Pháp luật đang bảo vệ gì cho phụ nữ sau ly hôn?

21/12/2017 - 09:07

PNO - Thực tế không ít phụ nữ muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân tù túng nhưng lại rất hoang mang trước quyền lợi, sự thiệt thòi, cũng như việ động chạm vào pháp luật. Vậy pháp luật có thể bảo vệ gì cho phụ nữ sau ly hôn?

Một phần vì chưa có sự trang bị kiến thức cần thiết, một phần vì chưa đủ sẵn sàng để đối mặt với những câu hỏi về quyền và lợi ích của mình sau ngày chấm dứt một cuộc hôn nhân.

Không có khoản “bồi thường tuổi thanh xuân”

Quy định pháp luật hiện hành về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng sau ly hôn được ràng buộc bởi Luật hôn nhân và gia đình 2014. Theo quy định của luật này, việc một cặp vợ chồng rơi vào tình trạng không thể tiếp tục cuộc hôn nhân được hiểu là khi: “Mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”. Đó chính là căn cứ để Tòa án nhân dân xem xét về việc cho hoặc không cho một cặp vợ chồng ly hôn trên thực tế.

Trong các quyền và nghĩa vụ cần phải giải quyết với trường hợp ly hôn của các cặp vợ chồng thì ngoài quan hệ hôn nhân còn có quan hệ về quyền nuôi con nếu vợ chồng có con chung và yêu cầu được nuôi.

Ngoài ra tòa án khi giải quyết việc ly hôn cũng sẽ xem xét cả về vấn đề tài sản mà theo nguyên tắc chung nhất là chia đôi cho cả hai vợ chồng trừ những trường hợp đặc biệt.

Phap luat dang bao ve gi cho phu nu sau ly hon?

Ảnh minh họa

Điều này có thể hiểu rằng, pháp luật dù đặt quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em ưu tiên để bảo vệ, nhưng sẽ không có khoản quy định nào ràng buộc về “bồi thường tuổi thanh xuân” cho một người vợ khi ly hôn. Đây là một trong những điều nhiều người phụ nữ vẫn thường thắc mắc. Vì họ luôn cho rằng bản thân là người thiệt thòi trong quan hệ hôn nhân khi nó chấm dứt. Vì tuổi trẻ của một người phụ nữ gần như đã khép lại sau khi khép lại một cuộc hôn nhân. Nhưng đó là quan niệm về mặt xã hội, còn thực tế tòa sẽ bác yêu cầu đòi bồi thường về tuổi thanh xuân của một người vợ khi ly hôn với chồng do không có quy định bắt buộc.

Nhìn lại bản chất của một cuộc hôn nhân, ngay từ thời điểm ban đầu khi chúng ta ràng buộc vào với một người đàn ông để xây dựng hạnh phúc gia đình, hoàn toàn dựa vào sự tự nguyện và tình yêu thuần khiết. Đó chính là lý do mà thanh xuân thì dù của vợ hay chồng, cũng đều bị hao mòn sau ngần ấy năm chung chăn gối.

Pháp luật, về cơ bản là những quy định để bảo vệ quyền và lợi ích cho con người. Và nam hay nữ thì theo Hiến pháp 2013 của Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật. Thực tế chúng ta đều hiểu rằng phụ nữ phần lớn là người bị thiệt thòi sau một cuộc hôn nhân, nhưng khi đã nói về pháp luật thì nói đòi hỏi có sự công bằng nên những yêu cầu về quyền được bồi thường thanh xuân sau khi ly hôn là điều không tồn tại.

Những quy định ưu tiên cho phụ nữ sau khi ly hôn

Nhưng đừng buồn, dù sao phái yếu vẫn được bảo vệ sau khi cuộc hôn nhân khép lại. Như việc Luật hôn nhân và gia đình 2014 cho phép người mẹ có con dưới 36 tháng tuổi sẽ được quyền nuôi con mà người chồng không được can thiệp. Đó là sự đảm bảo cho đứa con sơ sinh của chúng ta sẽ được lớn trong vòng tay của người mẹ, ít nhất là khi bé đủ cứng cáp.

Hoặc với quyền ly hôn, luật không cấm người phụ nữ ly hôn nhưng có ràng buộc không cho phép người chồng được quyền ly hôn khi người vợ đang có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Ràng buộc này là cần thiết để bảo vệ quyền cho phụ nữ trong giai đoạn rất nhạy cảm của cuộc đời.

Phap luat dang bao ve gi cho phu nu sau ly hon?

Ảnh minh họa

Về tài sản, nguyên tắc chia đôi luôn được đảm bảo nếu như một trong hai bên không có đủ cơ sở chứng minh sự đóng góp nhiều hơn của mình. Không ít người phụ nữ ngại ly hôn, vì họ cho rằng mình chỉ là nội trợ, công việc văn phòng đồng lương ít ỏi, nếu giờ ly hôn thì tay trắng ra đường.

Không phải như vậy đâu các bạn à, vì nguyên tắc đạo lý “của chồng công vợ” luôn là nguyên tắc trường tồn để các thẩm phán xem xét đối với vấn đề tài sản trong hôn nhân.

Nếu không có những bà vợ, liệu rằng những ông chồng có yên tâm mà gây dựng sự nghiệp. Nếu không có những bà vợ chấp nhận thiệt thòi, liệu rằng khối tài sản nào đó có được thành hình và phát triển đến như vậy. Pháp luật luôn đảm bảo sự công bằng là vậy, trong bất cứ cuộc hôn nhân nào khi nó đã đến lúc cần phải khép lại.

Đừng sợ ly hôn, nếu vẫn còn trăn trở về pháp luật sẽ bảo vệ ta theo cách nào.

Nguyên Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI