Pháo lậu luồn lách vào biên giới, bán tràn lan trên mạng

21/01/2022 - 07:01

PNO - Bộ đội biên phòng liên tục phát hiện, bắt giữ các đối tượng mang pháo lậu tuồn vào từ bên kia biên giới. Trên mạng xã hội, lời rao bán pháo cũng ngập tràn.

Phân nhỏ hàng, cõng qua biên giới Tây Nam

Những ngày cuối năm, trên tuyến biên giới Tây Nam, tình trạng buôn lậu pháo nổ trở nên nhộn nhịp hơn. Tại tỉnh Tây Ninh, do lực lượng biên phòng đang phong tỏa đường mòn, lối mở để phòng, chống dịch COVID-19 và chống buôn lậu nên các đối tượng buôn lậu chọn phương thức cõng hàng qua biên giới đường bộ hoặc dùng ghe nhỏ chở hàng lậu qua biên giới đường sông.

Cuối năm 2021 đến nay, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển pháo nổ trái phép về Việt Nam ẢNH: ĐÌNH TIẾN
Cuối năm 2021 đến nay, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển pháo nổ trái phép về Việt Nam - Ảnh: Đình Tiến

Ngày 16/1, khi trời vừa sập tối, các chiến sĩ ở chốt phòng, chống dịch COVID-19 số 10 thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh phối hợp với công an địa phương tuần tra tuyến biên giới, khi đến gần cột mốc 119/1 ở ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, H.Tân Biên thì phát hiện hai đối tượng cõng hai bao tải lớn đi từ hướng Campuchia về Việt Nam. Khi bị ngăn chặn, truy đuổi, hai người này vứt lại hàng, lợi dụng đêm tối thoát thân về bên kia biên giới. Kiểm tra hai bao tải, lực lượng chức năng phát hiện bên trong chứa 30 hộp pháo hoa với tổng trọng lượng 42kg.

Trước đó, vào một đêm mưa cuối tháng 12/2021, bộ đội Đồn biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc triển khai lực lượng chốt chặn quanh cột mốc phụ 106/3 ở ấp Tân Khai, xã Tân Lập, phát hiện hai người đang cõng hai bao tải hàng đi bộ qua biên giới. Thấy lực lượng chức năng, hai người này vứt lại hàng (pháo hoa, pháo nổ, pháo ném) chạy thoát thân. 

Không chỉ ở đường mòn, lối mở trên bộ, những ngày cuối năm, các đối tượng buôn lậu còn tuồn pháo lậu vào Việt Nam bằng đường sông. Một giờ ngày 16/12, các cán bộ thuộc Đội đặc nhiệm Phòng, chống ma túy và tội phạm (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh) phối hợp với Đồn biên phòng Vàm Trảng Trâu mật phục trên tuyến biên giới đường sông ở xã Phước Vinh, H.Châu Thành, chặn được một ghe máy đang chở 800kg pháo lậu.

Trong nội địa, pháo nổ được tập kết ở các tỉnh giáp biên giới để chở về các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM… Lúc 1g ngày 17/1, các cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Bình Phước phát hiện một xe bán tải di chuyển trên đường ĐT 741, hướng từ TP. Đồng Xoài đi TPHCM có dấu hiệu khả nghi. Khi công an ra hiệu lệnh dừng xe, tài xế xe tăng tốc chạy về hướng TPHCM. Công an đã truy đuổi, bắt giữ bốn người trên xe cùng tang vật là 200 hộp đựng khoảng 400kg pháo nổ, vỏ hộp ghi bằng chữ nước ngoài. Bước đầu, các nghi can khai nhận mua số pháo nổ trên ở H.Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, chở về tỉnh Đồng Nai tiêu thụ.

Tại TPHCM, đầu tháng 1/2022, Công an Q.5 cũng phát hiện, bắt giữ hai người mặc đồ xe ôm “công nghệ” vận chuyển hàng chục ký pháo nổ ở khu vực Chợ Lớn. 

Nhiều kiểu vận chuyển, phân phối hàng tinh vi

Tại khu vực thuộc khóm Vĩnh Đông, thị trấn Lao Bảo, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, ngày 6/1, tổ công tác của Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo phối hợp với Đội trinh sát đặc nhiệm, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động; Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị và Công an H.Hướng Hóa bắt giữ đối tượng Trương Đình V. (SN 1997, trú tại xã Tân Long, H.Hướng Hóa) đang vận chuyển trái phép 14kg pháo hoa. Kiểm tra khu vực này, lực lượng thực hiện nhiệm vụ phát hiện, thu giữ thêm 274kg pháo hoa được cất giấu tinh vi. Qua đấu tranh, đối tượng V. khai nhận, vận chuyển số pháo trên từ khu vực bờ sông biên giới Sê Pôn lên Quốc lộ 9 giao cho một người đàn ông không rõ danh tính để lấy tiền công 400.000 đồng.

Đối tượng Trương Đình V. bị bắt giữ cùng tang vật là pháo nổ tại khóm Vĩnh Đông, thị trấn Lao Bảo, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị ngày 6/1  ẢNH: ĐÌNH TIẾN
Đối tượng Trương Đình V. bị bắt giữ cùng tang vật là pháo nổ tại khóm Vĩnh Đông, thị trấn Lao Bảo, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị ngày 6/1- Ảnh: Đình Tiến

Trước đó vài ngày, tại khu vực biên giới thuộc khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo phối hợp với nhiều đơn vị chức năng, phát hiện và bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Nhiễm S. (người địa phương) đang vận chuyển trái phép 86kg pháo hoa. Tại cơ quan chức năng, đối tượng khai nhận mua số pháo trên của một người đàn ông không quen biết tại khu vực biên giới với giá 8 triệu đồng để vận chuyển về nhà chia nhỏ bán kiếm lời…

Chỉ tính từ đầu tháng 1/2022 đến nay, các đơn vị bộ đội biên phòng của tỉnh Quảng Trị đã bắt bốn vụ buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, thu giữ gần 400kg pháo các loại. Đại tá Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến cho hoạt động buôn bán, vận chuyển pháo qua biên giới tỉnh Quảng Trị diễn biến phức tạp vào cuối năm như khu vực biên giới trên sông và trên bộ của tỉnh rất dễ bị các đối tượng lợi dụng để xuất nhập cảnh trái phép.

Cùng với đó, nhiều người dân gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật, trong đó có vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới... “Trước tình hình trên, chúng tôi đã triển khai lực lượng phối hợp với các đồn biên phòng và cơ quan chức năng bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển pháo trái phép ngay từ cửa ngõ biên giới”, đại tá Minh cho biết thêm.

Theo đại tá Phan Thanh Minh, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo nổ rất tinh vi. Các đầu nậu thường không xuất hiện, trực tiếp tham gia mà sử dụng mạng xã hội, điện thoại để điều hành việc vận chuyển, phân phối “hàng”. Trong khi đó, những người vận chuyển thuê lại rất am hiểu địa bàn, thậm chí nắm cả quy luật hoạt động của cơ quan chức năng nên việc đấu tranh, bắt giữ gặp phải không ít khó khăn.

Ngoài ra đối tượng vận chuyển số pháo lậu được chia nhỏ thành từng bao tải rồi gửi theo bìa rừng vài ba người để không bị phát hiện. Trong trường hợp bắt giữ được đối tượng cùng tang vật thì việc mở rộng điều tra cũng rất khó khăn. Lý do khác các đối tượng đầu nậu lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như cuộc sống khó khăn của người dân để thuê họ vận chuyển pháo trái phép từ Lào vào Việt Nam. Sau đó, chúng sẽ tìm cách đưa số hàng cấm vào sâu nội địa tiêu thụ, thu lợi bất chính.

Lên mạng bán pháo và chỉ cách chế pháo 

Trên mạng xã hội Facebook, có rất nhiều nhóm được lập ra để mua, bán pháo với những lời rao có đầy đủ các loại pháo, từ pháo hoa đến pháo nổ, pháo cối, pháo bi… kèm video quay cảnh đốt pháo. Các nhóm công khai lẫn nhóm kín đều có hàng ngàn thành viên. 

Quảng cáo mua bán pháo xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội
Quảng cáo mua bán pháo xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội

Vài ngày trước, T.L.S. đã thay đổi hình bìa của một nhóm pháo tết có 6.600 thành viên sang ảnh chụp những ống pháo to cỡ ống tre và các túi pháo bi nhiều màu. Theo hình bìa và video ngắn do T.L.S. giới thiệu, có thể liên hệ đến số điện thoại của một người tên là H.P.T. để mua pháo. Trong bài viết của mình trên nhóm pháo tết, T.L.S. gọi né là “bánh kẹo tết 2022” đồng thời nói rõ “chỉ chốt đơn qua Zalo” và tắt tính năng bình luận. 

Khi chúng tôi liên hệ số điện thoại của người tên là H.P.T., tỏ ý muốn đến tận nơi xem hàng để nhập về bán thì người này từ chối, đồng thời bảo chúng tôi chỉ cần ngồi ở nhà là nhận được hàng, số lượng bao nhiêu cũng miễn phí ship, thậm chí có thể kiểm tra hàng và thử hàng trước khi thanh toán. Khi chúng tôi liên hệ với nhiều người bán ở các nhóm công khai cũng như nhóm kín khác, tất cả đều bán với cách thức tương tự.

Theo những người bán này giới thiệu, các loại pháo của họ có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc Thái Lan và loại pháo họ nhập về cũng như được hỏi mua nhiều nhất là pháo hoa giàn 36 quả/hộp, 49 quả/hộp và 100 quả/hộp với mức giá bán lần lượt là 700.000 đồng/hộp, 900.000 đồng/hộp và 1,5 triệu đồng/hộp. Giá pháo bi 100 viên lớn khoảng 600.000 đồng, 100 viên nhỏ từ 400.000- 500.000 đồng. Thậm chí, có thành viên còn tuyển cộng tác viên bán pháo hoa với mức chiết khấu cao. Theo khảo sát của chúng tôi tại các “chợ pháo online”, số người quan tâm, hỏi mua cũng không hề nhỏ. 

Vào một số nhóm bán pháo, chúng tôi thấy tài khoản Facebook Đ.C. xuất hiện khá nhiều, rao bán pháo tự làm có hình dáng như cây kẹo mút. Nghe chúng tôi hỏi cách chế pháo, Đ.C. nói: “Video hướng dẫn chế tạo pháo, làm pháo có đầy trên mạng, còn hình dáng thế nào thì do sự sáng tạo của người làm thôi, chứ nguyên tắc thì chung cả”. 

Đúng như lời Đ.C. giới thiệu, không khó để tìm các video hướng dẫn làm pháo, với đủ loại: làm pháo tép từ diêm, cách làm pháo cối, pháo đại, pháo tống… bao gồm công thức, cách trộn hóa chất để tạo hiệu ứng nổ... Một số youtuber còn quay các video cho nổ pháo ngoài trời để chứng minh về chất lượng nguyên liệu, chất lượng pháo và cả “tay nghề” chế pháo. Theo hướng dẫn trong nhiều video, nguyên liệu chế pháo gồm ba thành phần: KClO3, natri và lưu huỳnh. 

Điều đáng nói là, các nguyên liệu KClO3, natri và lưu huỳnh đều rất dễ dàng mua được trên mạng; một sàn thương mại điện tử lớn còn bán theo combo cả ba loại hóa chất này dưới dạng… phân bón, giá bán mỗi combo (thường gồm 1kg KClO3, 1kg natri, 500g lưu huỳnh) từ 220.000-280.000 đồng. Có gian hàng giới thiệu rất mơ hồ và lẫn lộn công dụng: KClO3 là một tinh thể không màu bong tróc hoặc bột dạng hạt màu trắng, vị mặn, có tính ô-xy hóa rất mạnh, ứng dụng trong diêm quẹt, pháo hoa; tại Việt Nam, KClO3 được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp như một chất điều hòa cây trồng… Tuy nhiên, dưới phần bình luận, người mua hàng lại đánh giá là “hàng tốt, nổ to”, “hàng chuẩn chơi tết”. 

Cuối năm 2021 đến nay, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển pháo nổ trái phép về Việt Nam - ẢNH: ĐÌNH TIẾN
Nhiều vụ vận chuyển pháo nổ trái phép về Việt Nam bị bắt giữ - Ảnh: Đình Tiến

Tàn phế do tự chế pháo nổ

Cứ vào dịp tết Nguyên đán hằng năm, lại xảy ra các vụ tai nạn do đốt pháo tự chế, để lại hậu quả nặng nề. Mới đây, sau khi tìm xem các video hướng dẫn cách làm pháo trên mạng xã hội, N.T.T. - học sinh lớp Tám tại H.Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ - liền đi mua các loại vật liệu về thử nghiệm. Trong quá trình chế tạo, pháo tự chế bất ngờ phát nổ, gây thương tích nặng bàn tay trái của T.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ ghi nhận, bàn tay T. bị giập nát, xẻ đôi từ vùng sát cổ tay đến ngón tay, loét loang lổ, lộ gân xương, chảy nhiều máu, nguy cơ phải cắt cụt bàn tay nếu không xử trí kịp thời. Bệnh viện đã huy động ê-kíp cấp cứu để phẫu thuật, xử lý vết thương bàn tay, cắt cụt một ngón để bảo vệ các ngón còn lại.

Tương tự, mới đây, Bệnh viện Việt Đức (TP.Hà Nội) cấp cứu cho bệnh nhân 19 tuổi được chuyển từ tỉnh Hải Dương tới, bị chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, giập nát hai bàn tay. Do bàn tay quá giập nát, không có khả năng bảo tồn nên các bác sĩ phải sửa mỏm cụt của các đốt ngón tay, vùng mắt cũng bị thương nặng nên các bác sĩ phải múc nhãn cầu trái, khâu bảo tồn nhãn cầu phải. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết hằng năm, cứ vào dịp tết, bệnh viện lại tiếp nhận các ca tai nạn do pháo nổ. Nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh nhân tự mua thuốc nổ về chế pháo. Tai nạn do pháo nổ thường gây những chấn thương rất nặng, đa chấn thương tay, chân, mặt… với mức độ phức tạp. Nhiều trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời. 

Bác sĩ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho hay, hằng năm, bệnh viện này tiếp nhận hàng chục ca tai nạn mắt do pháo. Sức ép của vụ nổ pháo có thể xé toang nhãn cầu, làm thoát dịch và mô nội nhãn ra ngoài. Nếu vỏ bọc nhãn cầu còn nguyên vẹn thì sức ép, xung chấn cũng sẽ gây tổn thương các môi trường nội nhãn như phù giác mạc, chảy máu trong, sa lệch thủy tinh thể, rách võng mạc. Dị vật chui vào trong mắt sẽ gây hủy hoại các mô mắt, là nguồn nhiễm trùng và gây viêm nhiễm dai dẳng, đau đớn kéo dài đến vài năm.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà cảnh báo, người dân cần chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ; không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội. Ông cũng đề nghị lực lượng chức năng phối hợp với các nhà trường, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về những nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ cho người dân, đặc biêt là học sinh, bởi đây là những đối tượng chính thường gặp phải tai nạn nguy hiểm này. 

Lập “lá chắn” chống pháo nổ ở biên giới Việt - Lào

Những ngày cuối năm, số người và phương tiện lưu thông qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị tăng đột biến do công dân Việt Nam làm ăn tại Lào nhập cảnh về nước để đón tết cùng gia đình. Lợi dụng lúc này, một số đối tượng tìm cách xuất, nhập cảnh trái phép để vận chuyển hàng cấm, phổ biến nhất là các loại pháo nổ. 

Anh Hồ Văn Cói - ở thị trấn Lao Bảo, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - kể cứ đến giao thừa hằng năm, pháo hoa kèm tiếng nổ lại tràn ngập thị trấn Lao Bảo như chưa hề bị cấm. Có gia đình khấm khá đốt pháo liên tục hơn một giờ. Ông Lê Bá Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo - cho biết trong đêm 30 tháng Chạp tới, các lực lượng của xã sẽ tập trung vào công tác phòng, chống pháo nổ, sau đó dàn quân về các địa bàn trọng điểm dọc biên giới để đảm bảo an ninh trật tự: “Để xử lý nghiêm các hành vi đốt pháo lậu trong đêm giao thừa, sau khi diễu hành, các lực lượng sẽ chia thành chín tổ cơ động, bảy tổ mật phục để thực hiện nhiệm vụ”.

 

Các quy định xử lý về pháo nổ và pháo hoa

Theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021, “pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”. Theo nghị định này, “cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa từ các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa”. 

Tuy nhiên, theo luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), hiện nay, vẫn có không ít người dân đang hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo. Để hạn chế những hệ lụy đáng tiếc cũng như chấn chỉnh hành vi mua bán pháo và các chất tiền chế pháo trái phép, lực lượng chức năng cần phải quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn và xử lý. Cần tăng cường kiểm soát, kiểm tra, đồng thời kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm, xóa bỏ các “chợ online” buôn bán pháo trái phép trên mạng xã hội… Đồng thời, mỗi người dân cũng cần tự giác nêu cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật, không mua bán, tiêu thụ, đốt pháo trong dịp tết.

Còn theo luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), điểm d, khoản 4, điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, người xem video hướng dẫn trên YouTube rồi tự chế pháo gây tiếng nổ sẽ bị xử lý hành chính về hành vi sản xuất thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm, mức phạt từ 5-10 triệu đồng. Hành vi tự chế pháo và đăng video lên YouTube cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại khoản 8, điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, những hành vi “hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức” đều bị nghiêm cấm. Người có hành vi hướng dẫn chế tạo pháo, sau đó đăng lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật và có thể xử phạt theo quy định tại điểm e, khoản 1, điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP: phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Nhóm phóng viên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI