Phân luồng học sinh vào trường nghề: Đến hẹn lại nhắc

06/07/2018 - 06:36

PNO - Cứ đến mùa tuyển sinh lớp Mười là ngành giáo dục lại hô khẩu hiệu “phân luồng”, như lối thoát cho những học sinh không vào được trường công lập.

Thực chất, nhiều năm qua việc phân luồng chưa được quan tâm nên vẫn giậm chân tại chỗ. 

30% học sinh THCS học nghề: Còn xa

Phan luong hoc sinh vao truong nghe: Den hen lai nhac
Nhiều trường trung cấp nghề tại TP.HCM nỗ lực đổi mới công tác dạy nghề để thu hút học sinh

Thực ra, câu chuyện phân luồng học sinh sau bậc trung học cơ sở (THCS) đã được nói đến từ rất lâu. Nghị quyết số 29 NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh mục tiêu “Bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS”. Theo tinh thần của nghị quyết, từ năm 2013, nhiều địa phương đã đặt chỉ tiêu phân luồng 30% học sinh sau THCS vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề (gọi tắt là trường nghề). Tuy nhiên, đến nay, chỉ tiêu ấy vẫn chỉ là mục tiêu của tương lai. 

TP.HCM là địa phương đi đầu mọi mặt trong giáo dục của cả nước, nhưng sau kỳ thi lớp Mười vừa qua, lãnh đạo ngành GD-ĐT của thành phố cũng hứa hẹn “năm tới các trường THCS của TP.HCM sẽ thực hiện mạnh mẽ hơn công tác phân luồng để đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 có 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các trường nghề”. 

Có rất nhiều nguyên nhân để đổ thừa cho sự giậm chân tại chỗ trong công tác phân luồng học sinh sau bậc THCS. Đó là do tâm lý chuộng bằng cấp, đại bộ phận phụ huynh muốn con em mình được học tiếp lên THPT; là hết lớp Chín, 15 tuổi, học sinh còn quá nhỏ, chưa đủ kỹ năng khi xa gia đình đi học nghề; là thực trạng tại các trường dạy nghề chưa thực sự tạo được sức hút đối với học sinh; là do các trường nghề không coi trọng việc tuyển sinh đối với đối tượng học xong THCS mà chỉ thích tuyển những đối tượng đã tốt nghiệp THPT... Tất cả những nguyên nhân đấy đều có phần đúng. Nhưng cái gốc của vấn đề nằm ở chỗ cả hệ thống giáo dục của chúng ta chưa thực sự quan tâm đến công tác phân luồng. 

Chưa có tư duy phân luồng

Phân luồng gắn liền với công tác giáo dục hướng nghiệp. Nhưng không nói ra thì ai cũng biết, giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông hiện có cũng như không. Trong khi đó, rất ít phụ huynh có ý nghĩ sẽ cho con học nghề để làm thợ. Còn những nhà quản lý giáo dục thì càng hiếm chuyện cho con đi học nghề, vì suy nghĩ ấy không có trong đầu họ. Khi không quan tâm thì họ khó có thể định hướng cho con người khác một cách thuyết phục. Và tệ hơn, có những thầy cô còn ngăn cản khi biết được học sinh có ý định đi học nghề mà các em thích.  

Giáo dục hướng nghiệp là giúp học sinh nhận biết được khả năng, sở thích, năng khiếu của bản thân để từ đó các em tự quyết định chọn hướng đi phù hợp nhất, nên nó không phân biệt giàu nghèo, giỏi hay dở. Thế nhưng, lãnh đạo sở GD-ĐT một thành phố lớn lại nhận thức rằng “trường nghề là nơi dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh yếu”.

Để đạt tỷ lệ phân luồng 30% học sinh sau THCS vào trường nghề năm 2020, Sở GD-ĐT TP.HCM có kế hoạch giảm 3% chỉ tiêu vào lớp Mười trường công lập mỗi năm. Hiệu trưởng một trường nghề gọi đây là “kế hoạch ngây thơ”, vì: “Khi đã muốn học tiếp lớp Mười, nếu không vào được trường công thì học sinh sẽ học trường tư và các trung tâm giáo dục thường xuyên chứ sao lại nghĩ các em sẽ vào trường nghề. Với lối tư duy như vậy thì công tác phân luồng sẽ khó mà thành công”.

Lợi ích của việc phân luồng vô cùng lớn, hướng đến giúp cho các bạn trẻ nhanh chóng có nghề nghiệp phù hợp để bước vào đời, tránh lãng phí đầu tư cho cả gia đình và xã hội. Và quan trọng hơn, phân luồng sẽ tạo ra nguồn lao động có chất lượng, tạo ra sự cân bằng trong cơ cấu nguồn nhân lực của mỗi quốc gia, tránh tình trạng thị trường thì khan hiếm lao động có tay nghề trong khi hàng trăm ngàn cử nhân thì thất nghiệp. Cho nên, đã đến lúc ngành GD-ĐT phải quan tâm hơn nữa để công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS không phải là đến hẹn lại nhắc đến, như một khẩu hiệu. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI