Pháo lậu, pháo giả tràn lan, chực chờ gây họa

28/12/2024 - 06:08

PNO - Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, pháo hoa giả, pháo hoa lậu đang được bán tràn lan trên thị trường, tiềm ẩn nhiều hiểm họa. Đã có nhiều vụ cháy, nổ do đốt pháo, tự chế pháo, gây thiệt hại tính mạng, tài sản của người tiêu dùng.

Bán pháo trên đường, trên mạng

Những ngày cuối năm, trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 13, quận 5, TPHCM, xuất hiện nhiều điểm bán pháo hoa. Tấp xe vào một điểm, chúng tôi được một người đàn ông khoảng 45 tuổi chào mời mua “pháo hoa Bộ Quốc phòng sản xuất”. Người này bán pháo loại 25 ống (dàn phun viên) với giá 530.000 đồng/hộp nếu mua từ 5-10 hộp, 450.000 đồng/hộp nếu mua nguyên thùng.

Quảng cáo rằng mình có giấy tờ đầy đủ nhưng ông cũng thú nhận rằng, ở TPHCM, pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất chỉ được phép bán ở 6 đại lý chính thức. Ngoài bán pháo có nhãn mác giống loại pháo do Bộ Quốc phòng sản xuất, ông còn giới thiệu các loại pháo của Thái Lan với giá 1,4 triệu đồng/hộp, có tầm bắn khoảng 30m kèm tiếng nổ.

Người đàn ông bị lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh bắt giữ do vận chuyển 158kg pháo lậu hồi tháng 11/2024 - ẢNH: L.Q.
Người đàn ông bị lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh bắt giữ do vận chuyển 158kg pháo lậu hồi tháng 11/2024 - Ảnh: L.Q.

Các loại pháo cũng được chào bán nhộn nhịp trên mạng xã hội Facebook. Trong nhóm “Hội buôn bán sỉ pháo hoa Z121” có hơn 2.500 thành viên, một thành viên giới thiệu: “Pháo hoa chính hãng Bộ Quốc phòng (bản mới nhất đón tết 2025). Ai chưa có pháo chơi tết thì kết bạn Zalo với mình, còn rất nhiều hàng. Liên hệ số 0988.261.xxx”.

Một tài khoản khác trên nhóm “Pháo hoa tết 2025” quảng cáo: “Cửa hàng pháo hoa Bộ Quốc phòng, pháo Thái Lan đầy đủ các mã hàng, mời anh chị đặt mua sỉ lẻ. Giá cập nhật: pháo dàn 36 viên giá 400.000 đồng, dàn 49 viên giá 500.000 đồng, dàn 138 viên giá 1 triệu đồng. Các loại pháo bi, pháo trứng cũng sẵn hàng, giá từ 200.000-400.000 đồng”.

Ở TP Hà Nội, dịch vụ pháo hoa cũng diễn ra sôi động, cả trên đường phố lẫn trên mạng xã hội. Hầu hết người bán đều khẳng định pháo mình bán là do nhà máy Z121 của Bộ Quốc phòng sản xuất. Họ cũng bán pháo hoa được nhập khẩu từ Thái Lan với mức giá rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm được phép bán trên thị trường.

Nguy cơ cháy nổ, tai nạn bủa vây

Theo đại úy Nguyễn Anh Tú (Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), pháo hoa là mặt hàng đặc biệt, đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt trong mọi khâu gồm sản xuất, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh. Nếu không tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, nhiều khả năng pháo làm cháy các vật liệu dễ cháy, gây cháy lan, cháy lớn.

Trong 7 ngày nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ 29 tháng Chạp đến mùng Năm tháng Giêng), cả nước ghi nhận 604 ca khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa, tăng 51,4% so với tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Nguồn: Bộ Y tế

Pháo giả, pháo nhập lậu từng gây ra nhiều vụ tai nạn. Đêm 30 tháng Chạp năm Quý Mão (9/2/2024), khi đang xem bắn pháo hoa, một cô gái 18 tuổi ở tỉnh Gia Lai đã bị một quả pháo nổ bay thẳng vào mắt, bị bỏng giác mạc nặng. Cùng đêm, một người đàn ông 37 tuổi ở thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng đã tử vong do viên pháo bi phát nổ trên tay khi chưa kịp quăng xa.
Mới đây nhất, ngày 23/12, tại nhà ông P.P.Đ. - ở xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh - đã xảy ra vụ nổ làm sập tường nhà, khiến 1 người chết, 5 người bị thương. Công an tỉnh xác định, vụ nổ là do vật liệu làm pháo gây ra.

Một người bị thương tích do chơi pháo, được Bệnh viện Việt Đức điều trị - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Một người bị thương tích do chơi pháo, được Bệnh viện Việt Đức điều trị - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM - nhận định, cuối năm dương lịch và giáp tết Nguyên đán, vi phạm liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép dự báo có chiều hướng gia tăng. Để đảm bảo an toàn, tuân thủ pháp luật, người dân chỉ nên sử dụng pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, có mã QR chống hàng giả và được bán ở các cửa hàng, đại lý được ủy quyền. Khi mua pháo, cần kiểm tra thông tin sản phẩm, bảo quản nơi khô ráo, tránh xa nguồn lửa và để ngoài tầm tay trẻ em. Đặc biệt, nên sử dụng pháo hoa ngoài trời, tránh nơi có mái che hoặc gần đường dây điện. Sau khi sử dụng, cần để nguội pháo, tưới nước lên, sau đó mới cho xác pháo vào thùng rác. Nếu xảy ra sự cố cháy, nổ, người dân cần báo ngay cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ qua số điện thoại 114 hoặc qua ứng dụng “Báo cháy 114” để được hỗ trợ kịp thời.

Về phần mình, để đảm bảo an ninh trật tự trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an TPHCM tập trung tuyên truyền và vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trái phép. Công an cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường bộ, đường thủy, theo dõi sát hoạt động mua bán pháo trên không gian mạng, tăng cường phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh hàng hóa.

Nhiều thanh thiếu niên tự chế pháo bất chấp hiểm nguy

Vụ nổ làm 6 người thương vong xảy ra ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh ngày 23/12 thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về mối nguy hiểm của việc mua vật liệu, tự chế pháo. Nhiều năm qua, cứ mỗi dịp gần tết, nhiều thanh thiếu niên lại tự chế pháo, chơi pháo tự chế.

Ngày 15/12, Công an xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông bắt quả tang 11 học sinh 13-15 tuổi đang chế tạo pháo cùng với tang vật là 105 quả pháo cùng hàng chục kg nguyên vật liệu chế tạo pháo. Trước đó, ngày 20/11, Công an thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện nhóm học sinh từ 16-17 tuổi tự chế tạo và vận chuyển 200 quả pháo nổ. Mở rộng điều tra, công an phát hiện thêm một nhóm học sinh khác tàng trữ hơn 600 quả pháo tự chế. Các đối tượng vi phạm đều học cách làm pháo và mua nguyên vật liệu làm pháo trên Facebook.

Trong nhóm “Hội chế pháo” với hơn 6.200 thành viên trên Facebook, nhiều tài khoản đăng bài mua bán vật liệu chế pháo cối, thủ pháo, lựu đạn, mìn, pháo nổ, pháo hoa và để lại số điện thoại liên lạc. Trên các sàn thương mại điện tử, nguyên liệu làm pháo được bán trá hình dưới tên bột than đen, bột than mịn, thuốc tím sát khuẩn dùng trong nông nghiệp; dây cháy chậm được rao bán dưới tên dây dù uốn cây, dây dẫn nhiệt chậm. Tuy nhiên, hầu hết bình luận bên dưới lời rao đều đề cập tới việc làm pháo tự chế...

Bắt nhiều vụ pháo giả, pháo lậu

Ngày 18/12, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Lợi và Nguyễn Thị Thanh Vân - ở xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ - về tội sản xuất hàng cấm, giả mạo sản phẩm pháo hoa của Bộ Quốc phòng. Trước đó, ngày 13/12, kiểm tra nhà của cặp vợ chồng này, công an thu giữ 18kg pháo hoa tự chế và 150kg dây cháy chậm, hóa chất và vật liệu dùng để sản xuất pháo hoa giả nhãn hiệu Z121. Đôi vợ chồng này khai, do thấy nhu cầu mua pháo hoa cao nên họ mua nguyên liệu, máy móc trên mạng để tự sản xuất pháo hoa để bán trên mạng xã hội.

Ngày 24/12, Công an huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh cũng khởi tố Phạm Viết Nhật - thường trú ở tỉnh Đồng Nai - và Huỳnh Tấn Tài - thường trú ở tỉnh Bình Phước - về tội buôn bán hàng cấm. 2 người này lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội, rao bán các loại pháo lậu có xuất xứ Thái Lan và giao hàng qua dịch vụ giao hàng nhanh. Cho đến khi bị bắt, họ đã thực hiện hơn 200 giao dịch, bán được hơn 1 tấn pháo nổ. Khi bắt giữ 2 người này, công an còn thu giữ khoảng 400kg pháo các loại. Giữa tháng 12/2024, lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ 2 đối tượng, thu giữ hơn 180kg pháo các loại. Công an tỉnh này cũng bắt giữ 1 người chở 158kg pháo lậu từ biên giới Campuchia ở tỉnh Tây Ninh về.

N Thanh Tâm - Huyền Anh - Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI