Phần lớn lượng đường lưu thông trên thị trường là đường lậu

31/10/2019 - 06:51

PNO - Sau rất nhiều năm loay hoay với “cuộc chiến” chống đường lậu từ Thái Lan, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có biện pháp truy xuất các sản phẩm đường bán trên thị trường.

Lượng đường lậu quá lớn, giá rẻ khiến các nhà máy đường trong nước tồn kho, không thể tiêu thụ. Trong khi người tiêu dùng mua phải đường lậu, đường không có nguồn gốc.

Chiều 30/10, Ban chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) tổ chức Hội nghị Bàn các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam.

Hiệp hội mía đường Việt Nam dự đoán, tính riêng nguồn đường Thái Lan qua Campuchia khoảng hơn 1 triệu tấn, có khoảng hơn 800.000 tấn được vận chuyển lậu vào Việt Nam tiêu thụ. Đó còn chưa thể ước tính được lượng đường lậu qua biên giới với Lào để vào Việt Nam.

Phan lon luong duong luu thong tren thi truong la duong lau
Đường lậu từ Thái Lan bị lực lượng Quản lý thị trường An Giang bắt giữ mới đây

Các đầu nậu lợi dụng cư dân dọc biên giới xé lẻ các lô đường đưa qua biên giới và tập kết trong lãnh thổ Việt Nam. Số đường lậu sau đó sẽ được hợp thức hóa bằng giấy tờ, hóa đơn từ những hợp đồng giao dịch trong nước.

“Nhiều đầu nậu tham gia đấu thầu đường lậu trả giá rất cao để trúng thầu, sau đó dùng chính giấy tờ trúng thầu này cho các lô đường lậu sau đó…”, ông này cho hay.

Tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu đường cát quy mô lớn đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều đia phương nông dân chặt bỏ mía vì thua lỗ.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cả nước có 40 doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh, sản xuất đường, trong đó 32 DN là sản xuất, 8 DN khác chỉ làm thương mại.

Trong vụ sản xuất 2017-2018, cả nước có 37/41 nhà máy đường hoạt động (4 nhà máy tạm ngừng hoạt động), sản lượng đường sản xuất ước đạt gần 1,5 tiệu tấn. Niên vụ 2018-2019 các nhà máy đường sản xuất được 1.173.933 tấn đường.

Nguyên nhân do đường lậu từ Thái Lan về quá nhiều, giá rẻ… Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30 - 60% so với các năm trước. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp. 

Theo số liệu từ các lực lượng chức năng, 9 tháng đầu năm 2019 cả nước đã kiểm tra, xử lý 876 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường vi phạm trị giá trên 12 tỷ đồng.

Lượng đường này chủ yếu là vận chuyển, kinh doanh nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, đường không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đường nhập lậu chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia rồi đưa vào thị trường Việt Nam tiêu thụ.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI