Thông điệp trên được ông Nguyễn Phát Đạt - Phó Bí thư Chi bộ khu phố 3, P.7, Q.8 (TP.HCM) - chia sẻ tại buổi tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác tại nguồn sáng 17/6/2022 tại trụ sở UBND phường.
Theo ông, trước giờ chúng ta cứ tuyên truyền trong hội viên phụ nữ về phân loại rác tại nguồn mà quên rằng việc gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp là chuyện của mỗi người.
Ai cũng có thể phân loại rác
Bà Trần Ngọc Nương, cán bộ hưu trí tại Q.Gò Vấp (TP.HCM), dẫn chúng tôi thăm gian bếp và khoe công trình bảo vệ môi trường bà thực hiện mấy năm qua. Thùng rác nhà bà có tới ba ngăn, thùng màu xanh đựng rác hữu cơ, phân hủy được như rau, vỏ trái cây; thùng màu vàng đựng rác tái chế được như vỏ chai nhựa, lon bia, nước ngọt, giấy báo; thùng màu đỏ dùng để những thứ độc hại như pin, các gói hút ẩm…
“Việc phân loại rác ở mỗi gia đình, nếu người đàn bà không chủ động thì chẳng có ai làm hết. Đàn bà tỉ mẫn, tiết kiệm đã thành thói quen rồi” - bà Nương nói. Chúng tôi hỏi bà, con cháu có chủ động làm mấy việc này không, vì các cháu đều được học cách phân loại rác ở trường. Bà Nương cười: “Con nít học đâu quên đó, trong nhà phải có người gương mẫu, đi đầu mới tạo thành thói quen”.
Quan niệm của bà Nương không hoàn toàn đúng, bởi những chương trình truyền thông về bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn ở các trường học đang được thực hiện rất hiệu quả. Hầu như các em nhỏ rất ý thức với việc phân loại rác tại nguồn và thường mang bài học về ứng dụng ở nhà. Khi tiếp cận với những thông tin, hiểu rõ tác hại của rác thải nhựa, các em trở nên rất tự giác.
Lê Minh Khôi, sinh viên năm nhất Trường đại học Văn Lang, nói: “Trước giờ, em cứ vô tư dùng đồ nhựa vì thấy tiện. Ăn uống xong là dồn hết vô túi rác mang đi đổ chứ chẳng nghĩ ngợi gì. Bây giờ, sau khi tham gia các buổi truyền thông bảo vệ môi trường, em mới biết việc phân loại rác tại nguồn quan trọng như thế nào. Những hiểu biết này em sẽ chia sẻ để người thân của em cũng biết”.
Chị Thùy Như (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết, ba năm trước, con chị mới học lớp Bốn, đã nằng nặc đòi mẹ làm thùng rác hai ngăn giống như các cô chú bên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị hướng dẫn. Cháu bảo với chị: “Mình bảo vệ môi trường từ trong nhà đi mẹ”. “Nghe con nói chuyện làm thùng rác hai ngăn, tôi nhận ra rằng, trước nay mình đã lơ là chuyện này quá” - chị Như nói.
Các chị đừng ôm việc
Như ông Đạt phân tích ở trên, hầu như những buổi truyền thông về phân loại rác tại nguồn, vận động bảo vệ môi trường, từ trước đến nay, đối tượng tham dự nhiều nhất vẫn là các chị em phụ nữ. Các hội thảo, tọa đàm, hội thi và cả ra quân bảo vệ môi trường, trồng cây, trồng hoa… đâu đâu cũng chỉ thấy các chị. Nếu có thanh niên, nam giới thì họ vẫn là số ít, và sự có mặt đó thường ở những đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường, trồng cây, với những công việc có phần nặng nhọc…
Người ta quan niệm giáo dục, tuyên truyền đến người phụ nữ bao giờ cũng có lợi hơn nam giới, vì từ các dì, các chị, thông tin sẽ được hướng dẫn, truyền tải đến cả gia đình và nhiều hơn nữa. Điều này đúng, nhưng vô hình trung “gánh nặng” bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn cứ mặc nhiên đổ dồn cho những người phụ nữ.
Có lần trò chuyện về phân loại rác tại nguồn với bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh công cộng, Bộ Y tế - ông cũng đồng cảm với “gánh nặng” vô hình trên vai chị em. Theo ông, vai trò trụ cột của người phụ nữ trong bảo vệ môi trường không thể thiếu, nhưng họ cần có sự chia sẻ. Hành vi xả rác là vi phạm pháp luật, thậm chí còn là tội ác, dù nam hay nữ, khi vi phạm đều bị xử lý, xử phạt như nhau, cho nên việc giữ vệ sinh môi trường sống là trách nhiệm của mỗi người.
Ông nhắn nhủ: “Tôi tâm đắc với việc các đơn vị hướng dẫn trẻ em phân loại rác tại nguồn trong trường học. Không cần đưa vào chính khóa mà nên xem đây là chương trình ngoại khóa và đầu tư kỹ càng, chúng ta sẽ có một lực lượng trẻ ý thức đúng và hành động đúng”.
|
Tại buổi tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác tại nguồn được tổ chức tại P.7, Q.8 (TP.HCM) vào ngày 17/6 vừa qua, ông Nguyễn Phát Đạt - Phó Bí thư Chi bộ khu phố 3, P.7, Q.8 - nói: “Trước giờ chúng ta cứ tuyên truyền trong hội viên phụ nữ về phân loại rác tại nguồn mà quên rằng việc gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp là chuyện của mỗi người” |
Bà Lê Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội LHPN P.7, Q.8, người chủ trương và tổ chức tập huấn tuyên truyền phân loại rác tại nguồn cho cả nam giới - nói: “Tôi suy nghĩ rất nhiều về đối tượng tuyên truyền của mình trong bảo vệ môi trường. Hội thì chỉ mời cán bộ Hội và hội viên, cũng toàn là nữ. Nhưng chuyện không xả rác và phân loại rác, nếu chỉ có chị em cặm cụi làm, thì làm sao đạt hiệu quả cao được! Ý thức đó cần phải được nhân rộng, giáo dục cho cả cộng đồng. Vì vậy, Hội Phụ nữ mạnh dạn đề xuất Đảng ủy, UBND phường, bí thư và phó bí thư các chi bộ, các chi đoàn thanh niên, dù nam hay nữ đều phải tham gia vào.
“Trong gia đình, việc giáo dục con, nấu nướng, vệ sinh nhà cửa, phân loại rác… rất cần đến người phụ nữ, nhưng các chị đừng nên “ôm việc”. Các thành viên còn lại trong gia đình, nếu thực sự yêu thương phụ nữ thì hãy cùng tham gia vào chứ đừng để chị em phải làm một mình, dù là chuyện phân loại rác!” - bà Thu Hằng tha thiết.
|
Ông Cao Văn Tuấn - Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - đang trình bày các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải |
Kiên trì truyền thông góp phần cải thiện môi trường Ngày 17/6 vừa qua, Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng CITENCO và Đoàn Thanh niên của công ty đã phối hợp với Hội LHPN P.7, Q.8 tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho cán bộ các đoàn thể, đại diện chi bộ các khu phố trên địa bàn phường. Tại đây, bà Nguyễn Thị Quế Lâm - Phó Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng - đã hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; thông tin chi tiết những quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND ngày 4/5/2021 của UBND TP.HCM về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Chương trình nhằm giúp cán bộ các đoàn thể, các chi bộ khu phố hiểu rõ hơn về hiện trạng chất thải rắn sinh hoạt tại TP.HCM, cách thức và lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Trong thời gian qua, bên cạnh công tác chuyên môn, các thành viên của Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng CITENCO cùng các đoàn viên thanh niên công ty đã kiên trì trong việc phối hợp các đơn vị tổ chức truyền thông, hướng dẫn người dân, đặc biệt là các học sinh, hội viên phụ nữ phân loại rác tại nguồn. Dù ngày lễ hay ngày nghỉ cuối tuần, trong giờ hay ngoài giờ làm việc, họ đều có mặt để chia sẻ kiến thức, truyền thông về bảo vệ môi trường. Tại buổi tọa đàm “Đối thoại về sống xanh” do Saigon Co.op vừa tổ chức gần đây, ông Cao Văn Tuấn - Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng CITENCO - cho biết, đơn vị đã và đang triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp, mô hình giảm thiểu chất thải, trong đó tập trung vào hoạt động tái sinh, tái chế, tái sử dụng giúp giảm khối lượng chất thải ra các bãi chôn lấp, giảm phát thải khí carbon, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Với vai trò là một trong những đơn vị chủ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố trên lĩnh vực vệ sinh môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cũng đã, đang và sẽ luôn chủ động, đi đầu trong việc áp dụng mô hình mới, sử dụng các công nghệ hiện đại, có giải pháp tích cực nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, từ đó góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tinh Châu |
Hạnh Chi
Nguồn: MTĐT