Chiều ngày 17/11, ngày xét xử thứ 6 của phiên tòa sơ thẩm 92 bị cáo trong vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", Phan Sào Nam (SN 1979, trú tại Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) bước lên bục khai báo.
Phan Sào Nam bị khởi tố về tội "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền", khai nhận có quen biết Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch Công ty CNC) qua các mối quan hệ xã hội thông thường, vào khoảng thời gian cuối năm 2014, đầu 2015.
Cuối năm 2014, Hoàng Thành Trung (phó giám đốc công ty Nam Việt - Hiện đang bỏ trốn) gặp Phan Sào Nam và cho biết có phần mềm game bài chất lượng tốt muốn phối hợp cùng Nam phát triển dịch vụ này. Qua trao đổi với Nguyễn Văn Dương, thấy Dương có khả năng phát hành nên Nam thống nhất hợp tác, lúc đó còn chưa quyết định tên game bài.
Nam cũng cho biết, việc làm game bài chỉ là một trong các cơ hội đã trao đổi cùng Hoàng Thành Trung. Thời điểm đó, việc xin cấp phép game bài khá khó khăn. Nam có trao đổi với Trung về vấn đề này và biết bản thân không làm được. Tuy nhiên, khi gặp Nguyễn Văn Dương, bị cáo Dương khẳng định mình có thể xin cấp phép.
"Công ty của tôi làm trong lĩnh vực internet và công nghệ tương đối lâu và là đồng nghiệp lâu năm với Hoàng Thành Trung. Sau đó, tôi biết được Công ty CNC là công ty bình phong của Bộ Công an. Đến khi gặp anh Dương, anh ấy cũng khẳng định điều đó là đúng. Anh Dương cũng nói về việc có thể đóng vai trò phát hành. Theo chuyên môn của chúng tôi, khi nói đến phát hành có nghĩa là sẽ thương mại hóa, thu tiền và làm nhiều việc khác nữa", Nam khai nhận.
|
Bị cáo Phan Sào Nam |
Sau khi đã thống nhất về việc hợp tác, Phan Sào Nam đã ký hợp đồng 010 giữa VTC Online và CNC. Việc công ty Nam Việt ký hợp đồng hợp tác với VTC Online cũng được tiến hành cùng lúc. Theo đó, Công ty Nam Việt sẽ cấp bản quyền phần mềm cho VTC Online rồi, VTC Online cấp cho CNC để phát hành tại Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng này, game bài vẫn chưa được cấp phép. Tuy nhiên, nói về lý do vẫn tiếp tục làm, Phan Sào Nam đã xin phép "được trình bày dài hơn một chút".
Khai nhận trước HĐXX, Phan Sào Nam cho biết, giai đoạn đầu 4/2015 đến 8/2016, CNC ký hợp đồng với VTC Online và thực hiện tốt công việc của mình như trong hợp đồng. Đó là làm cổng thanh toán để thu tiền từ người chơi, phối hợp xử lý kỹ thuật. Bản thân CNC cũng ký, hỗ trợ kỹ thuật cho VTC Online như đăng ký tên miền, tổng đài chăm sóc khách hàng, SMS quảng bá cho khách hàng.
"Góc độ bị cáo nhìn là CNC tự tin thực hiện đúng theo như hợp đồng, chỉ giấy phép là chưa có. Anh Dương khẳng định là đang trong quá trình trao đổi với cơ quan chức năng, được sự ủng hộ là có giấy phép".
PC50 cũng đến kiểm tra nhưng không có kết luận
Tiếp tục nói về giai đoạn 2, Nam cho biết đó là lúc không dùng pháp nhân CNC nữa mà dùng các công ty khác như Hải Khánh, Thăng Long... nhưng đầu việc phía bị cáo Dương làm đại diện đều triển khai đúng như luật ban đầu. Thu tiền từ người chơi, phối hợp một số công tác kĩ thuật như vậy, thể hiện vai trò phát hành game rất rõ ràng.
|
Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương |
HĐXX hỏi: “Vì sao lại phải thay đổi pháp nhân?”. Phan Sào Nam khai nhận: “Vào tháng 8/2016, anh Dương có trao đổi rằng CNC là công ty bình phong đứng trực tiếp phát hành cũng hơi nhạy cảm, anh Dương muốn sắp xếp việc phát hành cho bớt nhạy cảm. Cụ thể bị cáo không được rõ vì liên quan đến công an là tương đối mật. Bị cáo hiểu CNC là công ty bình phong, anh Dương có nói rõ nghĩa là làm chức năng trinh sát ngoại tuyến, chức năng kinh tế nghiệp vụ. Bị cáo chỉ biết việc này sau khi trao đổi với anh Dương thôi”.
Nam cũng cho biết, trong thời gian phát hành game bài, một số cơ quan như PC50, đoàn thanh tra của Bộ TT&TT cũng đến làm kiểm tra tại VTC Online. Một số thời điểm, Hoàng Thành Trung nhận được yêu cầu cung cấp thông tin điều tra cho một số vụ án khác. Tuy nhiên, sau những lần kiểm tra, không có một kết luận gì về việc kiểm tra này.
“Anh Dương nói việc phát hành này được các đồng chí lãnh đạo rất ủng hộ. Sau khi có các đoàn kiểm tra đến, tôi cũng gọi cho anh Dương thông báo quá trình làm việc. Anh Dương nói để anh sẽ làm việc với các cơ quan đó để xử lý”.
Phan Sào Nam được hưởng lợi 1.475 tỷ đồng
Nam cho biết giai đoạn 1, số tiền mà VTC Online nhận được khoảng 2.000 tỉ đồng, hạch toán đầy đủ vào VTC Online. Đến giai đoạn 2, số tiền Nam nhận phần được chia từ dịch vụ game do phía Nguyễn Văn Dương chia sẻ, bị cáo không hạch toán vào pháp nhân nữa.
HĐXX hỏi: “Bị cáo dùng số tiền này thế nào?”. Phan Sào Nam khai báo: “Trong game này có tính chất đổi thưởng, phần lớn doanh thu của các giai đoạn khoảng 9500 tỷ, sử dụng để trả thưởng cho người chơi. Phần bị cáo nhận được thì sử dụng trang trải chi phí vận hành cho hệ thống”.
|
Ông Phan Tự Kiên - bố của Phan Sào Nam có mặt tại phiên tòa |
HĐXX hỏi: “Trong giai đoạn 2, bị cáo hưởng lợi bao nhiêu tiền?”. “Bị cáo được xem lại chứng từ và hồ sơ, chốt lại bản thân bị cáo hưởng 1.475 tỷ. Phần lớn số tiền cất ở dạng tiền mặt, một số góp vốn để mà thành lập một số công ty phát triển lĩnh vực kinh doanh mới, một số đầu tư bất động sản. Một số tiền chuyển cho người thân, bạn bè cất giữ hộ. Còn về đầu tư thì vào các công ty Vippro, Vintec...”, Phan Sào Nam khai nhận.
Được biết, theo cáo trạng của VKS, Nam đã nộp lại hơn 1.088 tỷ đồng, phong tỏa tài sản 249 tỷ đồng, tổng số tiền là 1.337 tỷ đồng.
"Giai đoạn 2, tiền thu được từ hệ thống game này được hạch toán vào đâu", chủ tọa hỏi. "Bị cáo nhận phần chia sẻ doanh thu từ anh Dương về. Bên phía bị cáo không hạch toán vào các pháp nhân nữa", Nam nói.
"Số tiền này bị cáo sử dụng như nào?", tòa truy. "Do game này có tính chất đổi thưởng, doanh thu khoảng hơn 9.000 tỉ phần lớn để đổi thưởng cho người chơi, còn lại bị cáo chi phí cho chi phí vận hành khác. Vì cá nhân bị cáo không trực tiếp vận hành kỹ thuật nên bị cáo không rõ chi tiết chi phí đó, bị cáo chỉ chuyển tiền theo yêu cầu khi mà các bên yêu cầu thanh toán", Nam trả lời.
Về số tiền được hưởng lợi từ đường dây đánh bạc, Phan Sào Nam thừa nhận hươngr 1.475 tỉ đồng. Theo Nam, tổng số tiền 1.475 tỉ đồng hưởng lợi từ tổ chức đánh bạc, bị cáo đã chuyển cho dì ruột khoảng 236 tỷ đồng.
"Lúc đó bị cáo chỉ nhờ dì cất giữ hộ. Sau đó bị cáo có nhờ dì đầu tư sinh lời giúp. Số tiền gửi cho bạn bè, bị cáo không nói nguồn gốc số tiền cho họ biết", Nam phân trần.
|
Phan Sào Nam trước HĐXX |
Cũng tại phiên tòa, Phan Sào Nam cho biết mình hoàn toàn nhận thức được những việc liên quan tới game bài là hoạt động đánh bạc, việc xử lý chi phí tiền có được từ game cờ bạc… là hành vi rửa tiền. Bị cáo hoàn toàn đồng ý với cáo buộc của bản cáo trạng.
Khi được hỏi về các chi tiết của game bài, câu trả lời của “ông trùm” khiến nhiều người bất ngờ, Nam trả lời: “Bản thân bị cáo không bao giờ mở game ra chơi”.
Trả lời câu hỏi của luật sư, Phan Sào Nam cho biết một trong những lý do phát triển game bài là vì "kỳ vọng sẽ đi đầu trong lĩnh vực này. Theo lập luận của Nam, trên thế giới có nhiều công ty công nghệ phát triển sản phẩm game đánh bạc. Có những công ty có doanh thu hơn 1 tỉ USD. Trên bình diện thế giới có một số quốc gia đã hợp pháp hóa và bị cáo biết là ở Việt Nam cũng đã cở mở hơn về lĩnh vực này trong thời gian gần đây dù có một số hạn chế nhất định.
“Bị cáo và anh Nguyễn Văn Dương cũng thường xuyên trao đổi với nhau, bị cáo và anh Dương kỳ vọng mình là người đầu tiên đi đầu, phát triển game bài”, Nam nói. Về tỷ lệ ăn chia trên hợp đồng lợi nhuận từ game bài, Nam cho biết, CNC được hưởng 30%, VTC Online hưởng 70%. Sau này tỉ lệ thay đổi, CNC hưởng 38%.
Đặc biệt, trả lời câu hỏi của luật sư Trần Hồng Phúc (Đoàn luật sư Hà Nội), bị cáo Phan Sào Nam cho biết từ thời điểm tháng 6/2015, PC50 - Công an Hà Nội đã có làm việc với Hoàng Thành Trung.
“PC50 đã triệu tập Hoàng Thành Trung đến làm việc. Tuy nhiên sau đó cơ quan chức năng không có cảnh báo gì. Nếu PC50 và các cơ quan chức năng sau này, trong những buổi làm việc với VTC Online mà có cảnh báo rõ ràng về việc dừng game không phép thì sẽ không có hậu quả vụ án ngày hôm nay. Tôi tin là như vậy", Phan Sào Nam trình bày.
Sau phần trả lời trên của Phan Sào Nam, chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm dừng xét xử. Phiên tòa xét xử sơ thẩm sẽ được tiếp tục vào thứ Hai, ngày 19/11.
Phan Sào Nam nói không có động thái chuyển tiền từ Việt Nam qua tài khoản ở Singapore
Khi được hỏi về số tiền 3,5 triệu USD đang được gửi ở nước ngoài, Phan Sào Nam cho biết: “Đây là số tiền tôi cho một người bạn vay. Người bạn này đã gửi trả tôi vào tài khoản ở Singapore. Đây cũng là số tiền tôi thu được từ việc kinh doanh game bài”.
Nam cũng cho biết thêm, số tiền này do một người bạn vay bằng tiền Việt Nam. Tuy nhiên khi trả nợ, người bạn này lại làm việc tại Singapore nên đề nghị chuyển vào tài khoản của Nam ở nước này.
“Do bị cáo kinh doanh quốc tế khá nhiều, thấy đề nghị này cũng hợp lý nên bị cáo đồng ý để người bạn chuyển tiền vào tài khoản ở Singapore. Bị cáo không có động thái chuyển tiền từ Việt Nam qua tài khoản đó”, Nam khai nhận.
Nam cũng cho biết, bị cáo ra nước ngoài từ 2/9/2017, lúc đó bị cáo chưa biết bị khởi tố. Trong suốt thời gian đi không nhận thông tin chính thức có lệnh truy nã hay khởi tố cho đến khi quay lại. Trong khi ở nước ngoài, cũng nghe diễn biến ở Việt Nam, đây cũng là cú sốc với bị cáo nên muốn suy nghĩ nhìn lại sự việc trong quá khứ như thế nào.
Nam khai nhận: “Bản thân chưa va chạm với pháp lý thế nào nên chưa biết thế nào là khởi tố, thế nào là điều tra. Chỉ có suy nghĩ ở riêng một thời gian để suy nghĩ. Sau đó bị cáo quyết định quay lại Việt Nam làm việc với CQĐT. Đến lúc đó bị cáo mới được xem lệnh khởi tố của CQĐT. Trước đó, gia đình cũng đã thông báo cho bị cáo về sự việc”.
|
An Vũ