|
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (12/4/1973 – 12/4/2023) tại Nhà hát lớn Thành phố |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (12/4/1973 – 12/4/2023) vào sáng ngày 13/4, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh quan hệ hai nước đã có những bước tiến dài rất có ý nghĩa sau nửa thế kỷ.
Về kinh tế, Pháp luôn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động thương mại giữa hai nước.
Sắp tới, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) được phê chuẩn sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho quan hệ đầu tư bình đẳng, cùng có lợi, góp phần mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước và hai khu vực.
Mặt khác, các mối quan hệ trong khuôn khổ song phương lẫn đa phương đều phát triển ngày càng phong phú, đa dạng. Hàng trăm thỏa thuận đã được ký kết giữa các trường đại học, trung tâm nghiên cứu của hai nước và hiện có khoảng 7.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang học tập tại Pháp.
Đồng thời, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp là một cộng đồng lâu đời, lớn nhất trong số các cộng đồng người Việt tại châu Âu.
Ông Phan Văn Mãi gửi lời cảm ơn những hỗ trợ về y tế, đặc biệt trong công tác phòng - chống dịch COVID-19 mà chính phủ và người dân Pháp đã gửi đến Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Qua đó góp phần cùng Việt Nam đẩy lùi đại dịch.
|
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh quan hệ hai nước đã có những bước tiến dài rất có ý nghĩa sau chặng đường 50 năm |
TPHCM luôn là một trong những địa phương tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác cụ thể, thiết thực nhằm không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ với Pháp và các địa phương của Pháp. Về kinh tế, Pháp là nhà đầu tư lớn thứ 16 của thành phố, với 336 dự án, tổng vốn khoảng 310 triệu USD.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa TPHCM và Pháp năm 2021 đạt hơn 840 triệu USD và năm 2022 đạt gần 940 triệu USD. Trước thời điểm dịch bệnh, hoạt động du lịch giữa hai bên khá sôi động, với gần 135 ngàn lượt du khách Pháp đến thăm TPHCM vào năm 2019.
Hợp tác trong lĩnh vực y tế tiếp tục là một điểm sáng trong quan hệ giữa TPHCM và Pháp. Bên cạnh nhiều chương trình đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đã và đang được triển khai, TPHCM đánh giá cao hoạt động của Trung tâm Y tế Pháp. Hoạt động từ năm 2018, đây là mô hình hữu hiệu của hợp tác đào tạo về chuyên môn và ngôn ngữ trong lĩnh vực y tế cho đội ngũ y bác sĩ TPHCM và Việt Nam.
Bên cạnh đó, các lớp song ngữ dành cho các trường phổ thông, chương trình dạy tiếng Pháp trong các trường đại học là cầu nối quan trọng trong giao lưu văn hóa, giáo dục trong bức tranh toàn diện của mối quan hệ TPHCM - Pháp. Nền giáo dục tại Pháp cũng luôn là một trong những lựa chọn ưu tiên của các bạn sinh viên Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều công trình chiếu sáng mỹ thuật tại trụ sở UBND TPHCM, Bảo tàng TP, Nhà hát TP, Tòa nhà Bưu điện và Bảo tàng Mỹ thuật, và gần đây nhất là Tòa nhà Kho bạc Nhà nước là minh chứng sinh động cho mối quan hệ giữa TPHCM và TP Lyon.
|
Bà Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM Emmanuelle Pavillon Grosser chia sẻ rằng nghệ thuật sơn mài và môn võ Vovinam là 2 trong số những điều mà bà rất muốn tìm hiểu khi đến làm việc tại Việt Nam |
Đáp lại, Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM Emmanuelle Pavillon Grosser cho biết, quan hệ hai nước đã đạt được nhiều cột mốc tích cực trong chặng đường qua. Năm 2023 cũng đánh dấu 10 năm Pháp và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Bà kỳ vọng đây sẽ là cơ sở để hai nước tiếp tục có những bước tiến mới trong mọi lĩnh vực trong 50 năm tới.
Bà nhắc lại rằng từ những năm 1990, hàng ngàn người Pháp đã lựa chọn đến Việt Nam sinh sống. Đến nay, 7.500 kiều bào Pháp đang từng ngày góp phần vun đắp mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia.
Theo bà, một nét thú vị dễ nhận thấy khi người dân Pháp đến Việt Nam đó là được nghe những từ ngữ quen thuộc mà người dân Việt Nam đã mượn từ ngôn ngữ Pháp để đưa vào cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như món bánh mì pa-tê, sốt caramel hay những chiếc ô tô.
Nhờ những sự giao thoa văn hóa và mong muốn hợp tác phát triển, trao đổi thương mại giữa Pháp - Việt Nam đã đạt hơn 8 tỉ euro, giúp Pháp trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai trong Liên minh châu Âu vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam hiện tạo ra khoảng 20.000 việc làm, cùng khoảng 4-5 tỉ USD doanh thu. Khắp các nẻo đường của TPHCM, mọi người dễ dàng bắt gặp những cửa hàng, thương hiệu đề tên bằng tiếng Pháp.
Bà Emmanuelle Pavillon Grosser khẳng định, để chuẩn bị cho tương lai, hai quốc gia phải đẩy mạnh họp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, bao gồm các lĩnh vực ưu tiên như y tế và chuyển dịch năng lượng.
Đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu tăng trưởng cacbon thấp và giúp Việt Nam nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực y tế, hơn 3.000 y bác sĩ Việt Nam đã được đào tạo tại các bệnh viện của Pháp và hiện nắm giữ nhiều trọng trách tại hệ thống trường đại học, bệnh viện của Việt Nam.
Cuối cùng, bà Emmanuelle Pavillon Grosser mong muốn hai nước sẽ phát triển các dự án dành cho thế hệ trẻ, bên cạnh nuôi dưỡng những mối liên kết dày đặc giữa các tỉnh thành.
|
Các nghệ sĩ Việt Nam trình diễn áo dài và nhạc cụ dân tộc |
|
Một tiết mục trong chương trình văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp |
Tấn Vĩ