Phân lô bãi đất trống gần 350 ha sang tay hàng tỉ đồng?

17/01/2020 - 09:42

PNO - Khu đất có diện tích khoảng 350 ha nằm trên địa bàn hai xã: Phước Kiển và Nhơn Đức thuộc huyện Nhà Bè, TP.HCM chỉ là một bãi đất trống, lau sậy, chưa có bất kỳ hạ tầng nào được xây dựng nhưng đã bị các sàn giao dịch bất động sản ngang nhiên rao bán, thu tiền.

Bán bánh vẽ, thu tiền tỉ

Dự án GS Metro City, GS Nhà Bè, Zeitgeist City, Zeit River Country, khu đô thị mới Nhà Bè... đó là những tên gọi đang được các sàn giao dịch bất động sản đặt cho khu đất trống trên để rao bán trên mạng. Hàng loạt mô hình phối cảnh dự án được vẽ ra hoành tráng với hàng trăm biệt thự, nhà phố, hàng chục tòa nhà cao tầng và tự cho rằng dự án đã hoàn chỉnh pháp lý. 

Trong vay khách hàng, chúng tôi hỏi mua, một thanh niên cho biết mình là nhân viên của sàn giao dịch bất động H.T. (có trụ sở trên địa bàn Q.1) đang phân phối cho dự án. Nhân viên này cho biết đây là dự án có tên Zeitgeist City. Dự án có đầy đủ biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, nhà phố, shophouse... 

Khu đất trống gần 350 ha vẫn chưa có gì đã phân lô rao bán ầm ầm trên mạng
Khu đất trống gần 350 ha vẫn chưa có gì đã phân lô rao bán ầm ầm trên mạng

“Nếu anh mua nhà phố, biệt thự song lập thì trước mắt chuyển ngay cho bên em 200 triệu đồng/nền, còn mua shophouse, biệt thự đơn lập thì chuyển 500 triệu đồng/nền. Giá nhà phố khoảng từ 8 - 10 tỷ đồng/căn; shophouse từ 11 - 15 tỷ đồng/căn; biệt thự đơn lập từ 20 - 30 tỷ đồng/căn; biệt thự song lập từ 11 - 13 tỷ đồng/căn. Anh mua nhanh kẻo hết” - nhân viên này chào mời. 

Chúng tôi tiếp tục hỏi mua ở một sàn giao dịch bất động sản khác. Một thanh niên tên H. cho biết mình thuộc sàn giao dịch bất động sản Khải Hoàn Land. H. cho rằng dự án có tên GS Metro City và khẳng định công ty của mình mới là đơn vị phân phối chính thức dựu án. 

Các ngoài khu đất hàng rào với các tấm pano đã được dựng lên, phải chăng Tập đoàn GS E&C đang
Bên ngoài khu đất, hàng rào với các tấm pano đã được dựng lên, phải chăng Tập đoàn GS E&C đang "bán lúa non" trong lúc chờ ý kiến của Thủ tướng?

“Em cam kết tất cả những đơn vị nào tự nhận mình là nhà phân phối của dự án đều giả mạo. Công ty của em đã đưa sản phẩm dự án ra bán từ nhiều tháng qua, tính đến nay đã bán hàng ngàn nền. Em cam kết anh mua sẽ có lời. Hiện nhiều khách hàng đang bán lại chênh lệch từ 500 triệu - 1 tỷ đồng/nền” - H. nói. 

Tôi tiếp tục thắc mắc về pháp lý dự án, H. khẳng định dự án đã hoàn chỉnh pháp lý. Tuy nhiên, khi tôi đề nghị cung cấp pháp lý thì H. đưa ra điều kiện: “Khi nào anh xuống tiền mua thì mới được xem pháp lý dự án”.  

Một sa bàn mô hình dự án
Một sa bàn mô hình dự án

Nhiều sàn giao dịch bất động sản khác còn khẳng định dự án đã được bán hết. Khách hàng muốn mua phải chuyển nhượng lại của người khác. Thậm chí có sàn còn cho biết giá chuyển nhượng chênh lệch lên đến 1,5 tỷ đồng/nền. Nhân viên các sàn đề nghị tôi mua gấp vì giá sắp được điều chỉnh tăng khoảng 10%. Mỗi sàn giao dịch chào mời với một mô hình thiết kế khác nhau và đều cho rằng mình là nhà phân phối dự án.      

Thủ tướng chưa có ý kiến đã bán?

Chiều 16/1, trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty cổ phần Bất động sản Khải Hoàn Land thừa nhận mình là đơn vị phân phối F1 của dự án GS Metro City nhưng không nhận là đã bán nền dự án này hoặc huy động vốn trên thị trường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu đất trên thuộc Tập đoàn GS Engineering & Construction (GS E&C - Hàn Quốc) có diện tích 349,35 ha; cách nay khoảng ba tháng, chủ đầu tư vẫn còn đang làm thủ tục xin giao, thuê đất. Đây là dự án có diện tích trên 200 ha nên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng xem xét, cho phép đầu tư. 

Thực tế, năm 2007 dự án đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư với tên gọi Khu đô thị mới Nhơn Đức - Phước Kiển. Năm 2008, dự án được UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 và 1/500. Tuy nhiên, đến nay thì quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực do Nghị định 02/2006 đã không còn hiệu lực kể từ ngày 1/3/2013. Từ đó đến nay UBND TPHCM cũng chưa ban hành quyết định cho phép đầu tư dự án. Do đó, để dự án có thể triển khai thì phải được Thủ tướng ra quyết định chấp thuận đầu tư lại, từ đó làm cơ sở cho chủ đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án.  

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, do thời gian thực hiện các thủ tục của dự án kéo dài quá lâu. Trong thời gian này, nhiều văn bản, nghị định hết hiệu lực và nhiều văn bản, luật mới được ban hành nên vừa qua bộ đã có văn bản đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát quá trình thực hiện dự án, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật đầu tư, đất đai, xây dựng... 

Tương tự, theo một lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, dự án trên thuộc thẩm quyền xem xét, cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng do dự án thực hiện kéo dài đã gần 13 năm, đến nay nhiều văn bản đã hết hiệu lực pháp luật. Khoảng giữa năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 610/TTg đề nghị kiểm tra, rà soát lại dự án. Vì vậy, vừa qua, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có văn bản đề nghị UBND TPHCM đánh giá lại việc thực hiện dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng.   

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, cách nay khoảng năm tháng, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án và vụ việc vẫn đang trong quá trình chờ ý kiến của Thủ tướng. 

Như vậy, phải chăng trong lúc chờ ý kiến của Thủ tướng, chủ đầu tư đã “cầm đèn chạy trước ô tô”? Theo thông tin từ các đơn vị môi giới, hiện đã có khoảng 2.000 nền được đưa ra thị trường giao dịch. Nếu con số này đúng thì chủ đầu tư đang huy động một số tiền cực khủng, trên dưới 500 tỷ đồng trên một dự án chưa có gì, nguy cơ gây rủi ro rất lớn cho khách hàng. 

      Phan Trí  

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI