30% học sinh học nghề: chỉ tiêu không tưởng
|
Nếu các giải pháp phân luồng học sinh sau trung học cơ sở còn chung chung, chưa đáp ứng đúng nhu cầu học sinh thì công tác nầy vẩn tiếp tục gập khó. |
Công tác phân luồng học sinh (HS) sau tốt nghiệp THCS được định hướng vào bốn luồng là: học tiếp lên THPT, học lên trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc trung cấp nghề (TCN), vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên và đi làm. Tuy nhiên, thực tế vào THPT vẫn đang là luồng chính. Hằng năm, cả nước có khoảng 1,2 triệu HS tốt nghiệp THCS thì gần như tất cả số này bằng mọi cách tiếp tục học lên lớp Mười, dẫu không đậu vào trường công lập.
Tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác, cuộc đua vào lớp Mười công lập hằng năm rất khốc liệt, hơn cả tuyển sinh đại học. Chẳng hạn, kỳ thi lớp Mười năm 2018 tại TP.HCM, các trường công lập chỉ nhận hơn 68.000 chỉ tiêu nhưng có hơn 86.000 HS dự thi. Những kỳ thi lớp Mười trước đó, sự cạnh tranh cũng không kém với 20-30% thí sinh không có cơ hội vào công lập. Điều đáng nói, những sĩ tử “bại trận” cũng chẳng thèm đi học nghề hay vừa học vừa làm mà thường chọn vào các trường tư thục để học tiếp chương trình THPT rồi vào đại học.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết: từ năm 2016 trở về trước, hệ thống các trường TCCN đặt dưới sự quản lý của Bộ GD-ĐT, còn các trường TCN thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trước khi hệ thống đào tạo TCCN chuyển giao quản lý từ Bộ GD-ĐT về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ năm 2017, số HS tốt nghiệp THCS vào học TCCN chỉ vào khoảng hơn 10%, quá khiêm tốn so với chỉ tiêu đặt ra là 30% vào năm 2020. Hiện tại, có năm đến 20 trường TCCN không tuyển được HS nào. Cho nên có lạc quan cách mấy thì tỷ lệ 30% HS THCS học TCCN, TCN trong hai năm tới cũng là nhiệm vụ bất khả thi.
Ở các tỉnh, thành phần lớn đều có tình trạng dồn theo luồng học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70% (Hà Nội 75%, TP.HCM 77%...), thậm chí có địa phương hơn 80%. Việc HS chọn luồng giáo dục thường xuyên cũng không nhiều. Có thể ví von rằng, nếu đường vào giảng đường đại học ngày càng rộng mở khi HS có thể được xét tuyển bằng học bạ THPT thì đường vào trường nghề và vừa học vừa làm sẽ trở nên vắng vẻ. Cho nên, lộ trình phấn đấu đến năm 2020 TP.HCM sẽ có 30% HS tốt nghiệp THCS hoặc THPT theo học nghề tại các trường TCCN hoặc TCN, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, đây là một chỉ tiêu không tưởng.
Cần đảm bảo đầu ra
Các chuyên gia tuyển sinh chỉ ra rất nhiều bất cập trong việc phân luồng HS sau THCS như: việc lựa chọn nghề của HS còn theo tâm lý đám đông, tâm lý xã hội chạy theo bằng cấp, hệ thống thông tin thị trường lao động thiếu cập nhật, thị trường việc làm cho những người học nghề, trung cấp còn hạn chế, hầu hết các trường THCS, THPT không có phòng tư vấn hướng nghiệp và cũng không có kinh phí để tổ chức công tác giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn để HS được tìm hiểu về các ngành, nghề phổ biến tại địa phương... Những nguyên nhân này đều là… bệnh trầm kha và không thể chữa trong tương lai gần. Có người cho rằng, chính hệ thống chương trình đào tạo chuyên nghiệp đang tự hại mình khi gần như tất cả HS THCS đều được đẩy lên THPT và hầu như tất cả HS THPT đều có cơ hội vào đại học nếu muốn.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, đơn vị công lập có chương trình 9+ lấy bằng cao đẳng - phân tích: “Bỏ qua yếu tố tâm lý xã hội thì chương trình đào tạo nghề đang được xây dựng không phù hợp với lứa tuổi 15-16 có trình độ văn hóa chưa hoàn thiện. Phụ huynh thì nghĩ rằng, sau THCS phải đi tiếp con đường THPT mới tốt và hệ thống trường nghề của ta cũng đang giúp phụ huynh chứng minh quan niệm đó là đúng.
Trẻ 14-16 tuổi ở Việt Nam hầu như chưa tự lập nhiều về nền nếp, kỹ năng (trong đó có kỹ năng tự học) lẫn kiến thức, vì vậy tính kỷ luật ở trường phổ thông vẫn giúp phụ huynh yên tâm hơn về môi trường phát triển cho con. Thêm nữa, các em rất khó học nghề ở độ tuổi này khi mà kỹ năng thực hành xã hội, định hướng sở thích, nghề nghiệp đều không có. Ở nước ngoài họ làm được vì trẻ được định hướng ngành nghề, kỹ năng… ngay từ nhỏ”.
Cô Trần Thúy An - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Q.1) - tâm tư: “Không phải HS nào học xong THCS đều có khả năng lên tiếp THPT. Chọn trường TCN hoặc hệ 9+ cao đẳng học tiếp sẽ phù hợp hơn, nhưng rất khó thuyết phục phụ huynh bởi họ lo lắng vì nhiều lẽ. Cụ thể, rẽ ngang như thế trẻ không còn được quản lý như ở trường phổ thông nên dễ sinh hư hỏng. Và quan trọng hơn là học xong liệu có việc làm hay không? Chúng tôi cần sự cam kết chắc chắn hơn về tương lai việc làm cho những HS phân luồng từ sau THCS”.
Rõ ràng, các giải pháp để khắc phục bất cập trong phân luồng vẫn còn chung chung, khuôn sáo như: tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS, triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia, hoàn thiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS... Những giải pháp hình thức này không giúp công tác phân luồng tìm được lối ra.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn nhấn mạnh: Hệ 9+ cao đẳng là hướng đi mới rất hay nhưng phải làm sao để thuyết phục phụ huynh, HS. Sau THCS nếu HS chọn học chương trình này sẽ tiết kiệm thời gian học, sớm xác định tương lai. Trong quá trình học, các em sẽ trải qua hai bậc học trung cấp và cao đẳng, học song song với các môn văn hóa hệ giáo dục thường xuyên. Đích cuối cùng là lấy một lúc hai bằng: THPT và cao đẳng chính quy. Như vậy, sau 3,5 năm (khoảng 18 tuổi rưỡi), HS đó vừa trang bị được kiến thức văn hóa vừa hình thành được tay nghề vững chắc và có thể học liên thông đại học.
|
Tiêu Hà