Phần lớn thanh niên Hàn Quốc sống bám cha mẹ, khó có thể tự lập

18/07/2024 - 17:06

PNO - Tính đến năm 2022, 81% người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 sống với cha mẹ, tỉ lệ cao nhất trong số 36 quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài đã làm nảy sinh vấn đề xã hội về “những người độc thân ký sinh”
Tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài đã khiến “những người độc thân ký sinh” ở châu Á tăng cao

Park năm nay 29 tuổi sống Gyeonggi-do nhưng chưa bao giờ sống xa cha mẹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh có đến... 5 năm để đi xin việc và vẫn phải dựa vào thẻ tín dụng của cha mình bất cứ khi nào cần tiền. Sau khi trượt nhiều kỳ thi công chức, anh hiện đang theo học học tại một viện làm bánh để lấy chứng chỉ. "Cha tôi sắp nghỉ hưu, vì vậy tôi lo lắng không biết mình có thể dựa vào cha mẹ được bao lâu nữa" - Park cho biết.

Việc những người trẻ khoảng 30 tuổi sống với cha mẹ đã trở nên phổ biến trong xã hội Hàn Quốc khi mà việc tìm kiếm việc làm, kết hôn và sinh con ngày càng bị trì hoãn. Tính đến năm 2022, 81% người Hàn Quốc ở độ tuổi trên dưới 20 sống với cha mẹ. Đây là tỉ lệ cao nhất trong số 36 quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, năm 2024, trung bình những người trong độ tuổi từ 15-29 phải mất gần 1 năm để có được công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp. Tính đến tháng 5/2024, có đến 238.000 người trong độ tuổi 15-29 phải mất đến 3 năm mới tìm được việc làm.

Kim (29 tuổi), tốt nghiệp một trường đại học tư thục ở Seoul với bằng quản trị kinh doanh cách đây 3,5 năm. Tuy nhiên, anh vẫn sống với cha mẹ và làm việc bán thời gian.

Các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân chính là sự không phù hợp giữa kỳ vọng của người trẻ và các yêu cầu của những doanh nghiệp tuyển dụng. Các công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu và tăng trưởng thấp nên thích những người lao động có kinh nghiệm, khiến việc làm cho những người mới tốt nghiệp trở nên cực kỳ khó khăn. Mặt khác, những người tìm việc ngày càng thích các tập đoàn lớn và các vị trí chuyên môn có mức lương cao và điều kiện làm việc tốt nên điều này làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh.

Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, tính đến tháng 5/2024, 31,7% những người đã tốt nghiệp nhưng không có việc làm cho biết họ chỉ dành thời gian nghỉ ngơi, vui chơi hoặc "thưởng thức các hoạt động giải trí", thay vì chuẩn bị đi làm hoặc làm nội trợ. Đây là tỉ lệ cao nhất kể từ khi số liệu thống kê như vậy bắt đầu được ghi nhận vào năm 2008.

Hwang Myung-jin, giáo sư tại Khoa Chính sách công của Đại học Hàn Quốc, giải thích rằng mong muốn làm việc cho các tập đoàn lớn có uy tín tại Seoul và khu vực đô thị ngày càng tăng đã dẫn đến nhiều người trẻ phải mất nhiều năm tìm kiếm việc làm. Chính việc tìm việc kéo dài này làm chậm trễ các cột mốc quan trọng khác trong cuộc sống như sống độc lập về kinh tế, kết hôn và sinh con.

“Sự tập trung cao độ ở khu vực đô thị làm gia tăng áp lực cạnh tranh giữa những người trẻ tuổi, nâng cao tiêu chuẩn về hôn nhân và các giai đoạn khác của cuộc sống" - ông nói thêm.

Choi (34 tuổi), nhân viên tại một công ty Công nghệ thông tin ở Seoul, đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình rằng: “Tôi không thể tiết kiệm tiền vì tôi đang phải trả nợ tiền đặt cọc cho một căn biệt thự nhỏ. Ngoài ra, tôi cũng đang trên bờ vực từ bỏ hôn nhân” - Choi cho biết và nhấn mạnh những khó khăn về tài chính góp phần khiến nhiều người trì hoãn kết hôn và sinh con.

Vấn đề trì hoãn kết hôn, sinh con không chỉ đặc biệt nghiêm trọng ở Hàn Quốc mà hiện tượng này còn xảy ra ở các quốc gia khác. Ví dụ, ở Nhật Bản, tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài đã làm nảy sinh vấn đề xã hội về "những người độc thân ký sinh”. Đây là những người trẻ tuổi ở độ tuổi trên dưới 20 vẫn tiếp tục sống vào cha mẹ và phụ thuộc vào họ về mặt tài chính.

Ở Nhật Bản, những người từ 18 tuổi trở lên được pháp luật coi là người lớn (otona) nhưng độ tuổi trưởng thành thực sự, được gọi là ichininmae” chỉ được thừa nhận nếu độc lập về mặt tài chính và lập gia đình riêng.

Lee Ji-pyeong, giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk, giải thích rằng suy thoái kinh tế đang diễn ra ở Nhật Bản đã dẫn đến sự gia tăng những người trẻ chọn công việc không thường xuyên. Kết quả là, độ tuổi mà thanh thiếu niên Nhật Bản được gọi là "trưởng thành" đang bị đẩy lùi. Ngày càng có nhiều người trẻ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc ổn định, lương cao từ đó kéo theo không hẹn hò, kết hôn, sinh con...

Thảo Nguyễn (theo Korea Herald, Chosun)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI