Phần lớn trung tâm thể thao ở TPHCM chỉ để tập chứ không thể thi đấu vì cũ kỹ, lạc hậu

16/03/2021 - 16:42

PNO - Đầu tư cơ sở vật chất là yêu cầu cấp thiết vừa đảm bảo đủ điều kiện tập luyện, vừa phục vụ cho các giải đấu lớn nếu TPHCM muốn đăng cai.

Cơ sở vật chất cho thể thao không đảm bảo

Ông Võ Quốc Thắng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TPHCM cho biết, qua khảo sát, cơ sở vật chất dành cho thể thao của TPHCM đều có nhiều vấn đề. Trong khi đó, không ít vận động viên chuyên nghiệp của đội tuyển quốc gia đang tập luyện tại đây.

Chẳng hạn, sân vận động Thống Nhất, nếu đội tuyển Việt Nam vào TPHCM thì chỉ có thể tập luyện chứ không thể tổ chức thi đấu chính thức vì số lượng ghế ngồi hiện tại không tải nổi khán giả.

Đường chạy phục vụ cho điền kinh cự ly ngắn cũng không đảm bảo, vận động viên đôi khi phải sang quận 8 để tập luyện. Việc sửa chữa mặt sân cần thực hiện ngay lập tức.

Một góc sân vận động Thống Nhất
Một góc sân vận động Thống Nhất

Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu vẫn được bảo dưỡng tương đối tốt nhưng cơ sở vật chất so với 40 năm trước không khác nhiều. Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ và các cơ sở khác như: trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư, nhà thi đấu Rạch Miễu, nhà thi đấu Phan Đình Phùng... quá cũ kỹ. 

Cơ sở vật chất không đáp ứng cũng tác động đến việc đào tạo thể thao thành tích cao, dẫn đến việc phân tán tài năng, lãng phí nhân lực. Vận động viên, huấn luyện viên quần vợt hiện tại đổ về câu lạc bộ quần vợt Hải Đăng của Tây Ninh.

Hiện, điều kiện của Trung tâm đào tạo quốc gia phía Nam chỉ đáp ứng được cho việc huấn luyện, đào tạo 1/3 đội tuyển quốc gia.

Trong khi đó, nhiều địa phương đã có trung tâm để đào tạo, hoạt động tốt, chẳng hạn như Tây Ninh gom vận động viên về một nơi để tập luyện, học tập. 

“Cơ sở vật chất hiện tại là gốc của vấn đề. Cơ sở vật chất phải hoàn thiện mới đảm bảo cho việc tập luyện bắt kịp với xu thế phát triển hiện đại, hạn chế việc chấn thương”, ông Thắng chia sẻ.                                     

Ông Võ Quốc Thắng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao quốc gia TPHCM (phải) - chia sẻ trong buổi gặp gỡ với Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM sáng 16/3
Ông Võ Quốc Thắng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM (phải) - chia sẻ trong buổi gặp gỡ với Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM sáng 16/3

Khi có cơ sở vật chất tốt mới đảm bảo điều kiện cho TPHCM nếu đăng cai các giải thể thao lớn, đồng thời quảng bá, thu hút du lịch từ những sự kiện này.

Bên cạnh cơ sở vật chất để phục vụ tập luyện, cần có nơi hồi phục chức năng, trung tâm đào tạo giáo dục đạo đức lối sống để vận động viên được đảm bảo sự phát triển toàn diện.

Giải quyết rốt ráo những gút mắc 

Việc đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất cũng là một trong những nội dung được Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM đề ra trong đề án phát triển phát triển ngành thể thao TPHCM đến năm 2035.

Trong đó, các nội dung được đưa ra như: đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm đào tạo năng khiếu thể dục thể thao (số 2, Đinh Tiên Hoàng, quận 1); hoàn thành giải tỏa đền bù 1 căn hộ trong khuôn viên trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư; hoàn thành quy hoạch đồ án 1/200 và giải tỏa đền bù dự án khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc (quận 2); đẩy nhanh tiến độ khởi công trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (quận 3); hoàn thành quy hoạch 1/500 dự án khu thể thao trường đua Phú Thọ (quận 11)... 

Trung tâm Thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ tương đối hiện đại so với mặt bằng chung nhưng cơ sở vật chất này đã có từ 2003
Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ tương đối hiện đại so với mặt bằng chung nhưng cơ sở vật chất này đã có từ 2003

Ông Nguyễn Nam Nhân - Trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM - cho biết về kinh phí đầu tư (kể cả nhà nước, kêu gọi hợp tác với tư nhân) cho cơ sở vật chất không thiếu nhưng còn bị vướng mắc nên các dự án chưa thể thực hiện, hoàn thiện.

Chẳng hạn, có dự án đã đi được nửa đường nhưng vướng cơ chế, phải làm lại từ đầu. Khu thể dục thể thao Rạch Chiếc  vướng việc di dời hộ dân. Trung tâm thể dục thể thao Yết Kiêu muốn khai thác dịch vụ phải làm đề án tài sản công, chờ HĐND TP duyệt chứ không thể cho thuê nữa. Hiện tại, TPHCM có tổng 1.800 đề án công vì cơ quan nào cũng muốn khai thác, nên phải chờ.

Hay với Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ, vướng giữa quy hoạch của quận 11 và TPHCM. Phía quận quy hoạch cho công viên, cây xanh, trường học. Cuối cùng giữa hai bên đã phân ranh được, tiến tới quy hoạch 1/500. Dự kiến, nếu thúc đẩy nhanh từ 2021-2025 sẽ tiến hành xây dựng. 

Với những cơ sở lớn thiếu đất đai để thực hiện, cần xây dựng đề án để HĐND TPHCM duyệt. 

Ông Nguyễn Nam Nhân - Trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM
Ông Nguyễn Nam Nhân - Trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI