Phần Lan: Học sinh học làm lãnh đạo ngay từ nhỏ

28/05/2022 - 18:39

PNO - Ở Phần Lan, học sinh không chỉ tham gia vào bài học một cách chủ động mà còn được trao quyền để trở thành "giáo viên" trong lớp học của mình.

Cô Darcy R. Fryer là giáo viên dạy môn lịch sử tại trường phổ thông liên cấp Brearley School (trường tư dành riêng cho nữ) ở TP. New York (Mỹ).

Trong chuyến công tác đến Phần Lan, cô may mắn được dự giờ và chứng kiến việc dạy và học một số môn xã hội tại một trường phổ thông mà cô cho là “vô cùng ấn tượng”.

 

 

Một lớp học bậc phổ thông ở Phần Lan - Ảnh: NeONBRAND/Unsplash
Một lớp học bậc phổ thông ở Phần Lan - Ảnh: NeONBRAND/Unsplash

Cô Darcy đã dành trọn vẹn một ngày để “đóng đô” tại trường trung học Olari Lukio thuộc thành phố Espoo. Đây là thành phố lớn thứ hai của Phần Lan, được mệnh danh là “Thung lũng silicon” - nơi có hơn 270.000 công ty và tập đoàn công nghệ đặt trụ sở hoạt động. Espoo cũng là địa phương đa sắc tộc, với 78% cư dân sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Phần Lan, trong khi 22% còn lại nói tiếng Thụy Điển và một số ngôn ngữ khác.

Trường trung học Olari Lukio đảm nhận công tác dạy và học cho hàng trăm học sinh từ lớp 7 đến lớp 12, trong đó có nhiều học sinh đến từ Trung Đông, châu Phi và Đông Á. Đây là mô hình trường học tập trung vào giáo dục STEM kết hợp 4 lĩnh vực, bao gồm: khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán học (Math).

Trong suốt một ngày dự giờ các môn lịch sử Phần Lan, hệ thống chính quyền Phần Lan, và Chính trị thế giới ở thế kỷ XX cũng như nói chuyện, trao đổi với học sinh và giáo viên của trường, cô Darcy đã tiếp nhận được nhiều điều.

 

 

Ở Phần Lan, học sinh không chỉ tham gia vào bài học mà còn đóng vai trò thiết kế và giảng dạy - Ảnh: Bumppy
Ở Phần Lan, học sinh không chỉ tham gia vào bài học mà còn đóng vai trò thiết kế và giảng dạy - Ảnh: Bumppy

Điều khiến cô Darcy ấn tượng nhất là học sinh Phần Lan chịu trách nhiệm cho việc học của chính mình. Điều này được thể hiện rõ qua cấu trúc cơ bản của các bài học, trong đó một phần đáng kể tiết học được học sinh thực hiện và làm chủ.

Chẳng hạn như trong tiết học giới thiệu về chính phủ Phần Lan dành cho học sinh trong độ tuổi 15 và 16, thầy giáo người Phần Lan Pekka bắt đầu bằng cách phác thảo sơ lược nội dung bài học trong ngày trên bảng.

Học sinh trong lớp được chia thành từng nhóm 4 người với nhiệm vụ nghiên cứu các chủ đề này một cách ngắn gọn trong sách tham khảo và trên Internet, sau đó trình bày kết quả của nhóm với các bạn cùng lớp. Như vậy, hầu như toàn bộ quá trình triển khai bài học đều do học sinh làm chủ, trong khi giáo viên chỉ đóng vai trò cung cấp cấu trúc bài học, hỗ trợ học sinh và kiểm soát chất lượng tiết học.

 

 

Học sinh trong lớp được chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận về bài học và sau đó giảng dạy  cho cả lớp - Ảnh: Wikimedia Commons
Học sinh trong lớp được chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận về bài học và sau đó "giảng" lại cho cả lớp - Ảnh: Wikimedia Commons

Trong các tiết học khác, các em học sinh còn phải thể hiện khả năng lãnh đạo của mình.

Trong một tiết học về chính trị thế giới với chủ đề Chiến tranh lạnh, thầy Pekka nhiều lần tạm dừng phần bài giảng để kêu gọi học sinh tham gia “giảng dạy” chủ đề mà các em đã chuẩn bị trước đó. Thầy mời các nhóm học sinh phản biện, hoặc đóng góp ý kiến, và chiếu các video clip minh họa cho nội dung bài học. Cô Darcy cũng được mời bình luận về chủ đề này từ góc nhìn của nước Mỹ.

Trong tiết học giới thiệu về chính phủ Phần Lan do cô Sari phụ trách, học sinh có cơ hội được trình bày chi tiết về các chủ đề liên quan đến chính sách công - mà các em đã được giao nghiên cứu trong vài tuần trước đó. Chẳng hạn như chiến dịch chống béo phì của Phần Lan hay điều kiện sống của người Sami (dân tộc bản địa thuộc khu vực Bắc Âu) ở Phần Lan.

Theo cô Darcy, việc “tham gia vào lớp học” ở Mỹ thường được hiểu là học sinh được khuyến khích đóng góp ý kiến ​​qua các cuộc thảo luận với sự hướng dẫn của giáo viên. Còn ở Phần Lan, học sinh được xây dựng kiến ​​thức cho bản thân và tham gia giảng dạy cho các bạn cùng lớp.

Học sinh Phần Lan được trao quyền tự do trong việc trang bị kiến thức cho mình - Ảnh: Finlanda
Học sinh Phần Lan được trao quyền tự do trong việc trang bị kiến thức cho mình - Ảnh: Finlanda

 Phần Lan, các buổi học không phải là nơi “đóng gói” thông tin và kiến thức để cung cấp cho học sinh một cách “cứng nhắc” theo đề cương bài giảng đã được thiết kế trước đó. Giáo viên Phần Lan chỉ tạo nên “bộ khung” bài giảng và giao quyền tự do tương đối độc lập cho học sinh để khuyến khích các em xây dựng, tiếp thu và nắm vững kiến thức.

“Tôi nhận ra, cần dành cho học sinh nhiều không gian hơn để thiết kế, giảng dạy và dẫn dắt lớp học - thay vì để cho giáo viên hoàn toàn làm chủ như lâu nay”, cô Darcy nói.

Nguyễn Thuận (theo AHA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI