Âm nhạc “cất” từ cuộc đời
Có nhiều lý do để dẫn lối người nghe tìm đến âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh. Đó có thể từ những ồn ào mà cũng có thể từ thứ nhạc đầy chất lượng.
Gần đây, nhạc Phan Mạnh Quỳnh được khen ngợi vì sự độc đáo, có bản sắc riêng. Khi những thước phim cuối cùng của Mắt biếc, bộ phim đình đám chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dừng lại trên màn ảnh, ngoài những yếu tố chuyên môn, khán giả còn ngợi khen âm nhạc. Trong phim, Phan Mạnh Quỳnh sử dụng một ca khúc đã công bố từ trước và ba sáng tác mới để phù hợp với diễn biến tâm lý của nhân vật Ngạn. Tình đơn phương hay những rung động của tuổi học trò hẳn ai cũng trải qua một lần trong đời. Và Quỳnh đã nói hộ được nỗi lòng của Ngạn, của bao con người ngoài kia chỉ biết ôm tương tư rồi nuối tiếc.
Trong năm 2019, âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh nhiều lần được vang lên với sức lay động lớn. Đó là khi album Truyện ngắn của Hà Anh Tuấn với phần âm nhạc do Phan Mạnh Quỳnh đảm nhận, rong ruổi qua nhiều thành phố. Đó là khi ca khúc Nước ngoài được tìm nghe trở lại sau một sự việc đau lòng. Không ít người bật khóc vì câu chuyện về những người anh em cùng Phan Mạnh Quỳnh lớn lên ở ngôi làng nghèo của tỉnh Nghệ An. Trong nhóm thanh niên ngày ấy, nhiều người chọn cách rời đi để bôn ba mưu sinh nơi xứ người. Có những người, ngày đi cũng là ngày nói lời vĩnh biệt mãi mãi.
“Những anh em lớn lên cùng tôi thời thơ ấu đã bỏ làng đi. Họ tâm sự với tôi rất nhiều về lựa chọn ra đi, về những ngày tháng lao động cật lực ở nước ngoài, về nỗi nhớ gia đình khi tuyết bên trời rơi trắng xóa. Tôi viết về câu chuyện thật của họ”, Phan Mạnh Quỳnh tâm sự.
Những sự việc ngẫu nhiên, hay gọi là cái cớ để “hồi sinh” một ca khúc đã ra mắt vài năm như Nước ngoài không thường xảy ra trong âm nhạc. Tuy nhiên, nếu đã nghe Nước ngoài, nhiều khán giả sẽ có hứng thú, chủ động tìm đến những sáng tác mang tính câu chuyện, đề cập các vấn đề thời sự tương tự. Với mục đích đó, âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh khó làm người nghe thất vọng với Ai cũng có ngày xưa, Hồi ức, Huyền thoại, Câu chuyện đêm...
Nghe Hồi ức như xem một thước phim dài về đời người đi từ vài câu hát. Và chắc rằng, không nhiều người trẻ dám viết như thế: “Tôi đi thắp nén nhang những ngày đầu năm. Nơi đây là nghĩa trang bao nhiêu người nằm. Nơi ai mỏi bước chân tìm về nương náu. Nhẹ gối đầu, ngừng nỗi đau…”.
Tự bản thân, Phan Mạnh Quỳnh cho rằng ca từ của anh đơn giản, không đánh đố khán giả về ngữ nghĩa. Nhưng xét về mặt hiệu quả, cách sắp xếp ca từ của Quỳnh giúp lời hát giàu chất điện ảnh, tức “vẽ” ra nhiều không gian khác nhau để người nghe tưởng tượng. Trong lứa nhạc sĩ trẻ hiện tại, âm nhạc giàu sức gợi như các sáng tác của Quỳnh hiện nay khá hiếm, nếu không muốn gọi là không có.
Ở Hồi ức, Quỳnh viết về sự hữu hạn của một kiếp người so với cái vô hạn của không gian, thời gian. Anh muốn nói rằng, người có đó, rồi mất đó tựa hồ như cơn gió trôi nên giá trị của một con người, có chăng, nằm ở những gì còn sót lại trong tâm trí người đang sống. Âm nhạc của chàng nhạc sĩ sinh năm 1990 có giai điệu nhẹ nhàng nhưng phần lời ca “nặng” gấp nhiều lần. Quỳnh nói anh muốn khán giả đọc những ca từ anh viết để hiểu hơn điều anh gửi gắm. Anh không đánh giá thấp khán giả nhưng anh sợ người nghe bỏ qua phần hồn của ca khúc.
Đừng cố giải mã
Gần đây, âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh được đánh giá cao khi mang tính triết lý và đậm dấu ấn cá nhân. Tuy nhiên, nếu cho âm nhạc của Quỳnh chỉ toàn vàng ròng thì không hẳn bởi ở anh, âm nhạc tồn tại hai thái cực. Một bên là những câu chuyện tình yêu giản đơn, mà theo lời anh nói, chỉ cần nghe là hiểu ngay. Bên còn lại là những ca khúc có chiều sâu, viết về thân phận con người, về cuộc đời sinh ly tử biệt.
Thời gian đầu của sự nghiệp, âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh không có nhiều màu sắc như ba năm gần đây. “Là nhà sản xuất nên có nhiều phong cách âm nhạc khác nhau tôi muốn thử. Hiện tại, có hai con đường mà tôi cùng đang bước. Một bên là âm nhạc giải trí dễ cảm dành cho những bạn trẻ. Một bên là những tâm sự sâu sắc hơn, trải đời hơn. Nếu mọi người cho rằng viết về tình yêu dễ thì không phải, làm người khác rung động từ những đề tài tưởng chừng quen thuộc mới khó. Tôi viết về chủ đề dễ cảm không có nghĩa tôi làm việc không nghiêm túc, qua loa”, Phan Mạnh Quỳnh nói.
Tôi hỏi, có phải áp lực từ việc phải duy trì tên tuổi hay bị “khủng bố” tinh thần từ các con số trăm triệu view của nhiều ca - nhạc sĩ khác nên thỉnh thoảng, Phan Mạnh Quỳnh viết một ca khúc tình yêu sầu thảm, đôi lúc nhạt nhẽo. Nam nhạc sĩ khẳng định trong suốt sự nghiệp âm nhạc, khó ai có thể ở mãi trên đỉnh cao vì để viết được một ca khúc có sức ảnh hưởng, đủ lay động, cần nhiều thời gian. Ví như Nước ngoài, Phan Mạnh Quỳnh cần 2-3 năm mới có thể hoàn thiện. Do đó, nếu liên tục biến mất để ra được sản phẩm chất lượng, điều đó quá khó vì anh cũng cần sự cân bằng, cần được sống như một người bình thường.
“Nghệ sĩ tính của tôi không cao. Tôi vẫn là một người đàn ông bình thường, thích chơi game. Tôi không phải người nổi tiếng, không ở trên đỉnh cao danh vọng nên luôn tìm mọi cách cân bằng cuộc sống. Tôi không muốn gò mình theo khuôn khổ nào để được nổi tiếng hay được trọng vọng hơn nên luân phiên thay đổi trong các sáng tác cũng là khi tôi được sống là mình. Tôi hài hước và thỉnh thoảng, tôi mới có vẻ sâu sắc, trải đời”, Phan Mạnh Quỳnh nói thêm.
Việc song hành giữa hai cá tính âm nhạc trái ngược hoàn toàn, đương nhiên, sẽ có những mâu thuẫn nhất định, đặc biệt từ phía người nghe. Với âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh, nếu chuyên tâm vào sáng tác những đề tài xã hội, chắc hẳn màu sắc âm nhạc trong anh sẽ càng rõ nét hơn. Còn nếu đi cùng lúc hai con đường như hiện tại, nhạc của Quỳnh vẫn có màu sắc lạ nhưng thỉnh thoảng, một vài ca khúc có hơi hướm thị trường lại kéo tầm của anh đi xuống một chút.
Đôi khi chính Quỳnh cũng không lý giải được. Có thể, ai cũng muốn hiểu rõ về một vấn đề, một người nào đó để cảm thấy thỏa mãn nhưng cuộc sống không trong suốt như pha lê. Bạn không nên cố giải mã những khác biệt bên trong một con người. Chỉ biết, với Quỳnh “Mỗi ngày, chỉ trừ việc ngủ, khi làm bất cứ công việc nào khác, kể cả chơi game, tôi cũng nghĩ đến viết nhạc. Tôi cứ thấy bản thân cần viết ra giai điệu nào đó, viết về một nội dung nào đó. Đôi lúc, tôi cảm thấy hụt hơi nhưng vẫn muốn bước tiếp, không thể giải mã được”.
Diễm Mi