Ví dụ như vào lúc 19 giờ ngày 4/3/2017 tại cà phê Petite Note (đường Lê Văn Sỹ, P. 13, Q.3, TP.HCM), các bạn bè của anh bay từ Hà Nội vào để tổ chức giới thiệu tập trường ca của anh. Tập trường ca này “do các bạn ngoài ấy tự soạn, tự in vì họ quý anh” - Phan Vũ nói vậy. Thế là có cớ để tôi thủ thỉ với Phan Vũ lần nữa (lần 1 là vào năm 2011).
Nhà thơ Phan Vũ nói với tôi đủ thứ chuyện, hình như cái gì nhớ thì anh nói. Ở cái tuổi 92, anh nghiêng hẳn về hoài niệm. Câu chuyện gần nhất mà anh lặp lại nhiều lần, đó là sự “tự nhiên đâu mất” của một cô bạn. Nắng quái buổi chiều đang tàn, rọi thẳng vào khung cửa sổ những vệt nhạt nhoà làm tôi xót lòng hơn nữa khi nghe anh nói: “Cô ấy nhắn tin, em cho thuê nhà rồi, không còn chỗ cho anh ngồi uống cà phê nữa đâu…”.
THỈNH THOẢNG CÓ MỘT CHUYỆN TÌNH...
Phan Vũ nói với tôi: “Thỉnh thoảng anh có một chuyện tình…”. Nghe hấp dẫn chưa? Nhưng đừng vội mà thích nhé, cũng chớ vội mà phê phán. Vì chuyện tình của anh thật là nghệ sĩ, thật là thanh khiết, nó không có “chất chồng vợ, đàn ông đàn bà” trong đó, mà nó là hai ly nước, một ly cà phê và một ly sinh tố, cùng tan vào màu vàng của chiếc lá vừa rụng khẽ xuống trước mặt họ, cùng bay theo ngọn gió lòn lách dưới gầm bàn khiến hai bàn chân lành lạnh trên đường về, mà bên cạnh không có chiếc bóng song hành.
Tôi hỏi, vậy tình yêu với tình thương, cái nào dành cho người nào? Anh nói, tình thương dành cho vợ. Vợ chồng sống với nhau lâu dài là vì có tình thương. Chứ yêu nhau thì chắc không ở với nhau được lâu, vì anh là người mau chán. Trời đất. Anh cười toe, có vẻ thích thú về cái định nghĩa và cách giữ tình yêu của mình.
Thế thì làm cách gì để đừng chán nhau trong cuộc sống vợ chồng? Thì người đàn ông phải biết bày cách để tự mới mỗi ngày, chứ đừng trông mong vào người đàn bà, vì bản chất họ trước sau một suy nghĩ và một cách sống chung thủy mà.
Rồi anh chuyển sang thơ. “Anh đọc thơ cho em nghe nhé. Bài này anh làm vào tháng 5/1956 nó có tên là Bình vỡ. Đây là bài thơ đầu tiên của anh. Bài thơ đã được lên khuôn báo Nhân Văn số 6, nhưng rồi không in, vì tờ Nhân Văn ra được năm số thì đình bản”.
Tôi có một chiếc bình
vẫn để không
trong góc phòng
Im lìm lặng lẽ
như một nỗi cô đơn tĩnh vật
trinh nguyên
Một chiếc bình xanh
ngóng mong một bông hoa thẫm đỏ
Rồi một hôm bình vỡ
chỉ còn màu xanh trong từng mảnh nhỏ
sao đâu đây phảng phất
một mùi hương thơ ngây
Tôi chợt hiểu
trong không gian luôn rạn nứt im lìm
trong thời gian một chuỗi dài
những cung điện lâu đài sụp đổ
Chiếc bình vỡ chuyện hằng ngày
nhưng mùi hương thơ ngây
phải chăng do những đợi chờ những ước mơ
về một loài hoa trần gian không thể có
Cuộc đời qua đi với những tình cờ nghiệt ngã
trên đường đi hôm nay rực rỡ màu hoa đỏ
lẫn trong lá cỏ
không có mùi hương
Bởi trong tôi chẳng còn chiếc bình xanh nào
để đợi chờ và để vỡ…
(Tháng 5/1956)
Ôi, sao từ năm 1956 tới giờ mà anh vẫn thuộc làu như vậy? Phan Vũ nói, anh không biết vì sao, không giải thích được. Rồi anh nói về số phận của bài thơ Em ơi Hà Nội phố: “Gần nửa thế kỷ nó mới được công khai trên báo, em ạ”. Bài này anh làm vào tháng 12/1972, khi Mỹ trút bom rải thảm xuống Hà Nội. Điều anh muốn nói trong bài thơ này là, dẫu thế nào “vẫn còn em”, tức là “vẫn còn Hà Nội”. Nhưng vì họ “suy diễn”, trong một thời gian dài, bài thơ gồm 24 đoạn này không được in trong bất kỳ tập thơ nào, chỉ đến khi nhạc sĩ Phú Quang trích vài đoạn để phổ nhạc (ca khúc Em ơi, Hà Nội phố) vào năm 1987 qua giọng ca Lệ Thu. Mọi người đừng có ngạc nhiên khi thấy bài hát này có nhiều dị bản khác nhau, vì khi làm thơ hay vẽ tranh, cứ sau một thời gian là anh lại chỉnh sửa. Mãi đến năm 2008, bài thơ mới in trong tập Phan Vũ - thơ (NXB
Văn học).
|
|
Có một điều tức cười, là tác giả không thể thuộc bài thơ Em ơi Hà Nội phố như thuộc bài thơ Bình vỡ. Một bài làm từ năm 1956 thì thuộc làu làu, còn một bài làm năm 1972 thì khi đọc cứ phải cầm giấy. “Anh không biết” - Phan Vũ cười cười.
Bây giờ, thời khóa biểu của anh như thế nào? Đó là như thế này, 10 giờ đêm đi ngủ, 3 giờ sáng thức dậy, vẽ và làm thơ. Có hôm cũng mệt, không vẽ, nằm đó suy nghĩ về một gam màu hay một tứ thơ vừa có trong đầu. Buổi sáng, đôi khi buổi chiều, ra những quán cà phê gần nhà uống cà phê, anh có “một đám bạn nhỏ” ở đây, chúng nó (chừng 22 tuổi, gọi ông, xưng con) dạy anh lên “phây-búc” (facebook), “lướt nét” và chở “ông đi” những khi “ông đi đâu đó…”. Bây giờ mà không có những thứ đó (vẽ, làm thơ, lên phây-búc) thì buồn lắm, chẳng biết làm gì nữa, chắc chết.
Trước đây, anh vẽ một bức tranh rất nhanh, nhưng ở thời điểm này (92 tuổi), một tháng mới xong một bức! Mà vẽ xong để đó, khoảng hai năm trở lại đây, thị trường tranh đóng “tuyết”, có ai mua đâu?, nhưng nếu có bán, thì mỗi bức tranh của Phan Vũ cũng ở con số 1.000 đô (USD) trở lên. Tuyệt chưa.
GIAI ĐIỆU MÀU…
Trong số những lần triển lãm tranh, tôi còn nhớ có lần anh chọn chủ đề cho phòng tranh là “Giai điệu màu”, chắc người họa sĩ này muốn người xem chú ý đến những màu sắc mà ông đã hết sức dốc vào đó, mỗi một đường màu là một vệt suy nghĩ cắt vào ông những đêm không ngủ. Tôi có cảm giác anh đã trằn trọc với những vết cọ bén ngọt trên khung bố, nhưng chắc có lẽ đôi khi cũng chần chừ, bởi hoàng hôn thì sẫm đen nhưng anh vẫn thích nó có màu đỏ của một bình minh, để đâu đó những tiếng chim lại rơi xuống hàng cây đang nghiêng dưới trời chưa kịp thu.
Tôi lại băn khoăn không biết khi chấm phá màu xanh lên khung bố, anh có cho hồn quay về bến sông xưa, nơi những chiếc mũ tai bèo vượt sông đêm lạnh điếng. Nơi anh tần ngần bên chiếc cửa sổ cao, trời Hà Nội khuya khoắt rồi mà ai còn rơi những tiếng đàn vào lùm cây sấu, hoa sấu chưa kịp nở ngày chia tay nhau. Hoa sấu chưa kịp thơm mà người nghệ sĩ đã quên mất lối về.
Tôi cũng tò mò trước những gam tím chảy nhớ nhung giữa nhiều màu lạnh khác, anh nhớ ai khi mái tóc xưa không còn bay nữa, tím say lảo đảo mơ hồ…
Nơi màu xanh anh chấm xuống những khoảng đen bây giờ không được tròn trịa lắm, tôi ngửi được mùi trai trẻ tràn ra khỏi bốn góc bàn, phủ xanh những ước vọng chưa kịp hoàn thành, tôi cũng chợt thấy mình xanh hơn trong đó, những vuông màu như những cái hộp chứa kỷ niệm. Anh chứa mình trong đêm đen để những mảng vuông dài méo mó ấy sáng mai có màu xanh của đọt me non mùa mưa, có màu đen của mái tóc mà người con gái đó từng nghiêng trên sóng nước hồ, có những vệt rằn ri pha trộn trên khuôn mặt, là vết khắc của thời gian, là những vết đục đẽo đùa giỡn ác độc, lạnh như những bệt màu mà anh đắp lên bố, lên mặt mình, lên cái chân dung tự họa buồn bã trước tiếng lọc cọc gõ cuối
con đường...
Còn một cái mảng trống hớ hênh chưa kịp phủ màu, nhưng người xem tranh Phan Vũ có vẻ đã bị say (trong đó có tôi - có vẻ như tôi bị lảo đảo trước quá nhiều khối màu mà anh đã chọn lựa và đang trưng bày ra kia). Giai điệu màu của anh như một bản nhạc chưa có lời, nhưng thanh âm đã vang lên trầm, lạnh và day dứt, cứa vào lòng. Có lẽ ta không nên làm cơn gió thoảng qua trước những gam màu đó, mà hãy nán một chút, lâu hơn một chút, lâu hơn một chút nữa, để cùng người họa sĩ này về lại ngõ xưa, ngắm tranh vân cẩu trên trời trước khi có trăng dát vàng bờ giếng cạn….
Và anh hý hoáy tìm những bức tranh đã lưu trên điện thoại “cảm ứng” cho tôi xem. Ôi, “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố. Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường” này lại nhớ hoài một đôi mắt, một gương mặt vừa “chớp qua” đời ông gần đây. Đôi mắt tròn to ngơ ngác như muốn hỏi “tình yêu có màu gì? Vì sao yêu? Vì sao không thể yêu được?”.
TA CÒN EM RÁNG ĐỎ CHIỀU HÔM…
Có gì đó bất tử ở người nghệ sĩ này. Anh vẫn mãi là “chàng thanh niên đa tình lãng mạn cao tuổi” trong một buổi chiều và nhiều buổi chiều ngồi đọc thơ cho bạn nghe, cho mọi người nghe, cho tôi nghe.
Chiều nay, một chút ghen hờn, một chút xót xa, một chút thương cảm tràn dâng khi nghe anh đọc bài thơ mới làm. Bài thơ ai muốn hiểu sao cũng được. Tùy. Nhưng tôi biết, trong anh vẫn mãi còn “mùi hoàng lan, mùi hoa sữa…” và mãi mãi vẫn là một Phan Vũ tài hoa với Mê cuồng:
Không đồng nhịp con sông chảy xuôi dòng
Đón gió ngọn xoay theo chiều ngược
Mơ vòng lượn tít tắp mù khơi
Làm cánh chim trời xa mãi xứ
Ta là gã điên dại mê cuồng
Mọi sự đời lẫn lộn
Còn sót chút nhớ chút quên
Những ảo vọng luôn luôn đầy ắp
Trong cuộc phiêu lưu của vòng tròn
Đi hoài không bao giờ đến đích
Đó là những phút giây hoang tưởng
cuối cùng
Đứng giữa mưa tưởng trời nắng gắt
Ngoài đồng vắng lại nghĩ sân ga
Ở sân ga nhớ về thềm cũ
Chẳng đi đâu sao cứ vẫn nhớ nhà
Ngoảnh mặt lại thấy đời đã lở
Đành lòng tìm gặp lại em
Cho trái tim thêm một lần khởi động
Mặc kệ tiếng còi hụ trên cao
Báo hiệu thời Yêu vừa chấm dứt.
P.N.THƯỜNG ĐOAN