Mới đây, UBND TP.HCM tiếp tục yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) mở rộng chương trình này tại các trung tâm thương mại, trường học, khu vui chơi, giải trí, bến xe… nhằm nâng dần ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường.
|
60% rác thải của TP do lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện, do đó việc PLRTN còn nhiều khó khăn |
Khó khăn từ hệ thống thu gom
Thống kê của Sở TN-MT TP.HCM cho thấy, mỗi ngày TP tiếp nhận khoảng 7.500 tấn chất thải sinh hoạt, trong đó 60% được thu gom bởi lực lượng dân lập, số còn lại do các công ty dịch vụ công ích quận, huyện. Hỏi về chuyện phân loại rác tại nguồn, anh Nguyễn Văn Tuấn - hơn sáu năm thu gom rác các tuyến đường thuộc ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho biết, hầu như những gì không sử dụng được, người dân đều cho chung một bao rác, từ bóng đèn đến chai nước mắm hay đồ ăn. Khi đổ rác lên xe, vợ anh tranh thủ nhặt những món đồ có thể bán phế liệu.
Chúng tôi ghé trạm tiếp nhận rác trên đường Phan Văn Hớn, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, nơi tiếp nhận hàng trăm xe rác do lực lượng thu gom rác dân lập đổ về mỗi ngày. Theo quan sát, trừ những thứ có thể bán phế liệu, trong đống rác sẽ tồn tại nhiều thứ chất thải nguy hại như pin, bóng đèn, dầu nhớt, bao ni lông…
Hiện, các bệnh viện, một số trường học, hệ thống siêu thị... triển khai tương đối tốt chương trình PLRTN. Tuy nhiên, khối lượng rác thu gom không thấm vào đâu so với con số 7.500 tấn/ngày. Việc PLRTN tại các hộ dân còn bỏ ngỏ. Cái khó không chỉ do hệ thống thu gom còn manh mún, chưa đồng bộ mà còn do ý thức người dân
chưa cao.
Việc PLRTN được người dân P.Tân Thành, Q.Tân Phú tích cực tham gia hơn ba năm qua. Đây là điểm sáng hiếm hoi trong “bức tranh” PLRTN. Thông qua mô hình “Khu phố xanh” do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM triển khai, từ con số 100 hộ tham gia, đến nay đạt gần 2.000 hộ. Ban đầu mô hình vấp phải nhiều khó khăn do người dân chưa có thói quen phân loại rác. Thế nhưng, khi thấy được lợi ích của việc phân loại rác thì họ tích cực tham gia.
“Để người dân hào hứng tham gia phải cho họ thấy rõ ích lợi của việc PLRTN. Khi người dân tự phân loại, trao tận tay cho nhân viên thu gom những món đồ có thể tái chế, họ được tích lũy điểm và nhận quà như chai dầu ăn, bột ngọt, nước mắm...”, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho biết.
Nâng cao ý thức người dân về PLRTN
Rút kinh nghiệm khi triển khai thí điểm PLRTN tại Q.Tân Phú, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM chia sẻ, tài nguyên rác có thể mang lại lợi ích kinh tế, vấn đề là làm sao để người dân hưởng ứng, hiểu được giá trị của việc PLRTN. Kinh nghiệm cho thấy, nếu chỉ phát bao rác để người dân giao lại rác tái chế thì khi thu gom chỉ nhận được rác sinh hoạt, còn rác tái chế được hộ dân bán ve chai. Để thực hiện thành công phân loại rác thì cần áp dụng các giải pháp có lợi cho người dân, ví dụ đổi rác lấy quà…
“Một bất cập khác trong công tác quản lý, PLRTN là chưa quản lý được chất lượng thu gom rác tại TP.HCM. Tình trạng này khiến nhiều điểm tồn đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường”, ông Nhựt chia sẻ thêm. Hiện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đang thực hiện thu gom rác tại hai quận Bình Tân và Tân Phú với phương tiện thu gom đồng nhất, đảm bảo kỹ thuật và môi trường.
Công ty đã đề nghị các địa phương hỗ trợ, yêu cầu lực lượng thu gom rác dân lập cải tiến công nghệ và phương tiện thu gom, nhưng kết quả chưa chuyển biến nhiều. Bên cạnh đó, theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, lực lượng này thu gom thiếu tổ chức, không tuân thủ thời gian mang rác tập kết tại các điểm hẹn nên rác vẫn tồn đọng trên đường. Từ thực tế này, công ty kiến nghị, các quận huyện cần sắp xếp, tổ chức lại lực lượng thu gom rác dân lập cho bài bản.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, rác thải sẽ khó xử lý bằng phương pháp đốt nếu không phân loại. Việc PLRTN đang được sở triển khai đến nhiều nơi, ngoài phát huy những điểm cũ, các điểm tập trung đông người như siêu thị, trung tâm thương mại, trường học, điểm vui chơi như Thảo Cầm Viên, Đầm Sen, các bến xe… sẽ được triển khai mạnh mẽ. Vấn đề là tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Riêng về lực lượng thu gom rác dân lập, các quận huyện cần hướng dẫn kỹ quy cách thu gom, yêu cầu họ chuyển đổi dần trang thiết bị đúng quy định.
Tổ chức thu gom hợp lý, rác sẽ là nguồn tài nguyên giá trị
Rác là nguồn tài nguyên thứ cấp, có thể tái chế, tạo phân vi sinh, tuy nhiên do công tác quản lý không tốt nên gây ô nhiễm môi trường. Nếu tổ chức tốt việc phân loại ngay từ đầu thì sẽ phát huy hiệu quả kinh tế của nguồn tài nguyên này. Trung bình một công nhân vệ sinh thu gom một tấn rác/ngày. Bản thân lực lượng lao động này đã thực hiện phân loại, nhưng họ chỉ mới phân loại những rác bán được. Do đó, có thể tận dụng lực lượng lao động này thực hiện PLRTN và có thêm những chính sách đầu tư, hỗ trợ tài chính, y tế cho họ.
Giáo sư Nguyễn Văn Phước
(Viện trưởng Viện Tài nguyên và môi trường, Đại học Quốc gia TP.HCM)
|
Thu Hồng