edf40wrjww2tblPage:Content
TAI HỌA ẬP ĐẾN…
Anh Vũ Ngọc Dũng vào thử việc tại CT TNHH cơ khí chính xác Đồng Hiệp Phát đóng trên địa bàn TP. Biên Hòa từ ngày 14/5/2012, với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Công việc của anh là đứng máy sản xuất ốc vít. Nhưng CT không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho anh. Ngày 5/6/2012, trong lúc đang làm việc, anh Dũng bị điện giật té bật ngửa xuống nền đất, bất tỉnh.
Mặc dù gia đình cố gắng vay mượn tiền đưa anh Dũng đi chữa trị tại nhiều bệnh viện với chi phí hàng trăm triệu đồng, nhưng bệnh tình vẫn không khỏi. Theo kết luận của Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương Phân viện phía Nam, tỷ lệ thương tật của anh Dũng là 85%. Anh phải sống thực vật trong suốt quãng đời còn lại.
TNLĐ của anh Dũng để lại nỗi đau khôn nguôi đối với gia đình, bởi hằng ngày anh liên tục lên cơn co giật, nghiến răng, la hét vì đau đớn. Từ một thanh niên mạnh khỏe, tháo vát, anh Dũng dần không thể tự chủ được bất cứ hành động nào, mọi việc đều cần đến sự trợ giúp của người khác. Để duy trì sự sống cho anh, mẹ anh phải nghiền nhỏ thức ăn rồi truyền vào dạ dày bằng đường ống dẫn, vì anh không tự nhai được.
Cuộc sống gia đình anh Dũng bị xáo trộn hoàn toàn. Bố mẹ anh phải mượn tiền người thân và vay lãi bên ngoài hàng trăm triệu đồng để lo chữa trị cho anh. Người anh trai đang học trường trung cấp nghề cũng phải nghỉ học ở nhà phụ mẹ chăm em. Bà Phạm Thị Thanh (mẹ anh Dũng) phải đóng cửa tiệm làm tóc để lo cho con. Phải nuôi người bệnh trong nhà mà lại không có nguồn thu nhập, cuộc sống cả nhà ngày càng thiếu thốn, nợ nần.
Anh Vũ Ngọc Dũng phải sống đời sống thực vật suốt quãng đời còn lại
BỊ CÔNG TY “NGÓ LƠ”
Sau khi tai nạn xảy ra, đại diện phía CT đến nói chuyện với gia đình rằng sẽ chịu trách nhiệm trường hợp tai nạn của anh Dũng. Thời gian đầu, CT cử người đến thăm hỏi, hỗ trợ được 31 triệu đồng để chi trả tiền thuốc men, rồi sau đó không đá động gì đến nữa. Khi vụ việc được Phòng Lao động - thương binh và xã hội TP. Biên Hòa can thiệp thì CT mới chịu đưa thêm 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau lần đưa tiền này thì CT cũng “ngó lơ". Trong khi, đáng lẽ CT phải là đơn vị chủ động đứng ra hoàn tất các thủ tục liên quan đến vụ TNLĐ để có trách nhiệm với người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Để đòi quyền lợi cho con, bà Thanh quyết định làm đơn khởi kiện CT ra TAND TP. Biên Hòa, yêu cầu CT phải bồi thường các khoản: chi phí điều trị, tiền lương, bồi thường tổn thất tinh thần, tiền mất thu nhập cho người chăm sóc, tiền bồi thường TNLĐ. Ngoài ra, CT còn phải trả tiền trợ cấp hàng tháng cho anh Dũng cho đến chết.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc CT phải bồi thường cho anh Dũng hơn 300 triệu đồng. Nhận thấy kết luận này chưa thỏa đáng, phía nguyên đơn đã kháng cáo một phần bản án.
Phía CT cũng kháng cáo toàn bộ bản án nêu trên. Họ cho rằng không phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn này. Quan điểm của họ là: do anh Vũ Ngọc Dũng có nhà ở gần CT và cần làm thêm để kiếm thêm thu nhập nên CT mới nhận anh vào phụ việc, chưa được ký hợp đồng lao động chính thức. Vì anh Dũng đang còn trong thời gian thử việc nên CT không có nghĩa vụ phải đóng bảo hiểm y tế, BHXH. Hơn nữa CT đang khó khăn nên chỉ có thể hỗ trợ chi phí cứu chữa cho anh Dũng...
NỖI ĐAU KHÔNG THỂ BÙ ĐẮP
Ngày 31/3/2015, TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Những người tham dự phiên tòa không khỏi xúc động khi nhìn thấy hình ảnh anh Dũng nửa ngồi, nửa nằm co quắp trên chiếc xe lăn. Chỉ cần ai đó lỡ đi qua, quẹt nhẹ vào người là anh lại lên cơn co giật, nghiến răng kèn kẹt. Hai hàm răng của anh đã mòn đi nhiều bởi anh liên tục nghiến răng.
Người ta thường nói “vô phúc đáo tụng đình”, anh Dũng còn là người “vô phúc” hơn gấp nhiều lần khi “đáo tụng đình” bằng cách nằm dài trên xe lăn. Anh cũng không còn có thể nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh.
Bà Thanh rưng rưng chia sẻ: “Chúng tôi đã cực khổ suốt mười mấy năm trời mới nuôi con nên vóc nên hình, đến khi Dũng đi làm phụ lo cùng gia đình thì xảy ra TNLĐ… Chuyện đã lỡ, đáng lẽ CT phải tỏ thiện chí chia sẻ trách nhiệm sao cho hợp tình hợp lý. Đằng này, CT phủ nhận trách nhiệm là điều không thể chấp nhận được. Cho nên, tôi mong muốn CT phải giải quyết đầy đủ cho con trai tôi các chế độ theo đúng quy định của pháp luật”.
Luật sư Lê Tấn Tý (người bảo vệ quyền lợi cho anh Vũ Ngọc Dũng) cho rằng: các yêu cầu khởi kiện, cũng như yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Thị Thanh - người đại diện cho anh Dũng là có cơ sở, bởi anh bị TNLĐ tại CT gắn liền với quá trình thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, theo quy định của khoản 3, điều 27 của Bộ luật Lao động, thời gian thử việc đối với lao động phổ thông không quá sáu ngày.
Anh Dũng đã làm việc gần một tháng mà CT không thông báo kết quả thử việc thì xem như anh là người lao động chính thức. Việc CT không giao kết hợp đồng, không đóng BHXH cho anh Dũng là lỗi của CT. Ngoài ra, theo Bộ luật Lao động, nếu người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng CT không đóng thì khi có TNLĐ, CT có trách nhiệm bồi thường cho người lao động ngang bằng mức mà Luật BHXH quy định.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ và theo dõi phần tranh luận giữa các bên, tòa đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, cũng như kháng cáo của nguyên đơn và buộc CT phải bồi thường cho anh Dũng 424 triệu đồng.
Phiên tòa kết thúc với phần thắng thuộc về mình nhưng bà Thanh chẳng thể vui mừng, bởi số tiền mà CT phải bồi thường cho anh Dũng cũng chỉ đủ trang trải những khoản nợ nần mà gia đình đã vay mượn để chữa trị cho anh. Quãng đời còn lại của anh Dũng sẽ vẫn là những ngày u ám.
Bà Thanh bảo: “Hễ có việc làm thì tôi khuây khỏa đôi chút, chứ cứ mỗi lần chăm sóc con là lại không cầm được nước mắt”. Tiền nào có thể “chuộc” lại được nụ cười cho người mẹ tội nghiệp này? Giá như phía CT có thiện chí chịu trách nhiệm ngay từ đầu, có lẽ lòng bà cũng ấm áp phần nào.
MAI HOA