Phân lập virus SARS - hành trình lặng lẽ, hiểm nguy

28/02/2020 - 07:11

PNO - Dịch COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đang hoành hành trên diện rộng. 17 năm trước, một trong số các chủng virus corona từng được xem là “hiền lành” đã gây ra đại dịch SARS. Với bác sĩ Nguyễn Thị Thường, ký ức về hành trình phân lập virus SARS-CoV lặng lẽ, nhưng hiểm nguy ấy vẫn sống động như mới diễn ra, nhất là khi bấy giờ, bệnh phẩm được gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - nơi chị công tác - còn có cả mẫu của những người làm cùng ngành y với chị.

Như người lính trước giờ ra trận

Năm 2003, bác sĩ Nguyễn Thị Thường là nhân viên của Phòng Virus sởi. Một buổi chiều tháng Ba, có nhân viên của viện gõ cửa phòng, nói đang có dịch do virus mới gây ra, đề nghị mọi người không đến Phòng Hô hấp. Cả phòng không thấy vấn đề gì trước lời dặn dò đó, nhưng không lâu sau, các chị biết đó là SARS. 

Đến khoảng cuối tháng, giáo sư - tiến sĩ khoa học Hoàng Thủy Nguyên, chuyên gia hàng đầu về virus - gọi chị lên và nói: “Tình hình dịch SARS thì cô biết rồi đấy. Thế giới đã làm về SARS rồi, nhưng bây giờ mình có dịch, mình phải làm thôi. Tôi muốn cô vào phòng thí nghiệm phân lập virus SARS”. Ông nói thêm: “Tôi không bắt buộc cô đâu, tôi cho cô vài ngày suy nghĩ, cô cứ nghĩ kỹ đi rồi cho tôi biết”.

Đã 17 năm, ký ức của bác sĩ Thường về hành trình phân lập vi-rú t SARS-CoV vẫn sống động như mới diễn ra
Đã 17 năm, ký ức của bác sĩ Thường về hành trình phân lập virus SARS-CoV vẫn sống động như mới diễn ra

Bác sĩ Thường về, đến nhà anh trai và nhà chị gái, rồi dành trọn một ngày quẩn quanh bên mẹ. Nhật ký của chị khi đó viết: “Tôi đã suy nghĩ kỹ, có vài ngày để làm một số việc thực sự cần thiết cho gia đình và quyết định vào phòng thí nghiệm để phân lập virus SARS”. Chị không giấu giếm: “Khi nghe giáo sư Nguyên đề nghị, tôi đã nghĩ mình mới ba mươi tuổi, mình còn trẻ, còn muốn học tập, còn nhiều việc phải làm, còn gia đình…”. Nhưng rất nhanh, gần như ngay sau suy nghĩ ấy, chị đã quyết định nhận nhiệm vụ.

Bác sĩ Thường nhận nhiệm vụ, nhưng đề nghị ít nhất phải có hai người làm, để đảm bảo một số nguyên tắc an toàn sinh học. Tiến sĩ Nguyễn Hiền Thanh - khi đó là Trưởng phòng virus đường ruột - được phân công làm cùng chị. Việc phân lập virus SARS bắt đầu vào tối thứ Hai, ngày 7/4/2003 tại phòng thí nghiệm 
virus hô hấp. Phòng thí nghiệm đó là nơi các chuyên gia của Trung tâm Phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ làm việc hằng ngày. Khi họ hết giờ làm việc, chị Thường và tiến sĩ Thanh mới “tiếp quản”. 

Chị Thường giấu gia đình việc mình được giao nhiệm vụ phân lập virus SARS. Trước khi vào phòng thí nghiệm, chị chỉ dặn anh trai và chị gái đừng về nhà trong những ngày này. Khi đó, Việt Nam đang phải đối mặt với dịch SARS, nên chị Nguyễn Thị Kim Thanh - chị gái bác sĩ Thường - phần nào đoán được nhiệm vụ mà em gái đang thực hiện. Gần một tháng sau, chị Thường về nhà, đã thấy chị Thanh ngồi đợi sẵn. Vừa thấy em gái, chị chỉ biết nhào đến ôm và khóc.

Không cho phép mình sai sót

Bác sĩ Thường nhớ lại: “Hồi đó, cả thế giới phân lập virus SARS trên tế bào Vero E6 (tế bào thận khỉ thường trực, dòng E6), vì họ cho rằng đây là dòng tế bào duy nhất phân lập được SARS. Nhưng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lại không có tế bào này, chỉ có dòng tế bào Vero thường, được chị mang về từ phòng thí nghiệm virus sởi của Trung tâm Phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ. Cả viện lúc ấy cùng chung tay, chia nhau đến Bệnh viện Việt - Pháp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lấy bệnh phẩm; trưởng khoa virus của chị sang Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) lấy tế bào thận khỉ tiên phát. Giáo sư Nguyên cẩn thận dặn đi dặn lại: “Các cô nhớ mặc đồ bảo hộ cho tốt, đeo khẩu trang N95 (loại khẩu trang có khả năng lọc 95% các loại hạt/bụi có trong không khí)…

Bác sĩ - tiến sĩ dịch tễ Nguyễn Thị Thường với công việc hằng ngày
Bác sĩ - tiến sĩ dịch tễ Nguyễn Thị Thường với công việc hằng ngày

Nhiều lần, các chị phải sang POLYVAC nhờ chụp ảnh và lần nào cũng được đích thân giám đốc hoặc phó giám đốc POLYVAC chụp giúp. “Các anh chị vô cùng nhiệt tình, nhờ gì cũng được, lúc nào cũng được và rất kiên trì. Có lần, phải chụp ảnh vào ngày lễ nên tôi ngại, nhưng phó giám đốc Lê Thị Luân nói: “Thứ Bảy, Chủ nhật là thời gian riêng của chị, chị đến cơ quan lúc nào cũng được, em thích chụp lúc nào thì bảo chị, chị sẽ đến” - bác sĩ Thường kể.

Phân lập virus là phải nuôi virus; khi nó mọc, phát triển trên tế bào thì “bắt” nó. Khi virus SARS-CoV xâm nhập tế bào, nó sẽ nhân lên, phá vỡ tế bào, nhà nghiên cứu phải nhìn thấy virus trong tế bào. Sau mỗi buổi làm việc, nhóm bác sĩ Thường, tiến sĩ Hiền Thanh đều báo cáo với giáo sư Nguyên và nhận những định hướng tiếp theo của ông, xem đêm tiếp theo sẽ làm gì. Bác sĩ Thường bảo, cái may mắn của viện khi đó là đã phân lập được virus SARS-CoV trên dòng tế bào Vero thường, ngay ở lần thử đầu tiên. 

Ai cũng biết, những bác sĩ ở tuyến đầu, tiếp xúc với bệnh nhân là đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, còn những người trực tiếp nghiên cứu bệnh phẩm ở phòng thí nghiệm phải đối mặt với những nguy cơ nào thì không nhiều người biết. Bác sĩ Thường bình thản nói về công việc phân lập SARS-CoV đầy hiểm nguy của mình và đồng nghiệp: “Việc khuếch đại nó từ vài con virus lên hàng triệu con được làm trong chai nuôi cấy. Chiếc chai ấy nhỏ hơn cả lòng bàn tay mình thì các bạn hình dung được là phải đối mặt với nguy cơ ra sao rồi. Với những người làm ở phòng thí nghiệm như chúng tôi, nguyên tắc cao nhất là phải hạn chế tối đa sự cố”. 

Khi nuôi cấy các virus “hiền lành” khác, chị thường gặt tế bào, ly tâm, thay môi trường, trộn virus rồi cất. Với SARS-CoV lại hoàn toàn khác. “Tôi hiểu rằng, mình phải quên những “trò vui” này đi. Chúng tôi xác định đích cần đến là gì và phải tìm con đường an toàn nhất để làm, như hạn chế mở nắp chai nuôi cấy, không ly tâm, không tạo hạt mù, không trộn bằng máy”. Nhưng đến bước trung hòa, trong vài giờ, các chị phải làm việc trên nhiều chai nuôi cấy virus SARS-CoV, mà chai nào cũng phải mở. Như vậy, mỗi khi mở một chai tế bào ra, các chị phải phơi nhiễm với 1-10 triệu con virus SARS-CoV, thậm chí 100 triệu con. Cần biết rằng, khi đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chỉ có phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 2 chứ chưa có phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 như hiện nay.

Hình ảnh vi-rú t SARS-CoV hủy hoại tế bào
Hình ảnh virus SARS-CoV hủy hoại tế bào

Sau này, khi bác sĩ Thường kể lại câu chuyện phân lập SARS-CoV trong kỷ yếu của sinh viên Trường đại học Y khoa Hà Nội khóa 1987-1993, rất nhiều người đã xúc động và hỏi sao khi đó, chị không chụp ảnh lại. Chị cười bảo: “Đang đối mặt với cả triệu con SARS-CoV thì đâu còn tâm trí để nghĩ đến chuyện chụp ảnh”. Nhưng đó chỉ là một nửa lý do. “Từ 48 giờ sau cấy (thứ Tư, ngày 9/4/2003), tôi thấy chai tế bào nghi ngờ có số tế bào biến đổi nhiều hơn. Ngày đó, phòng thí nghiệm có tủ an toàn sinh học, tủ ấm và kính hiển vi nhưng chất lượng kính kém lắm. Năm 2003, một cán bộ như tôi làm gì đủ tiền để mua máy ảnh kỹ thuật số, thế là tôi phải vẽ vào nhật ký công tác, vẽ không đẹp nhưng vẫn vẽ”.

Những giá trị đáng trân trọng 

Nhắc đến thiếu thốn của ngành y ngày đó, chị Thường không sao quên được mỗi lần sang POLYVAC nhờ chụp ảnh. Hồi đó, POLYVAC có một kính hiển vi rất tốt nhưng không có kết nối với camera tự động. Giám đốc trung tâm - giáo sư Nguyễn Đăng Hiền - có một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, ông gắn nó với kính hiển vi. Khi chụp, nếu bấm vào nút chụp của máy ảnh thì bị rung, nên mọi người trong trung tâm chế thêm một dây kéo. “Tôi không hiểu các anh chị kết nối cái dây đó thế nào, nhưng kéo cái dây là chụp được ảnh. Giám đốc Hiền hoặc phó giám đốc Luân thường cho tôi thoải mái chọn vi trường xong, mới chụp. Các anh chị rất kiên nhẫn, không bao giờ giục”.

Sau khi đã có hình ảnh vi-rút SARS-CoV hủy hoại tế bào, các bác sĩ dịch tễ đã cấy chuyển chủng và làm hiển vi điện tử. Hình ảnh hiển vi điện tử bắt buộc phải có trong quá trình phân lập
Sau khi đã có hình ảnh virus SARS-CoV hủy hoại tế bào, các bác sĩ dịch tễ đã cấy chuyển chủng và làm hiển vi điện tử. Hình ảnh hiển vi điện tử bắt buộc phải có trong quá trình phân lập.

Ảnh in ra, giáo sư Nguyên viết thông tin vào ảnh từ những ghi chép trong lúc chụp ảnh của bác sĩ Thường như thời gian, nồng độ cấy, thị kính… “Nhưng đến thông tin về vật kính thì tôi quên không ghi, tôi không hiểu sao mình lại có thể quên thông tin này. Tôi xin lỗi giáo sư Nguyên. Giáo sư im lặng, tôi biết “tội” của mình rồi nhưng không biết bác sẽ phản ứng như thế nào. Vài giây sau, bác đấm tôi một quả vào lưng, rồi nói to trước phòng: “Cô Thường này, hôm nay tôi đấm cho cô một quả để cô nhớ nhé, lần sau cô không được quên những thông tin này nữa nhé”. Mọi người cười nhưng tôi thì vẫn thấy ngại quá” - bác sĩ Thường thật thà.

Lần khác, khi việc virus SARS-CoV hủy hoại tế bào chưa hiển thị rõ, còn nhiều người chưa nhận thấy và chưa công nhận kết quả này, một chuyên gia của Trung tâm Phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ đã đến và nói: “Để tôi vào xem nào”. Sau khi soi kính xong, ông nói với mọi người: “Không những hủy hoại tế bào, mà còn hủy hoại tế bào rất đẹp (hình ảnh virus SARS-CoV hủy hoại tế bào hiển thị rõ)”. Rồi ông hỏi bác sĩ Thường: “Chị có muốn chụp lại ảnh hủy hoại tế bào này không?”. Chị trả lời: “Có, nhưng tôi không có máy ảnh”. Vị chuyên gia của CDC nói: “Tôi có, tôi sẽ mang vào chụp cho chị và tôi sẽ khử trùng nó sau khi chụp xong”. 

Nhắc đến vị chuyên gia này, chị Thường xúc động: “Hôm ông chuyên gia ấy báo cáo tổng kết công tác ở khoa, tôi không tham dự được vì còn đang chụp ảnh bên POLYVAC, lúc về thì thấy ông ấy đi tìm để tặng tôi chiếc đĩa CD chứa những hình ảnh virus SARS-CoV hủy hoại tế bào mà ông ấy đã chụp giúp. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ có ảnh là tốt, nhưng sau này, tôi mới thấy nó vô cùng quý giá với công tác giảng dạy của tôi”.

Chuyên gia của Trung tâm Phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ đã giúp bác sĩ Thường chụp lại hình ảnh vi-rút SARS-CoV hủy hoại tế bào rồi chuyển những hình ảnh quý giá ấy vào đĩa CD và tặng lại bác sĩ Thường. Sau 17 năm, chiếc đĩa CD vẫn chạy rất tốt
Chuyên gia của Trung tâm Phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ đã giúp bác sĩ Thường chụp lại hình ảnh virus SARS-CoV hủy hoại tế bào rồi chuyển những hình ảnh quý giá ấy vào đĩa CD và tặng lại bác sĩ Thường. Sau 17 năm, chiếc đĩa CD vẫn chạy rất tốt.

Đang nói, bác sĩ Thường chợt lặng đi. Chị nhớ những đồng nghiệp của mình đã bị SARS-CoV cướp đi sinh mạng. Với người làm khoa học, bước chân vào phòng thí nghiệm là phải bình tĩnh. Nhưng cũng có lúc, trước các bệnh phẩm của đồng nghiệp mình, chị cảm thấy buồn và đau xót. Ngày đi học ở Viện Pasteur Paris, bác sĩ Thường nhớ như in cô giáo của mình đã mở đầu bài giảng rằng: “Tôi cũng thích làm việc với các tác nhân “quý tộc” như HIV, Dengue (virus gây sốt xuất huyết)… Nhưng ở Pháp, chỉ còn vị trí làm việc với coronaviridae, nên tôi đành chấp nhận làm việc với cái họ virus “nhà quê” này”. Khi đó, các chủng virus corona chỉ gây cảm cúm xoàng. Nhưng đến nay, họ hàng nhà coronaviridae đã gây ra SARS, MERS, và bây giờ là COVID-19. 
Trước thực tế cả con người, động vật và môi trường luôn biến đổi, không ai biết bệnh do virus sẽ còn diễn biến thế nào. Chúng tôi chỉ biết, trước dịch bệnh, luôn có những bác sĩ dịch tễ lặng lẽ đối mặt trực tiếp với 
virus, chiến đấu với nó. 

Ở bệnh viện, việc chẩn đoán bệnh là chẩn đoán lâm sàng; còn ở “hậu phương” dịch tễ là chẩn đoán khẳng định. Với dịch bệnh, việc nuôi cấy và phân lập thành công virus gây bệnh có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Từ kết quả phân lập, nhà chuyên môn biết được độc lực của nó, tiến tới loại bỏ gen độc và giữ lại những gen có ý nghĩa về mặt kháng nguyên. Đây là tiền đề trong việc nghiên cứu vắc-xin, điều trị cho bệnh nhân sau này. 

 


SARS - hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng xuất hiện từ tháng 11/2002, kéo dài đến tháng 7/2003. Từ Hồng Kông, SARS đã lây lan đến 37 quốc gia, làm trên 8.400 người mắc bệnh và 774 người tử vong. Ngày 23/2/2003, SARS lan đến Việt Nam qua một người Hoa. Sau khi các bác sĩ ở Bệnh viện Việt - Pháp sử dụng phác đồ điều trị cúm nhưng không khỏi, bệnh nhân này đã về nước. Nhưng ngay sau đó, 5 y tá của Bệnh viện Việt - Pháp đã xuất hiện những triệu chứng giống bệnh nhân người Hoa kia. Số người mắc bệnh liên tục tăng, phần lớn là nhân viên của bệnh viện. Bệnh viện Việt - Pháp đã phải tự cách ly toàn bệnh viện. Ngày 15/3, bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam tử vong do SARS là y tá Nguyễn Thị Lượng.

45 ngày kể từ khi bệnh nhân người Hoa đến khám ở Bệnh viện Việt - Pháp, Việt Nam đã có 66 người nhiễm SARS, hơn 40 người trong số đó là y bác sĩ của bệnh viện. Trong 6 người tử vong, ngoài 5 người là y bác sĩ của Bệnh viện Việt - Pháp, còn có bác sĩ Carlo Urbani - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cũng là người đầu tiên phát hiện ra hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng và cảnh báo WHO. Nhờ những đóng góp không nhỏ của bác sĩ Carlo Urbani, Việt Nam đã được WHO ghi nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI