Phần lớn trẻ con không thể phân biệt 'tin vịt' trên mạng xã hội

24/03/2017 - 14:37

PNO - Lợi dụng tâm lý bất ổn, sự cô đơn, hiếu kỳ của tuổi trẻ cũng như phương tiện truyền thông xã hội, nhiều tên tội phạm đưa ra thông tin giả nhằm lừa gạt trẻ em

Tập huấn kỹ năng phân biệt thông tin cho trẻ đang là điều bức thiết.

Phan lon tre con khong the phan biet 'tin vit' tren mang xa hoi
4/10 số học sinh tin rằng bức ảnh về hoa cúc dị dạng do phóng xạ chụp tại Nhật Bản dù không hề có thông tin về địa điểm

Trung tuần tháng 3/2017, một người đàn ông 50 tuổi sống tại New York (Mỹ) lãnh án phạt tù 25 năm vì tội tấn công tình dục bé gái 12 tuổi.

Bằng cách tiếp cận qua mạng và nói dối về việc mắc bệnh ung thư, tên tội phạm đã làm cô bé xiêu lòng. Hắn thậm chí còn nhờ nạn nhân xin khoản tiền “điều trị” lên đến 150.000 USD từ cha mẹ. 

Tương tự, một thanh niên 20 tuổi tại Anh cũng phải đối mặt 39 tháng tù giam vào tháng Hai sau khi dùng tài khoản facebook và Instagram giả mạo để dụ dỗ những bé gái 13-15 tuổi chụp ảnh “thiếu vải”.

Tinh vi hơn, một số tên tội phạm còn đăng tin tuyển dụng lên mạng xã hội để dụ dỗ nạn nhân tuổi “teen” đến phỏng vấn làm thêm tại nơi vắng vẻ rồi giở trò đồi bại.

Xét ở từng vụ việc riêng rẽ, mọi người có thể nghĩ rằng sự tình một phần do lỗi chủ quan của nạn nhân, thế nhưng ở cấp độ vĩ mô, hàng ngày trẻ em trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với hàng nghìn thông tin giả mạo trên mạng internet.

Điều đáng nói, phần lớn thanh thiếu niên đều không có khả năng phân biệt đâu là thông tin thật, đâu là lời bịa đặt giả dối, và các bậc cha mẹ cũng ít quan tâm đến vấn đề này, vì ở thời của họ, làm gì đã có mạng xã hội.

Theo nghiên cứu mới của Đại học Standford (Mỹ), 82% số học sinh trung học không thể phân biệt giữa quảng cáo giả và câu chuyện tin tức thực sự trên internet. 

Sau cuộc khảo sát 7.800 thanh thiếu niên từ trung học cơ sở đến đại học, nhóm phát hiện ra rằng giới trẻ đánh giá độ tin cậy của tin tức không phải bằng nguồn tài liệu, mà là độ chi tiết của thông tin, hoặc độ lớn của bức ảnh đính kèm. 

Phan lon tre con khong the phan biet 'tin vit' tren mang xa hoi
Chú gấu Bamse tuyên truyền việc cảnh giác thông tin giả mạo trên mạng cho trẻ em Thụy Điển

Cả hai đại gia internet là Google và Facebook đều đang tiến hành các biện pháp để hạn chế nội dung gây hiểu nhầm, giúp bảo vệ người sử dụng và cảnh sát quốc tế vẫn luôn kiểm soát chặt chẽ các trang web tự do nhằm ngăn chặn tội phạm. 

Thế nhưng chắc chắn họ không thể loại bỏ hoàn toàn thông tin giả mạo.

Đó là lý do tại sao điều quan trọng nhất bây giờ là dạy cho trẻ em suy nghĩ nghiêm túc và cảnh giác với nguồn thông tin trên mạng.

Có rất nhiều cách để người lớn giúp trẻ em nhận biết thông tin giả mạo.

Chẳng hạn, học sinh của một ngôi trường trung học cơ sở ở phía tây thành phố Philadelphia (Mỹ) rất phấn khởi trước lớp học tên là “người săn tin vịt”, nơi giúp trẻ phân biệt đâu là thông tin thật sự và đâu là điều bịa đặt.

Trong lớp học, các giáo viên dạy trẻ cách phân loại thông tin thành một loạt các nhóm như tin tức thực sự, tin tuyên truyền, tin giải trí, quảng cáo hay tin lừa gạt và dự đoán điều gì xảy ra khi người viết cố tình trộn lẫn các thông tin.

Newsela là một công ty khởi nghiệp tại Mỹ, chuyên giúp trẻ em phát triển kỹ năng văn chương dựa trên các bài viết trên mạng internet, đã đưa thêm các câu hỏi về độ xác thực của thông tin vào sau mỗi bài viết.

Chẳng hạn như, “thông tin này đến từ đâu”, “có dấu hiệu bất thường nào trong bài viết”, hay “còn điều gì được che giấu sau thông tin này”.

Phan lon tre con khong the phan biet 'tin vit' tren mang xa hoi
Trẻ em ngày nay rất dễ bị tin lầm những nguồn thông tin lừa đảo trên internet

Trong thực tế, dù chẳng ai suy nghĩ nhiều đến độ tin cậy của một bài đọc trên mạng, nhưng với hơn một triệu giáo viên tại Mỹ sử dụng trang web, Newsela hy vọng họ sẽ cùng tham gia vào việc giúp phát triển cho giới trẻ cách đánh giá thông tin.

Tại Thụy Điển, một trong những nhân vật hoạt hình nổi tiếng nhất của quốc gia trong suốt 50 năm qua, chú gấu Bamse với khả năng siêu phàm nhờ ăn mật ong vừa trở thành “đại sứ” tuyên truyền về việc cảnh giác trước thông tin giả mạo trên internet cho trẻ.

Các biên tập viên của Bamse gửi gắm chủ đề trên vào cả hoạt hình lẫn truyện tranh. Họ cũng xin sự giúp đỡ từ các trường trung học và các nhà nghiên cứu internet để tổ chức hội thảo chống thông tin giả mạo cho phụ huynh cùng học sinh. 

Theo ông Andreas Schleicher, giám đốc mảng giáo dục của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD), sắp tới OECD sẽ phát triển các chính sách toàn cầu tập trung vào việc trang bị cho người trẻ tuổi kỹ năng để định hướng trong thế giới số, tỉnh táo trước những sự lôi kéo trên phương tiện truyền thông và tin đồn.

Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI