PNO - Chiến dịch không sử dụng đồ nhựa, phân loại rác tại nguồn đã được khởi động từ năm 2013, cho đến thời điểm hiện tại đã trở thành xu hướng và lan rộng hơn đối với các bạn trẻ tại TP.HCM.
Từ năm 2013, chương trình tuyên truyền “Phân loại rác tại nguồn” do Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM phối hợp với các đơn vị tổ chức trên địa bàn Q.Tân Phú đã nhắc nhở người dân một thông điệp: rác thải không bỏ đi. Và thực tế, từ rác thải được người dân phân loại tại nhà, nhiều nguồn quỹ giúp người nghèo, học sinh khó khăn của Hội LHPN, các khu dân cư được hình thành.
Mang theo bình nước inox cá nhân đến mua trà sữa cũng là một cách các bạn trẻ hạn chế sử dụng ly nhựa
Ban đầu chương trình dừng ở các hộ gia đình, khu chung cư ở P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú. Năm 2018, sau một năm vận hành, chương trình đã được mở rộng ra các phường, cho nhiều nhóm đối tượng hơn. Đặc biệt, chương trình hướng đến giáo dục trẻ từ cấp tiểu học ý thức bảo vệ môi trường. Chương trình được tổ chức tại hai trường THCS Nguyễn Huệ, Lê Anh Xuân cùng ba trường tiểu học: Lê Văn Tám, Lê Lai và Phan Bội Châu trên địa bàn Q.Tân Phú, giúp hơn 5.000 học sinh tiếp cận các kiến thức cơ bản nhất về bảo vệ môi trường và phân loại rác tại nguồn.
Chương trình được thiết kế khá sinh động bằng những hoạt cảnh, câu chuyện cùng các trò chơi thu hút sự tham gia của các bé nhằm nêu bật mục đích, ý nghĩa phân loại rác tại nguồn. Trong các trò chơi, các bé tham gia phân loại các chất thải hữu cơ dễ phân hủy gồm: thực phẩm, vỏ rau củ quả trong quá trình chế biến, thức ăn thừa, lá cây… để trong thùng chứa riêng có lớp túi lót để tránh vương vãi và chảy nước. Qua trò chơi, các bé sẽ biết rõ sau khi phân loại, chất thải này có thể được tái chế thành phân bón cho cây trồng hoặc chuyển cho các đơn vị làm thức ăn gia súc, gia cầm.
Các bé cũng phải gom góp, để riêng những chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, gồm: các loại giấy, vỏ lon nhôm, vỏ hộp sữa… để vào kho “ve chai” cùng tích lũy để gây quỹ từ thiện hay tiết kiệm riêng trong gia đình.
Đặc biệt, sau các buổi truyền thông, các trường thường xuyên nhắc nhở học sinh việc phân loại rác tại nguồn vào các tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm. Các thùng rác, pa-nô hướng dẫn phân loại rác tại nguồn được bố trí khắp sân trường. Nhờ đó, hàng ngàn học sinh đã bước đầu hiểu được ý nghĩa của việc giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như lợi ích của phân loại và tái chế rác thải.
Các học sinh trường tiểu học Lê Lai hào hứng với trò chơi phân loại rác tại nguồn
Lan tỏa khắp cộng đồng
Tại TP.HCM hiện nay, rất nhiều bạn trẻ thích sưu tầm và sở hữu những đồ vật không sản xuất từ nhựa mà thay vào đó là sản xuất từ các chất liệu bảo vệ môi trường như inox, gỗ, giấy, thủy tinh... Chiến dịch không sử dụng đồ nhựa được khởi động từ năm trước, cho đến thời điểm hiện tại đã trở thành xu hướng và lan rộng hơn đối với các bạn trẻ.
Nhiều cửa hàng chuyên cung cấp các vật dụng như ống hút, muỗng, bàn chải, bình đựng nước... đều được sản xuất từ inox, gỗ, thủy tinh, vải cũng như các chất liệu bảo vệ môi trường khác. Điều đặc biệt là các cửa hàng này luôn thu hút các bạn trẻ, học sinh, sinh viên, cũng như nhân viên văn phòng đến tìm mua các đồ dùng mang tính thân thiện với môi trường.
Không những có nhiều cửa hàng kinh doanh các mặt hàng với chất liệu thân thiện với môi trường mà hiện nay một số quán cà phê tại TP.HCM sử dụng ống hút inox, tre, thủy tinh… thay cho ống hút nhựa.
Không những các bạn trẻ thích đến những quán cà phê, trà sữa sử dụng các vật dụng bảo vệ môi trường, riêng bản thân các bạn còn có thói quen tự sắm cho mình những vật dụng cá nhân như ly nước, bình nước... bằng chất liệu khác nhựa. Khi đến mua nước các bạn sẽ không sử dụng các loại ly nhựa tại đây mà đựng bằng chính chiếc bình các bạn mang theo. Thói quen sử dụng và mang vật dụng cá nhân như bình nước, ống hút, muỗng, đũa... bằng chất liệu bảo vệ môi trường của các bạn trẻ hiện nay sẽ làm giảm bớt lượng rác thải nhựa ra môi trường.
Nhật Hà, làm nhân viên văn phòng tại Công ty TNHH Truyền thông ZEE, chia sẻ với chúng tôi: công ty truyền thông của bạn tặng cho mỗi nhân viên làm việc tại công ty một bộ ống hút, muỗng bằng inox, để hưởng ứng chiến dịch bảo vệ môi trường của công ty. Đa số nhân viên công ty đều mang theo sử dụng như một thói quen mỗi khi uống nước tại nơi làm việc hay cà phê cùng bạn bè và hạn chế sử dụng đồ dùng bằng nhựa.
Ngoài việc thay thế ống hút nhựa bằng ống hút inox, một số quán cà phê, trà sữa còn đề xuất sử dụng túi vải, hộp giấy... thay cho túi ni-lông.
Bạn Nguyễn An Trường, sinh viên Trường đại học Văn hóa, chia sẻ: “Hơn một năm nay, tôi có sở thích sưu tầm quai vải. Mỗi khi có sự kiện tặng quai vải tại các cửa hàng cà phê hay trà sữa tôi đều đến mua nước và được tặng vật dụng này, hiện tôi sở hữu gần 10 kiểu quai vải với hình dáng, trang trí khác nhau, khi đến mua nước tôi đều sử dụng quai vải của mình xách ly nước chứ không sử dụng túi ni-lông tại cửa hàng và việc đó trở thành thói quen của tôi”.
Việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Ngoài những việc như không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn hay tham gia dọn dẹp rác tại địa phương, thói quen sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường, nói không với đồ dùng nhựa cũng là cách bảo vệ môi trường hiệu quả.
Trong cuộc vận động “Người dân thành phố chung tay bảo vệ môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch” do UBND TP.HCM phát động, việc người lớn nêu gương là rất cần thiết. Nhưng hơn hết hãy quan tâm giáo dục lớp trẻ từ khi bắt đầu trên ghế nhà trường thói quen phân loại rác tại nguồn, biết nói không với đồ dùng nhựa và ý thức bảo vệ môi trường. Bởi tương lai thành phố có sạch, xanh hay không chính là từ hành động của những người trẻ hôm nay.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.