"Pháo đài gia đình": Đừng nghĩ quẩn, về đây có chị, có anh!

28/06/2022 - 17:52

PNO - "Những ngày tháng đó, tôi rất bế tắc, đau khổ, sống mà không bằng chết. Chạy xe ngoài đường, tôi không nhận ra đèn đỏ hay xanh. Nếu không có đại gia đình, tôi không bao giờ gượng dậy được, có lẽ tôi đã chết hay hóa điên" - chị Nguyễn Thị Thu Mai - nhân viên một công ty truyền thông ở quận 3, TPHCM, nhớ lại.

Từ ấm êm hạnh phúc

Chị Mai kết hôn năm 1997. Anh V. - chồng chị Mai - là dân kỹ thuật (anh làm về điện). Anh rất lãng mạn và yêu chiều vợ con. Đi làm về là anh phụ vợ nấu ăn, chơi với con. Cuối tuần, anh chở vợ đi chợ, đi làm móng, làm tóc và anh ngồi ở quán cà phê đợi không một lời cằn nhằn. Cả nhà sống trong một căn phòng thuê ọp ẹp nhưng tràn ngập tiếng cười. Hạnh phúc của anh chị lớn dần theo sự trưởng thành của hai cậu con trai: Võ Công Minh (SN 1998) và Võ Thành Đạt (SN 2002). 

Năm 2016, niềm vui, hạnh phúc nhân đôi khi vợ chồng chị Mai sau nhiều năm tích góp và được nhà chồng hỗ trợ, đã xây căn nhà 3 tầng khang trang tại P.15, Q.Tân Bình. Ngôi nhà là ước mơ lớn nhất của chị Mai. Chị chăm chút từng ngóc ngách nhỏ, trang trí từng bậc thang, trồng hoa, phủ xanh cây cảnh khắp nhà. Mỗi tối, nằm lên chiếc giường êm ái, chị thầm cảm ơn cuộc đời, cảm ơn chồng đã đồng cam cộng khổ. 

Đến sợ hãi, bế tắc

"Vậy mà" - chị Mai ngập ngừng,  đôi mắt đỏ hoe, ngấn lệ. Chị kể: "Cả nhà đang yên đang lành, tự dưng một ngày của năm 2019, một nhóm người xăm trổ kéo tới nhà tôi đòi tiền. Họ nói anh V. thế chấp giấy tờ nhà, vay 500 triệu đồng, giờ vốn và lãi hơn 2 tỷ đồng, nếu anh V. không trả nợ thì họ xiết nhà. Tôi phát hoảng, trước đó khi làm nhà còn thiếu, tôi và chồng bàn nhau chỉ vay 300 triệu đồng trong 5 năm ở ngân hàng". 

Chị Mai gọi điện cho chồng và tin chồng sẽ nói "nhầm". Thế nhưng, anh V. thú nhận anh đã vay bên ngoài với lãi suất cao để xoay xở khoản nợ ở ngân hàng.

Chị Mai chết điếng, đầu óc trống rỗng. Chạy xe, chị miên man theo món nợ đến quên cả đèn đỏ. Đến cơ quan, chị cứ thẫn thờ như người mất hồn. Chị chưa biết cách giải quyết ra sao thì ngày nào chủ nợ cũng rần rần kéo đến. Chồng chị bỏ trốn. Ba mẹ con sợ hãi đóng cửa, cố thủ trong nhà và ôm nhau khóc. Chị giấu gia đình, bạn bè, ôm nỗi khổ một mình. 

Từ một gia đình hạnh phúc, sống gương mẫu, bỗng dưng nhà chị trở thành điểm đen, nỗi bất an, tránh xa của cả khu phố. Người đòi nợ vây quanh nhà chị. Đập cửa, xịt sơn, tạt mắm tôm và cả khóa trái cửa nhốt ba mẹ con chị trong nhà. Đến nước này chị đành phải cầu cứu người thân. Chị gọi cho chị gái thứ tư là chị Nguyễn Thị Bốn kể sự tình.

Vợ chồng chị gái cũng điếng hồn, bảo chị: "Bằng mọi giá, ba mẹ con phải mau về đây, ở đó quá nguy hiểm. Rồi ngay sau đó là những cuộc gọi điện của chị Hai, anh Năm...  và ai cũng kêu "về đây, có anh chị". 

Nhờ sự nâng đỡ, bảo bọc của các anh chị em, ba mẹ con chị Mai vững tin bước tiếp. Cuộc sống của họ giờ đã tràn ngập niềm vui, nụ cười
Nhờ sự nâng đỡ, bảo bọc của các anh chị em, ba mẹ con chị Mai vững tin bước tiếp. Cuộc sống của họ giờ đã tràn ngập niềm vui, nụ cười.

Sống lại trong tình thâm

Câu nói "về đây có chị, có anh" từ các anh chị đã trao cho chị Mai sức mạnh vượt qua mọi nỗi sợ hãi. Một cuộc đào thoát được tổ chức. Nửa đêm, người thân của chị Mai canh bên ngoài, thấy nhóm người đòi nợ đi ăn uống, báo cho mẹ con chị Mai trèo tường ra, đưa về nhà chị Bốn. Trong vòng tay các anh chị, chị Mai khóc như đứa trẻ. 

Mọi người cùng bàn tính giải quyết món nợ. Chồng chị Mai nói cách duy nhất là bán nhà. Căn nhà được chủ nợ định giá 3,5 tỷ đồng - món nợ lúc này cũng gần bằng giá trị nhà. Chưa kể, chị còn bị điện thoại gọi đòi nợ cả ngày vì các khoản chồng vay tín chấp. Chị Mai chìm trong bế tắc, quẫn trí. Chị không cam lòng khi nghĩ hai đứa con, một đứa chuẩn bị ra trường, một đứa mới vào lớp 11 sắp phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, nhưng chẳng còn sự lựa chọn nào khác…

Nợ nần vừa giải quyết xong, chị ra tòa án làm thủ tục ly hôn. Trong vòng vài tháng, chị mất trắng căn nhà và đổ vỡ hạnh phúc. Có đêm, cậu con lớn ôm mẹ khóc: "Tại sao nhà mình lại như thế này, tại sao mất nhà, mất luôn gia đình?". 

Trong lúc cả ba mẹ con đang khủng hoảng, tuyệt vọng, chưa biết mai này sẽ ở đâu, làm gì để kiếm miếng ăn, thì năm anh chị của chị Mai họp bàn một việc quan trọng: “Các anh chị không bán căn nhà của cha mẹ để lại để chia thừa kế, mà giữ lại cho ba mẹ con chị Mai ở”. 

Nghe thông báo này từ chị Bốn và anh Năm, chị Mai tưởng mình nằm mơ. Anh Năm nói: "Mọi người thống nhất rồi, để nhà này lại cho ba mẹ con em ở. Sau này em có tiền thì tính, giờ không phải lo nghĩ gì hết". Không chỉ anh chị ruột, mà cả chị dâu, anh rể và các cháu đều đùm bọc, yêu thương ba mẹ con chị Mai. Từ chỗ ở tận đáy của sự tuyệt vọng và khủng hoảng, không nhà cửa, không tài sản, mẹ con chị Mai đã có ngôi nhà khang trang của cha mẹ để lại - cũng chính là căn nhà ăm ắp kỷ niệm, sự gắn bó của các anh chị em. 

Chị Mai bồi hồi: "Suốt đời này, tôi không quên thâm tình, công ơn của các anh chị. Dù không quá giàu có, nhưng các anh chị tôi đã dang tay, nâng đỡ, cưu mang, cứu vớt cuộc đời tôi. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tình thâm gia đình, tình thương của các anh chị luôn là điểm tựa, là pháo đài vững chắc để tôi vững tin bước tiếp". 

Thùy Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI