Phân loại rác tại nguồn: Mỗi người cần góp một tay!

26/11/2018 - 18:00

PNO - Cơn mưa lất phất sáng 24/11 không ngăn được hàng trăm người dân đổ về tham dự chương trình truyền thông về phân loại rác tại nguồn diễn ra tại chung cư Tây Thạnh, khu phố 2, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú.

Chương trình do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM phối hợp cùng UBND Q.Tân Phú, UBND 11 phường, Ban quản lý chung cư Tây Thạnh, các trường tiểu học và trung học cơ sở, Công ty Unilever Việt Nam và Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam tổ chức.

Từ việc thay đổi thói quen nhỏ

Không có âm nhạc rầm rộ, nhưng chương trình thu hút người dân bởi ý nghĩa thiết thực của nó với cuộc sống hằng ngày của họ. Ở điểm này, ban điều hành khu phố mở cửa đón nhận rác tái chế, điểm kia, những thùng rác dán nhãn rõ ràng, đúng quy cách sẵn sàng chờ nhận rác từ cư dân của chung cư.

Phan loai rac tai nguon:  Moi nguoi can gop mot tay!
Sau khi Hội LHPN các cấp xây dựng mô hình phụ nữ vì môi trường xanh, nhiều dì, chị đã mang rác thải có thể tái chế để cùng xây dựng quỹ giúp phụ nữ trẻ em nghèo

Ngắm nhìn những tấm biển hướng dẫn quy trình xử lý rác thải, chị Vũ Thị Thùy Trang, nhà số 004, lô I của chung cư, kể: “Năm 2018, gia đình tôi bắt đầu dọn về đây. Vừa vào ở đã được các chị Hội Phụ nữ khu phố 2 gõ cửa, xin rác. Ban đầu tôi ngạc nhiên, nhưng sau đó, các chị cho biết chung cư được chọn làm điểm của thành phố để thực hiện phân loại rác tại nguồn. Nhìn các chị hướng dẫn, tôi thấy công việc cũng thật dễ dàng. Phân loại rác tại nguồn, tại nhà, mỗi người nội trợ chỉ thêm vài thao tác thôi. Tôi tham gia từ đó”.

Tham gia nhiệt tình vậy, nhưng chính chị Trang cũng hoàn toàn không biết hết ý nghĩa việc mình đang làm. Sáng 24/11, chị bất ngờ khi biết toàn bộ số ve chai chị gom cho chương trình hơn 1 triệu đồng đã được sung vào quỹ giúp đỡ các hội viên phụ nữ nghèo. Chị nói: “Hay quá, từ nay, tôi sẽ tiếp tục tham gia cùng các chị”.

Được biết, từ tháng 8/2013, Công ty Môi trường đô thị TP.HCM đã thực hiện thí điểm “Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn” trên địa bàn Q.Tân Phú nhằm đẩy mạnh công tác phân loại rác tại hộ gia đình. Qua 5 năm triển khai, có thể nói, chương trình đã mang lại hiệu quả. Người dân bắt đầu nhận thức đúng về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn và chung tay với chương trình. 

Bà Phí Thị Ngọc Yến - Chủ tịch Hội LHPN P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú - cho biết: “Từ khi được lựa chọn là địa bàn thí điểm thực hiện phân loại rác tại nguồn, Hội LHPN đã vào cuộc ngay với nhiều giải pháp tuyên truyền vận động. Chúng tôi hỗ trợ Chi hội Phụ nữ khu phố 8 tổ chức làm điểm ra mắt mô hình “Phụ nữ vì môi trường xanh” và đăng ký thực hiện tuyến hẻm đạt các tiêu chí “sạch ngõ”: hẻm 42/59 Hồ Đắc Di, khu phố 8 với sự tham dự của 45 hội viên phụ nữ và đại diện 12 hộ gia đình trong tuyến hẻm; sau đó sẽ nhân rộng mô hình ra 9/9 chi hội”.

Từ thành quả đầu tiên vô cùng nhỏ nhoi đó, các khu phố khác cũng dần chuyển động, đến nay, tất cả các khu phố của P.Tây Thạnh đều xây dựng điểm tiếp nhận ve chai, rác thải có thể tái chế gây quỹ để giúp phụ nữ nghèo, giúp học bổng cho trẻ em khó khăn. Nhiều người dân biết đến điểm tiếp nhận rác và lợi ích mà nó mang đến cho cộng đồng đã chung tay chia sẻ với Hội. 

Đến sự chung tay của cộng đồng 

Được biết, từ năm 2018, bên cạnh các khu vực công ty đã triển khai thực hiện chương trình phân loại rác từ năm 2013, chương trình còn mở rộng phạm vi từ chung cư Tây Thạnh sang 5 trường tiểu học, trung học cơ sở trong khu vực và 6 tuyến đường, gồm đường Độc Lập, Lê Lư, Lê Khôi, Tân Sơn Nhì, Cây Keo, Trần Hưng Đạo. 

Tại lễ ra mắt, ban tổ chức đã triển khai nhiều hoạt động giới thiệu các nội dung mới của chương trình phân loại rác tại nguồn và ra mắt khu vực truyền thông công cộng điển hình tại chung cư xanh kiểu mẫu Tây Thạnh. Đồng thời giới thiệu ứng dụng mGreen cho người dân.

Các tình nguyện viên của chương trình đã đến từng lô chung cư, gõ cửa từng nhà để tiếp tục vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Các bạn còn hướng dẫn người dân cách cài đặt và sử dụng ứng dụng mGreen, ứng dụng này giúp cho hoạt động thu gom, ghi nhận khối lượng rác tái chế được thuận tiện cho cả người phân loại và lực lượng thu gom. Bên cạnh đó, ứng dụng còn số hóa việc tích điểm, đổi quà (phần quà là các phiếu mua sắm, ăn uống, du lịch…).

Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP.HCM - cho biết: “Chất thải hữu cơ hay còn gọi là rác thực phẩm, sau khi thu gom công ty vận chuyển về nhà máy để sản xuất phân hữu cơ, còn rác thải vô cơ sau khi thu gom công ty đưa vào tái chế thành những sản phẩm xanh thân thiện với môi trường và cung ứng cho thị trường để tạo nguồn kinh phí đầu tư lại cho dự án, phần rác còn lại được vận chuyển đến nhà máy đốt hoặc khí hóa để thu hồi nhiệt phát điện.

Không những vậy, tùy vào khối lượng rác thải vô cơ mà người dân chuyển giao cho chương trình sẽ được quy đổi thành những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu phục vụ lại cho đời sống sinh hoạt gia đình”.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó chủ tịch UBND P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú - đề nghị: “Mỗi người dân, mỗi gia đình cùng thay đổi thói quen hằng ngày và thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Nâng cao trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, giữ vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị...”.

Tin rằng với nhiều tiện ích mà ban tổ chức chương trình đã nỗ lực mang đến cho người dân cùng sự kiên trì, bền bỉ truyền thông của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, cư dân chung cư Tây Thạnh, Q.Tân Phú và nhân dân sinh sống tại TP.HCM sẽ hiểu rõ hơn về ý nghĩa chương trình và chung tay phân loại rác tại nguồn, tạo thuận lợi cho việc thu gom, xử lý, tái chế rác thải, phát huy giá trị của tài nguyên rác và góp phần giữ gìn môi trường thành phố xanh - sạch - đẹp.

 Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI