edf40wrjww2tblPage:Content
NS Phan Nhân quê quán ở Bình Đức, Long Xuyên, An Giang, nhưng lớn lên ở Cần Thơ. Khi còn nhỏ, Phan Nhân yêu thích thơ văn hơn âm nhạc. Lúc 12 tuổi, Phan Nhân tập tành họa thơ theo thể Đường luật thất ngôn bát cú cực kỳ nghiêm khắc về vần điệu, niêm luật. Lớn lên đi bộ đội, Phan Nhân bắt đầu yêu thích âm nhạc và tập tành sáng tác.
Một hôm ở bưng biền, bên cạnh bờ kinh xáng Rạch Giá - Hà Tiên, chàng thanh niên Phan Nhân, lúc đó ở tuổi 20, hứng chí thức mấy đêm liền bên ngọn đèn dầu con cóc với cây đàn mandolin mượn bạn chỉ còn ba dây, sáng tác bài hành khúc Đoàn quân Long Châu.
Sau này Phan Nhân cho biết, hồi đó vốn liếng âm nhạc quá ít, “hai phần dũng cảm, tám phần liều” khi sáng tác. Bài viết ra chẳng ai chịu hát trừ... tác giả. Sau đó Phan Nhân còn viết thêm mấy bài nữa, đáng chú ý có bài Tiếng tơ lòng (1953), thể hiện tình cảm của người chiến sĩ tạm xa người yêu lên đường chiến đấu.
Sau hiệp định Geneve 1954, Phan Nhân chuyển sang làm diễn viên của Đoàn văn công quân đội Nam bộ, tập kết ra Bắc. Từ năm 1959, ông làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Công tác ở một môi trường âm nhạc như Ban ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phan Nhân có nhiều thuận lợi để phát triển khả năng sáng tác.
Từ năm 1959 đến năm 1975, ông đã sáng tác khá nhiều và có những ca khúc như: Hành khúc lão dân quân, Lời anh thúc giục toàn dân, Con dao làm nương, cây súng giữ bản, Bài ca trên đồng lúa Thái Bình, Mùa xuân vui Tết trồng cây, Em ở nơi đâu?… và nổi tiếng nhất là bài Hà Nội niềm tin và hy vọng (1972).
Phan Nhân viết bài Con dao làm nương, cây súng giữ bản vào năm 1965, khi không quân Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc. Quân dân ta vừa chiến đấu vừa sản xuất, công nhân có khẩu hiệu “tay búa tay súng”, nông dân - “tay cày tay súng”, bà con miền núi - “tay dao tay súng”. Sáng tác của Phan Nhân viết về bà con miền núi Việt Bắc (Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái), giai điệu đậm đà âm hưởng dân ca Tày.
Cũng như phần lớn các NS ở miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, Phan Nhân có dịp tiếp xúc với anh chị em thanh niên xung phong đang ngày đêm bảo vệ con đường ra tiền tuyến. Hoàn cảnh bom đạn vô cùng gian khổ, nhưng các bạn trẻ vẫn luôn lạc quan yêu đời, tiếng hát là niềm vui không dứt. Với âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc bộ, Phan Nhân đã viết nên ca khúc Em ở nơi đâu? khá xúc động về thanh niên xung phong.
Khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Phan Nhân sáng tác bài Tình ca đất nước, ra đời ngay trong năm 1975. Khác với phần lớn các sáng tác viết trong dịp này có giai điệu nhanh vui, sôi động, Phan Nhân chọn cách thể hiện của riêng mình là viết theo giai điệu chậm rãi, sâu lắng nhưng lại tràn ngập tự hào. Chỉ có bốn câu, nhưng với bốn lời, ông nói lên khá hay tình yêu đất nước nay lại càng thêm thắm thiết, sâu đậm trong niềm vui đại thắng.
Từ 1975, Phan Nhân trở lại miền Nam, lập nghiệp tại TP.HCM, sáng tác nhiều, trong đó có các bài nổi tiếng như Nhớ về Pắc Bó, Trên quê hương Minh Hải, Thành phố của tôi, Tình bạn già... Để viết về Pắc Bó, trước giải phóng, lúc còn ở miền Bắc, Phan Nhân đã nhiều lần đến Cao Bằng, vào hang Cốc Bó, thăm suối Lê-nin, ngắm nhìn núi Mác.
Từ 1973, ông đã bắt đầu thai nghén về đề tài này. Khi giải phóng, trước lúc về Nam, Phan Nhân cùng Hoàng Hiệp tranh thủ lên thăm Pắc Bó lần nữa. Và cảm xúc về mảnh đất thiêng liêng đã chín muồi vào năm 1979 dẫn đến sự ra đời của bài hát Nhớ về Pắc Bó, giai điệu và tiết tấu mang đậm âm hưởng dân ca Tày của đất Cao Bằng.
Bài hát nói về nơi chót mũi phía Nam đất nước của Phan Nhân là bài Trên quê hương Minh Hải. Vùng đất Bạc Liêu và Cà Mau là nơi Phan Nhân từng lăn lộn suốt chín năm kháng chiến chống Pháp. Sau giải phóng, liên tục suốt ba tháng mùa mưa 1979, ông đi khắp U Minh, Cái Nước, Rạch Tàu, Xóm Mũi. Kết quả sau cùng là bài hát Trên quê hương Minh Hải ra đời, nhạc thì ngắn, nhưng có đến sáu lời. Bà con địa phương rất khoái bài này.
Đó là những bài hát của Phan Nhân viết về cực Bắc và cực Nam của đất nước, nhưng nhạc sĩ cũng không quên TP.HCM. Có hàng trăm ca khúc viết về TP.HCM, nhưng bài Thành phố của tôi do Phan Nhân sáng tác năm 1981 có nét độc đáo riêng.
Cấu trúc bài hát ngắn gọn, chỉ có bốn câu và một câu kết (coda) với năm lời. Câu và đoạn không theo luật cân phương một cách cứng nhắc, mà được sắp xếp sáng tạo, bảo đảm sự hài hòa trong tổng thể tác phẩm. Trong bài hát, cảm xúc của cái tôi đã hòa quyện, gắn bó hữu cơ với cái chung trong tình yêu thành phố mang tên Bác. Giai điệu mang tình tự sự sâu lắng thiết tha, nhưng lại không kém phần nhiệt thành.
Ngoài các ca khúc viết cho người lớn, NS Phan Nhân có nhiều bài viết cho thiếu nhi được các em nhỏ yêu thích. Năm 1990, Phan Nhân tặng tôi một tuyển tập nhạc thiếu nhi photocopy, ngoài bìa ghi “Nhà xuất bản tại gia” dùng để coi chơi! Trong đó có 15 bài hát thiếu nhi, trước 1975 có 12 bài, sau 1975 có ba bài. Trước 1975 có mấy bài được thiếu nhi yêu thích như Chú ếch con, Chú cừu Mộc Châu, Em là bông lúa Điện Biên, Hàng cây ơn Bác… Sau 1975, có một bài khá nổi tiếng là Vườn cây của ba (thơ Nguyễn Duy).
Nói thêm về sáng tác rất nổi tiếng của NS Phan Nhân, bài Hà Nội niềm tin và hy vọng. Bài này có xuất xứ khá đặc biệt. Trong suốt 12 ngày đêm trận chiến ác liệt “Điện Biên Phủ trên không” trong mùa đông tháng Chạp năm 1972, từ trên sân thượng của lầu bốn cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam ở 58 Quán Sứ, Hà Nội, Phan Nhân tận mắt chứng kiến cuộc chiến quyết liệt và hào hùng của quân dân thủ đô đánh trả máy bay B52 của địch điên cuồng dội bom hòng khuất phục nhân dân ta.
Trời Hà Nội đỏ lửa, vang rền tiếng bom đạn, những mảnh vụn B52 cháy rực, rơi lả tả... tạo cho ông cảm xúc mạnh mẽ viết nên ca khúc. Khi đặt bút sáng tác bài này, Phan Nhân đã nghĩ đến ca sĩ, người mà mình sẽ gửi gắm đứa con tinh thần sắp ra đời. Đó là NSND Trần Khánh, giọng hát vàng của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ (mất 1981). Ngay sau khi được ca sĩ Trần Khánh giới thiệu trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát đã nhanh chóng phổ biến cả nước và vang vọng mãi đến hôm nay.
Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC