Pháp luật hỗ trợ tích cực “sự nghiệp” làm mẹ

09/03/2017 - 16:34

PNO - Ngay từ lúc người mẹ mang thai cũng được pháp luật quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo tốt nhất sức khỏe của người mẹ.

So sánh với các quy định của pháp luật qua các giai đoạn từ trước đến nay, chúng ta có thể thấy được quyền lợi của người phụ nữ ngày càng được tôn trọng, ngày càng được đảm bảo hơn. Pháp luật đã có nhiều quy định nhằm khẳng định và bảo vệ quyền cho phụ nữ trong các văn bản pháp luật như Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014… Đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã có nhiều quy định cụ thể và thiết thực để bảo vệ phụ nữ về vấn đề quyền lợi trong quá trình lao động, thai sản.

Phap luat ho tro tich cuc “su nghiep” lam me
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, chế độ thai sản được quy định một cách rất khoa học như lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là sáu tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm một tháng.

Và ngay từ lúc người mẹ mang thai cũng được pháp luật quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo tốt nhất sức khỏe của người mẹ, cụ thể, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá hai tháng, quy định này là để bảo đảm sức khỏe cho người mẹ trước và sau khi sinh, tránh có sự phân phối thời gian nghỉ thai sản không hợp lý, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Pháp luật còn cấm một số công việc không được sử dụng lao động nữ, cụ thể là Thông tư số 26/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 về danh mục các công việc không được sử dụng lao động nữ, quy định này nhằm cụ thể điều 160 Bộ luật Lao động năm 2012 về công việc không được sử dụng lao động nữ.

Danh mục đã liệt kê một cách rất chi tiết về các công việc không được sử dụng lao động nữ và danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Sở dĩ luật ngày một tiến bộ, khoa học và nhất là đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ khi mang thai, sinh con... đều xuất phát từ sự phát triển của xã hội và chính từ nhu cầu cần phải được đảm bảo về sức khỏe cho phụ nữ khi mang thai, sinh con.

Đối với các nước tiến bộ, việc đảm bảo quyền lợi an sinh cho công dân, trong đó có bao hàm các chế độ, quyền của người phụ nữ khi mang thai, sinh con luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi vì, ngay từ khi bắt đầu đủ tuổi trưởng thành họ đều phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (trừ những trường hợp như người già neo đơn, các trẻ em không nơi nương tựa, cựu chiến binh... thì chính phủ trợ cấp hoàn toàn về bảo hiểm). Do đó, họ không phải đắn đo khi mang thai, sinh con... tất cả đều được đảm bảo một cách tốt nhất, nên họ ít bị các áp lực về mất việc, mất cơ hội thăng tiến hay phải nghỉ ở nhà chăm con cho chồng nuôi...

Tại điều 158 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định cụ thể lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản. Trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

Để người phụ nữ Việt dần được xóa bỏ bớt các vướng bận âu lo liên quan đến công việc, sinh sản và sự phát triển trong sự nghiệp thì luật pháp cần có sự thay đổi cho tương xứng. Song song đó, các chương trình bảo hiểm an sinh xã hội cũng cần được xem xét tích cực, phù hợp hơn để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho phụ nữ khi mang thai, sinh con. Các cơ quan có thẩm quyền cần phải có biện pháp cụ thể, thiết thực để bảo đảm các quy định về bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ được thực hiện đúng và đầy đủ trong cuộc sống.

Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

( Đoàn luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI