Ngày 25/8 tới đây, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường sẽ có hiệu lực. Theo nghị định này, các hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Hiện, nhiều địa phương vẫn chưa biết áp dụng quy định này như thế nào.
Chị Lê Thị Hiền, người dân ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng tỏ ra bất ngờ khi được hỏi về việc sắp tới đây sẽ bị xử phạt nếu không phân loại rác tại nguồn.
“Khắp các thùng rác bố trí xung quanh khu vực nhà chúng tôi đều dồn một cục, từ thức ăn thừa đến bao bì nhôm nhựa được vứt chung vào đấy chứ có thấy thành phố quy định thùng nào đựng rác hữu cơ, thùng nào đựng rác tái chế đâu. Người dân đi vứt rác có ý thức bỏ vào thùng đừng vứt lung tung ra ngoài đã thấy ý thức lắm rồi. Tuy nhiên bắt phân loại rác thải tại nhà rồi ra thùng rác cũng vứt chung vào một chỗ thì tôi thấy vô lý quá. Nếu có từng loại thùng rác phân loại cụ thể thì còn được chứ đổ chung như vậy mà bắt phạt thì chính quyền chưa xử lý triệt để vấn đề từ gốc”.
Không những chị Hiền, hầu như người dân đều tỏ ý ngạc nhiên về quy định này. Theo họ, ngay cả hệ thống thùng rác thu gom cũng chưa được đầu tư phân loại ra, đến cả hệ thống xe chở rác cũng đổ chung tất cả vào một thì việc yêu cầu người dân phân loại rác tại nguồn là biện pháp chưa hiệu quả.
|
Nhiều người dân vẫn chưa ý thức cao trong việc xả rác |
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh - Trưởng Ban Tuyên giáo - Chính sách pháp luật Hội LHPN TP. Đà Nẵng – cho hay: Thực tế tại khu dân cư, Chi hội phụ nữ là lực lượng nòng cốt trong việc vận động cộng đồng tham gia phân loại rác thải và tổ chức thu gom định kỳ. Các phương tiện thu gom, phân loại rác thải tại các khu dân cư thời gian qua phần lớn là do các cấp Hội từ thành phố đến quận, huyện (Thanh Khê, Liên Chiểu, Hòa Vang, Cẩm Lệ…) tranh thủ vận động các nguồn lực để hỗ trợ, bố trí, lắp đặt. Qua khảo sát, hiện nay có 385 chi hội/1.203 chi hội đã được trang bị phương tiện thu gom, phân loại rác.
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì con số này vẫn còn rất khiêm tốn, số còn lại đa phần chị em sử dụng các phương tiện còn thô sơ (xe đạp, đi bộ, bưng bê, khiêng vác…) không đảm bảo an toàn trong việc vận chuyển thu gom.
Về phía thành phố, thời gian qua cũng đã bố trí thùng thu gom rác thải (thùng đựng rác nguy hại; thùng đựng rác 2 ngăn; thùng đựng rác 3 ngăn…) nhưng chủ yếu là ở các tuyến đường lớn, điểm/tuyến phố du lịch và một số khu dân cư. Tuy nhiên, qua thực tế sử dụng, trang thiết bị thu gom này không phù hợp với khu dân cư vì kích thước nhỏ, không đủ để tập kết rác thải.
|
Trạm trung chuyển rác thải hơn 171 tỷ đồng đầu tiên của Đà Nẵng đã hoàn thành và đang vận hành thử nghiệm ở đường Lê Thanh Nghị |
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Lê Trung – Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý bãi rác và xử lý rác thải Khánh Sơn – chia sẻ: Hiện tại ở Đà Nẵng chưa có đơn vị nào tham gia vào phân loại rác thải cuối nguồn, chủ yếu mới có các doanh nghiệp đến khảo sát, nghiên cứu. Hiện tại ở khu vực bãi rác Khánh Sơn, chỉ có một nhà máy đốt rác của Công ty CP Môi trường đô thị Việt Nam với công suất 650 tấn/ngày đưa vào hoạt động từ năm 2015 nhưng sau đó dừng hoạt động cho đến nay vì không hiệu quả. Còn việc phân loại rác cuối nguồn ở Đà Nẵng hiện chưa có, chỉ có tự phát của bà con nhân dân đi lượm phế liệu thôi chứ phân loại cho đúng bài bản quy mô thì chưa có.
Hiện tại, Bãi rác Khánh Sơn đang vận hành 5 hộc rác và sẽ hết công suất vào cuối năm 2022. Chỉ còn hộc số 6 chờ thành phố đấu thầu để nâng cấp, còn hộc số 7 đang chờ chủ trương đầu tư.
Cần sự chung sức của thành phố và người dân
Ông Võ Nguyên Chương – Phó giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng – thông tin: Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa được Chính phủ ban hành; hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/8/2022, đây là thời điểm Nghị định có hiệu lực, chưa phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt đối với hành vi nêu trên.
Đến ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Đến thời điểm đó, nếu không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.
|
Đà Nẵng đã triển khai nhiều công tác nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường |
Theo Khoản 2 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ TNMT. Một khó khăn hiện nay là các địa phương chờ các hướng dẫn chi tiết của Bộ TNMT về công tác này để việc triển khai được thuận lợi và diễn ra sớm hơn.
Trong năm 2022, trong khi chờ hướng dẫn của Bộ TNMT, Sở TNMT Đà Nẵng tham mưu UBND thành phố vẫn tiến hành theo phương thức chung đối với các thành phần chất thải rắn sinh hoạt như tái chế, nguy hại và còn lại; đồng thời triển khai các nghiên cứu thí điểm về tính toán phương thức tổ chức, thu gom và thu phí theo khối lượng, có thể làm trên 1 - 2 địa phương trên địa bàn thành phố trong năm 2023, để đến năm 2024 sẽ tham mưu việc thực hiện theo quy định.
Bài, ảnh: Lê Đình Dũng