Luôn có hoa tươi trên mộ của ông Langlang Buana ở một thị trấn nhỏ tại huyện Pasaman thuộc tỉnh Tây Sumatra, Indonesia. Con gái út của ông, Yuni Folani, còn được gọi là Ivo, thường đi ngang qua nghĩa trang trên đường đến trường, và ghé vào đặt một ít hoa lên mộ của cha.
Năm ngoái, cha của Ivo đã qua đời vì mắc COVID-19 trong lúc đang bị suy thận. Ivo, 14 tuổi, là em út trong gia đình có 2 người con, kể lại rằng em và cha đã có những phút giây vui đùa và gắn bó thân thiết với nhau khi cha còn sống. Ivo đã từng nói với cha rằng em muốn tiếp bước cha, người là một nhân viên an ninh, để trở thành một nữ cảnh sát khi lớn lên. “Khi đó cha đã rất giận, em còn nhớ rất rõ”, Ivo nói trong khi nước mắt chảy dài trên khuôn mặt.
|
Ivo thường đi ngang qua nghĩa trang trên đường đến trường và ghé vào đặt một ít hoa lên mộ của cha. |
Không có cha, gia đình của Ivo đã rơi vào thời kỳ khó khăn. Mẹ của Ivo, Nisma, trở thành trụ cột gia đình duy nhất, và lệ thuộc vào một cửa hàng tạp hóa với thu nhập chỉ vài trăm USD mỗi tháng để chăm lo cho các con.
Theo tờ National Geographic, Ivo chỉ một trong số hàng triệu trẻ em trên thế giới đang lâm vào cảnh nghèo đói khi có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc cho mình qua đời trong đại dịch COVID-19.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kể từ khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu đến ngày 5/5/2022, đã có gần 15 triệu người tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến COVID-19, tức gần gấp 3 lần con số được báo cáo chính thức. Dữ liệu của Johns Hopkins cũng cho thấy, chỉ riêng tại Mỹ, quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong nhất, gần một triệu người Mỹ đã qua đời vì căn bệnh này.
Theo National Geographic, đằng sau những con số thống kê đó là một cuộc khủng hoảng trẻ bị mồ côi cha mẹ chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Gần 10,4 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã mất cha mẹ hoặc người chăm sóc vì COVID-19, theo ước tính mới nhất từ Đại học Hoàng gia London. Tại Mỹ, con số này được ghi nhận chính thức là hơn 214.000 trẻ em, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Các nghiên cứu trong nhiều thập niên đã cho thấy rằng, mất người chăm sóc khiến trẻ em có nguy cơ bị lạm dụng, nghèo đói, và phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu và tự tử. Susan Hillis - đồng chủ tịch của Nhóm Tham vấn toàn cầu cho trẻ em bị hưởng bởi COVID-19, được thành lập từ sự liên kết của Đại học Oxford và WHO - cho biết, nếu trẻ không được hỗ trợ đầy đủ, hoặc nếu gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng, thì sự căng thẳng có thể thay làm đổi cấu trúc não của trẻ, khiến các em thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn so với sự cố mất đi người thân.
Carolyn Taverner - đồng sáng lập kiêm giám đốc chương trình của Emma’s Place, một trung tâm xoa dịu nỗi đau mất người thân dành cho trẻ em và gia đình ở Staten Island, New York - cũng nói rằng, việc mất đi cha mẹ hay người chăm sóc một cách đột ngột khiến những đứa trẻ chưa học cách đối mặt với cảm xúc của mình có xu hướng bị “bùng nổ”, và có thể gặp khó khăn ở trường. Khi không được bạn bè thông hiểu và chia sẻ sự mất mát của mình, các em sẽ dễ cảm thấy bị cô lập trong nỗi đau buồn.
Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, việc mất đi người trụ cột trong gia đình có thể đẩy trẻ em vào cảnh nghèo đói, dẫn đến suy dinh dưỡng, hoặc buộc phải bỏ học và đi làm để tự nuôi sống bản thân. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trẻ mồ côi cũng dễ bị lạm dụng thể chất, tình dục và tình cảm hơn.
Theo Hillis, cuộc sống với nhiều khó khăn và áp lực chồng chất như vậy có thể khiến trẻ rơi vào một tình trạng được gọi là “căng thẳng độc hại”. Khi tình trạng này kéo dài hoặc nghiêm trọng, cơ thể các em có thể trải qua một loạt các phản ứng sinh học có hại, trong đó có suy giảm các khớp thần kinh của não.
Căng thẳng độc hại cũng khiến trẻ có nguy cơ mắc các biến chứng lâu dài như bệnh tiểu đường và bệnh Parkinson, làm suy giảm khả năng chống lại bệnh tật của hệ thống miễn dịch, và tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim, HIV/AIDS... Trẻ em mồ côi cũng có nguy cơ tự tử cao hơn.
Vào tháng 1/2022, UNICEF đã báo cáo rằng hơn 616 triệu học sinh trên toàn thế giới vẫn đang bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học liên quan đến COVID-19. Và các chuyên gia lo ngại tình trạng này có thể đẩy những đứa trẻ mồ côi dễ bị tổn thương nhất trên thế giới vào nạn lạm dụng lao động trẻ em.
Hillis, người đã có nhiều thập niên làm việc tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, đã nghiên cứu những trẻ em bị mồ côi do các cuộc khủng hoảng sức khỏe. Tháng 8/2020, bà đã triệu tập một nhóm các nhà nghiên cứu để đánh giá số lượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trên thế giới, bắt đầu từ Mỹ và Brazil. “Chỉ trong hai tuần, dữ liệu sơ bộ đã khiến nhóm nghiên cứu bị sốc và cảm thấy rất đau lòng”, bà Hillis cho biết.
Ước tính, cứ 2 người tử vong do COVID-19 được ghi nhận ở các quốc gia này, thì có ít nhất 1 đứa trẻ bị mồ côi. Khi biến thể Delta hoành hành trên toàn thế giới, tỷ lệ này đã tăng lên 1 trẻ mồ côi cho mỗi ca tử vong do COVID-19. Riêng ở châu Phi, tỉ lệ này là 2 trẻ mồ côi cho mỗi ca tử vong, tính đến cuối tháng 10/2021.
Theo nhận định của National Geographic, cuộc khủng hoảng mồ côi do COVID-19 thật sự là “một đại dịch ẩn bên trong một đại dịch” nhưng chưa được các nước trên thế giới quan tâm đúng mức. Rachel Kidman - một nhà dịch tễ học xã hội chuyên nghiên cứu những khó khăn của trẻ em tại Đại học Stony Brook - cũng cho rằng, hiện COVID-19 chỉ đang được các nước xem là một căn bệnh ảnh hưởng đến người lớn, còn những thiệt hại và mất mát của những đứa trẻ bị mồ côi từ đại dịch này lại đang bị xem nhẹ.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng khái niệm mồ côi cần phải được hiểu là cả những trường hợp trẻ bị mất đi người chăm sóc chính khi không ở cùng cha mẹ. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, hiện có tới 38% trẻ em trên toàn cầu được nuôi dưỡng trong các hộ gia đình nhiều thế hệ. Ở Zambia và các nước thuộc khu vực châu Phi cận Sahara, hơn 30% trẻ em hiện đang sống với ông bà, thay vì với cha mẹ.
Nhất Nguyên (theo National Geographic)