Pháp: “Nội chiến” chloroquine trong đại dịch COVID-19

01/04/2020 - 06:00

PNO - “Cuộc chiến ngắn ngày” nhưng không khoan nhượng, giữa một bên bảo thủ và những người mong muốn tìm kiếm giải pháp cho việc ngăn chặn vi-rút một cách hữu hiệu nhất có thể.

Vào giữa tháng 2/2020, các bác sĩ Trung Quốc công bố một kết quả nghiên cứu liên quan đến việc thử nghiệm chloroquine (thuốc phòng và điều trị sốt rét đã có từ thập niên 1930) trên 100 bệnh nhân tại 10 bệnh viện của nước này. Theo ghi nhận lâm sàng đó, việc sử dụng chloroquine giúp rút ngắn thời gian điều trị và cho kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút trên các bệnh nhân.

Ngày 25/3, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tuyên bố cho phép sử dụng chloroquine trong điều trị bệnh COVID-19
Ngày 25/3, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tuyên bố cho phép sử dụng chloroquine trong điều trị bệnh COVID-19

 

Tuy nhiên, nghiên cứu trên chỉ được đăng ngắn gọn, sơ sài trên tạp chí BioScience Trends mà không ghi nhận các chi tiết về hồ sơ bệnh lý. Đồng thời, nó cũng không có được sự xác nhận nào của một hội đồng khoa học, không có số liệu cho phép định lượng hiệu quả và không có nhóm chứng để so sánh.

Trong nước chỉ trích, nước ngoài áp dụng

Ngày 19/3, cổng thông tin tra cứu thuốc Vidal của Pháp đã đăng một bài báo với tựa đề Sự trở lại của chloroquine, đề cập việc giáo sư Didier Raoult và cộng sự tại Bệnh viện Đại học IHU Marseille phát hiện sự ức chế của chloroquine đối với vi-rút SARS-CoV-2. Thử nghiệm lâm sàng được thực hiện trên 20 bệnh nhân nhiễm vi-rút, trong đó có sáu bệnh nhân được điều trị kết hợp với azithromycine. Ở phía nhóm chứng là 16 bệnh nhân chỉ được điều trị triệu chứng.

Kết quả cho thấy tín hiệu khả quan. Thế nhưng, vì lý do “số liệu quá thấp”, giá trị của nghiên cứu bị hội đồng khoa học chính phủ Pháp từ chối khi ông Raoult và nhóm nghiên cứu đề nghị một thử nghiệm lâm sàng lớn hơn.

Phương pháp của Raoult còn bị chỉ trích dữ dội từ nhiều phía. Nhà sinh học phân tử Olivier Belle chê bai nghiên cứu cho số liệu thấp, không đáng tin cậy. Một bác sĩ người Pháp có văn phòng ở TP.Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) phản đối và nghi ngờ hiệu quả của chloroquine. Phần đông giới y khoa trong nước lên tiếng cảnh báo nguy cơ tự dùng thuốc và nhắc đến các tác dụng phụ của chloroquine, cho dù giáo sư Raoult khẳng định, thử nghiệm sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

Các vị “máu mặt” ở Paris như giáo sư Karine Lacombe - Trưởng khoa Bệnh lý nhiễm trùng, Bệnh viện Saint Antoine, giáo sư Phillipe Juvin của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện George Pompidou đều đưa ra sự thăm dò “vì hiện chúng ta cũng không có cách nào điều trị căn bệnh này”, kèm đòi hỏi phải chứng minh hiệu quả và làm sáng tỏ tác dụng của chloroquine đối với COVID-19.

Về phía cơ quan quản lý, dù Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Olivier Véran nói “không có quốc gia nào cấp phép cho một nghiên cứu như thế”, nhưng ông cũng không hoàn toàn bác bỏ. Trái lại, ông đề nghị thực hiện nghiên cứu này với quy mô lớn hơn, ở các bệnh viện khác nhau, với những nhóm nghiên cứu độc lập khác nhau. Véran cho rằng, đó là cách tốt nhất giảm bớt sự chậm trễ và hy vọng sẽ có kết quả trong vòng hai tuần.

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump cho rằng, chloroquine sẽ làm thay đổi “cuộc chơi” và tuyên bố Hoa Kỳ sẽ cung cấp thuốc lập tức cho việc điều trị. 

Hàng trăm bác sĩ yêu cầu đưa quan chức y tế ra tòa

Quay lại Pháp, dù bị miệt thị là “vô đạo đức” nhưng Raoult và cộng sự vẫn cùng các bác sĩ khác ở Paris, Lille, Nantes, Strassbourg, Lyon tiếp tục thử nghiệm trên 3.200 bệnh nhân, trong đó có 800 bệnh nhân COVID-19 nặng. Trong khoảng thời gian này, các bệnh viện âm thầm chuẩn bị sẵn chloroquine cho bệnh nhân. Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Bichat (Paris) - nơi ghi nhận ca tử vong đầu tiên của châu Âu vì COVID-19 - xác nhận điều này: “Người dân cần hy vọng vào một giải pháp khi mà chúng ta không có giải pháp nào khác”. 

ười mong muốn tìm k
Giáo sư Didier Raoult

Ngày 24/3, trong lúc quốc hội Pháp lần đầu tiên lắng nghe Bộ Y tế trình bày về vấn đề chloroquine thì giáo sư Raoult tuyên bố rút khỏi hội đồng khoa học của chính phủ. Chính trong thời gian này, gió đã xoay chiều khi mà số ca mắc và tử vong ở châu Âu ngày càng gia tăng chóng mặt. Làn sóng ủng hộ Raoult ngày càng lên cao. Chỉ trong năm ngày thăm dò, số người tán thành nghiên cứu của ông, cả trong và ngoài ngành y, đã lên đến 300.000 người. Đồng thời, có 900 bác sĩ đồng ký đơn đòi đưa cựu Bộ trưởng y tế Agnès Buzyn và một quan chức cao cấp ngành y tế của Pháp ra tòa. Thậm chí, có cáo buộc rằng, bà cựu bộ trưởng đã tìm cách “dìm hàng” chloroquine vì một lý do dính dáng đến thương mại từ tháng 1/2020.

Trên Facebook cá nhân “Didier Raoult et Coronavirus” của giáo sư đã tràn ngập lời ủng hộ kèm theo những lời chỉ trích thậm tệ việc chậm trễ phản ứng của chính phủ đối với chloroquine trước đại dịch. Mỗi ngày, có thêm hàng ngàn người lên tiếng trên mạng xã hội ủng hộ giáo sư Raoult.

“Tôi là mẹ của năm đứa con phải chọn lựa giữa sự sống và cái chết. Tôi sẵn sàng chọn mình làm vật thí nghiệm để có cơ hội sống” - một bà mẹ lên tiếng. Rất nhiều người đã kêu gọi bảo vệ Raoult nhằm chống lại sự “độc tài” của chính phủ. Họ còn đề nghị trao giải Nobel y học cho giáo sư. Nhiều hình ảnh còn được chế ra để ví ông như là một vị thánh.

Nội bộ nước Pháp cứ tranh cãi và ngày 25/3, chính phủ Hoa Kỳ cùng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tuyên bố cho phép sử dụng chloroquine trong điều trị bệnh COVID-19, dựa theo phác đồ điều trị của Didier Raoult. Ngày 26/3, không thể chần chừ trước sức ép của dư luận, Chính phủ Pháp cũng đã phải đồng ý cho phép điều tương tự. 

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI