhà chống bão và lũ ở miền Trung.

Lắp camera giám sát việc vận hành hồ, đập

Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, tính đến tháng 9/2021, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 56 hồ chứa thủy lợi, 11 hồ thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3, công suất lắp máy 422,7MW. Hiện nay, các hồ đang được vận hành an toàn; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra, phòng, chống nguy cơ sạt lở, vỡ, tràn; kiểm chứng bản đồ ngập lụt vùng hạ du; quy trách nhiệm cho chủ đầu tư về phương án đảm bảo công trình do mình khai thác, quản lý; tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ dự báo và vận hành hồ, đập; đầu tư hệ thống camera theo dõi xả lũ qua các cống, đập về hạ du và truyền hình ảnh về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh.
 

Người dân xã Cà Dy, thị trấn Thạnh Mỹ, H.Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vẫn nơm nớp lo về một tai họa lơ lửng trên đầu từ thủy điện  (trong ảnh: Người dân thị trấn Thạnh Mỹ bị thiệt hại nặng sau đợt xả lũ điều tiết của thủy điện Đăk Mi 4 vào ngày 28/10/2020) - ẢNH: NGUYỄN DƯƠNG
Người dân xã Cà Dy, thị trấn Thạnh Mỹ, H.Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vẫn nơm nớp lo về một tai họa lơ lửng trên đầu từ thủy điện (trong ảnh: Người dân thị trấn Thạnh Mỹ bị thiệt hại nặng sau đợt xả lũ điều tiết của thủy điện Đăk Mi 4 vào ngày 28/10/2020) - Ảnh: Nguyễn Dương

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phối hợp với Bộ NN-PTNT triển khai dự án “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ từ năm 2018-2023, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại. 

Nhờ sự hỗ trợ của JICA, ngành chức năng của tỉnh đã lắp đặt camera để vận hành liên hồ chứa. Từ camera, trung tâm giám sát có thể theo dõi được mực nước về hồ, lưu lượng xả nước, cách điều tiết nước của nhà máy thủy điện. Sắp tới, ngành chức năng tiếp tục xây dựng hệ thống cảnh báo cho dân vùng hạ du như tháp báo lũ, cụm còi. 

Một cán bộ Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An cho biết, UBND tỉnh vừa bố trí hơn 30 tỷ đồng để gia cố tạm thời một số công trình bị hư hỏng trước mùa mưa lũ. Hằng năm, các địa phương, đơn vị quản lý hồ, đập thủy lợi phải kiểm tra thực trạng công trình rồi căn cứ vào đó xây dựng phương án phòng, chống bão lũ cho địa phương, trong đó bao gồm phương án xử lý sự cố, huy động nhân lực, địa điểm di dời người dân nếu xảy ra sự cố.

Kiểm soát xả lũ của thủy điện

Sau khi xảy ra hàng loạt vụ xả lũ của thủy điện miền Trung làm đảo lộn cuộc sống của người dân, nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức để nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường, lợi ích và thiệt hại do thủy điện gây ra. Nhiều chuyên gia khẳng định vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải có một giải pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong xử lý các đơn vị vi phạm quy trình xả lũ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng từng khẳng định, khi mưa lũ còn diễn biến phức tạp ở miền Trung, thì phải tập trung điều hành xả lũ khoa học. Công tác vận hành liên hồ chứa tại các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Nam cần đặc biệt chú ý điều hành, điều tiết, cắt lũ phải điều hành rất “nghệ thuật”. Thảm họa hay không là công tác điều hành, vận hành ở các trục hồ rất lớn.

Các thủy điện và hệ thống hồ chứa nước lớn do cấp bộ quản lý thì an toàn nhưng các thủy điện nhỏ do các địa phương quản lý lâu nay còn nhiều bất cập. Như vậy hiện nay, có thể thấy bài toán quản lý thủy điện nhỏ chủ yếu nằm ở trách nhiệm và sự chủ động của các địa phương, từ phê duyệt quy hoạch đến quản lý vận hành. Hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập như chưa có bản đồ cảnh báo các vùng ngập lụt hạ du mùa mưa lũ; chưa có các thiết bị giám sát, cảnh báo mực nước trong hồ thủy điện nhỏ, giám sát chặt chẽ quy trình xả lũ của thủy điện nhỏ. 

Với tiềm năng khá lớn, thủy điện đã đóng góp một phần quan trọng vào nhu cầu năng lượng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải quản lý chặt chẽ việc quy hoạch, xây dựng và vận hành các thủy điện, đặc biệt thủy điện nhỏ để làm sao đạt được mục tiêu phát triển kinh tế địa phương nhưng cũng phải bảo vệ và mang lại cuộc sống ổn định bền vững cho nhân dân. 

 Thuận Hóa - Phan Ngọc - Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI