Phấp phỏng nỗi lo làn sóng đại dịch cúm H1N1 mới

03/05/2013 - 07:56

PNO - Những ngày qua, mối lo về cúm A/H7N9 từ Trung Quốc đe dọa xâm nhập đã khiến không ít người dân phấp phỏng lo lắng.

Từng ngày, từng giờ, thông tin về số trường hợp mắc và tử vong do cúm A/H7N9 liên hồi được cập nhật thường xuyên trên nhiều phương tiện truyền thông.

Cúm A/H1N1 “nóng” ở nhiều nơi

Năm 2009, đại dịch cúm A/H1N1 xuất hiện ở trên 90 quốc gia và gây nhiễm bệnh cho hàng chục ngàn người, cướp đi sinh mạng của hơn 300 người. Vì vậy, rất đáng lo ngại khi chỉ trong hơn 1 tháng qua tại Việt Nam liên tiếp những chùm ca cúm nặng xảy ra ở khắp ba miền và đã có hàng chục trường hợp mắc và tử vong.

Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho hay, trong 3 tháng đầu năm 2013 trên cả nước đã có trên 300.000 người nhiễm cúm, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1. Các trường hợp tử vong trên bao gồm 2 người ở Yên Bái và 1 trường hợp ở Thanh Hóa.

Đặc biệt, theo thống kê của Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua (từ 27/4 đến 1/5), bệnh viện đã tiếp nhận 5 bệnh nhân cúm với biến chứng viêm phổi. Kết quả xét nghiệm cho thấy 2 người dương tính với cúm A/H1N1.

Ông Phu cũng cho hay, tại tỉnh Lào Cai vừa qua có hai chùm ổ dịch cúm điển hình với trên 50 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 7 trường hợp dương tính với chủng virus cúm A/H1N1.

Ổ dịch đầu tiên xảy ra tại một gia đình ở huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai với 5 người mắc bệnh ngày 21/3/2013 (gồm 1 người lớn và 4 trẻ nhỏ). Các bệnh nhân trên có biểu hiện sốt, ho, đau họng, viêm long đường hô hấp. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lào Cai đã lấy mẫu bệnh phẩm của 5 bệnh nhân trên, kết quả xét nghiệm 4 mẫu dương tính với chủng virus cúm A/H1N1.

Tại tỉnh Lào Cai, ổ dịch cúm A/H1N1 thứ hai đã ‘‘tấn công‘‘ vào Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai. Đến ngày 30/4/2013 trường học trên đã ghi nhận 46 trường hợp có biểu hiện bệnh cúm, không có trường hợp bệnh nặng. Các trường hợp trên có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, không sốt. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm, kết quả có 3 mẫu dương tính với cúm A(H1N1). Hiện các bệnh nhân đã được điều trị hồi phục.

Hiện nay, Yên Bái cũng là một tỉnh có khá nhiều ca nhiễm cúm A/H1N1. Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái, từ giữa tháng 3 đến nay, đã có 24 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Trong đó, chỉ 15 trường hợp điều trị lành còn 9 người đang được điều trị.

Lo ngại một làn sóng đại dịch mới

Đánh giá về lo ngại mối nguy dịch cúm A/H1N1 bùng phát mạnh trở lại, giáo sư Hoàng Thủy Long, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cảnh báo, theo lịch sử của các đại dịch cúm đã từng xảy ra thì một đợt đại dịch khởi phát thường là các đợt cúm lẻ tẻ, bệnh nhẹ rồi có thêm nhiều chùm ca bệnh với số lượng bệnh nhân tăng cao. Sau đó, dịch mới bùng phát mạnh với tỷ lệ tử vong cao của một loại virus cúm.

Ông Long cho rằng, việc trở lại của các chùm ca nhiễm cúm A/H1N1, trong đó nhiều người bệnh nặng, cho thấy không loại trừ xuất hiện một làn sóng mới của đại dịch này. Do đó, giáo sư Long cho rằng, nếu người dân không có ý thức phòng bệnh thì nguy cơ bùng phát cúm A/H1N1 là rất lớn.

Phap phong noi lo lan song dai dich cum H1N1 moi
Các bác sỹ chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm cúm. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Đề cập đến nguy cơ của một dịch cúm A/H1N1 mới, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, những tháng đầu năm 2013, số ca nhiễm cúm nặng cao hơn hẳn so với 2 năm trước. Do vậy, không loại trừ khả năng virus này có sự biến đổi về độc lực hay biến chủng mới. Tuy nhiên, bác sỹ Cấp khẳng định điều đó vẫn còn cần có các nghiên cứu chính xác hơn.

Phân tích mức độ nguy hiểm của cúm A/H1N1 nặng, bác sỹ Cấp cho hay, giai đoạn bệnh khởi phát ban đầu người dân rất khó phân biệt cúm thông thường với cúm A/H1N1 hay cúm A/H5N1, H3N2. Các chủng cúm đều có dấu hiệu lâm sàng khá giống nhau như ho, sốt cao, khó thở, viêm đường hô hấp, mệt mỏi, đau đầu, viêm kết mạc… nên rất khó khăn để xác định người bệnh nhiễm chủng cúm nào.

Vì vậy, bác sỹ Cấp khuyến cáo người dân khi có các biểu hiện như sốt, ho kéo dài, đau cơ… thì phải đến ngay cơ sở y tế điều trị để tránh biến chứng. Với những bệnh nhân bị cúm nặng, chỉ sau 3 ngày dễ xảy ra biến chứng viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng. Do vậy, với bệnh nhân đó thì khả năng cứu sống rất thấp.

Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho hay, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, đại dịch cúm A/H1N1 đã qua giai đoạn đại dịch, bước vào giai đoạn hậu đại dịch từ tháng 8/2010. Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, hiện chưa phát hiện sự biến đổi gen của virus cúm A/H1N1 gây đại dịch năm 2009, tuy nhiên virus cúm A/H1N1 gây đại dịch năm 2009 sẽ tiếp tục lưu hành ở nhiều quốc gia như các chủng virus cúm mùa khác. Vì vậy, các Việt Nam và quốc gia vẫn cần tiếp tục triển khai tốt công tác dự phòng và đề cao cảnh giác.

Trước tình hình tỷ lệ bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 cao trong số bệnh nhân có hội chứng cúm, Bộ Y tế đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi, phát hiện các ổ dịch, đặc biệt việc phát hiện sớm bệnh nhân nặng điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong./.

Để chủ động ngăn ngừa bệnh cúm A/H1N1, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi có các triệu chứng cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi nên chủ động đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời, hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng.

Bên cạnh đó, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm.

Các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường.

Theo Thùy Giang (Vietnam+)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI