Các nữ ủy viên sẽ đại diện tiếng nói của nữ giới
Sau khi nghe thông tin kết quả trúng cử Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, tôi cảm thấy phấn khởi khi có 19 đại biểu nữ trúng cử, trong đó có 18 ủy viên chính thức và một ủy viên dự khuyết. Các nữ ủy viên BCH Trung ương Đảng sẽ nói lên tiếng nói chung của giới, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ trong các quyết sách quan trọng của Đảng.
|
Các nữ đại biểu chụp hình lưu niệm với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước - Ảnh: Viết Chung
|
Đặc biệt, trong khóa này, bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cũng vinh dự là một trong 19 nữ được bầu vào BCH. Tôi cảm thấy tự hào khi có đại diện của tổ chức Hội LHPN trong BCH. Theo tôi, đây là điều kiện thuận lợi để bà Hà Thị Nga có thể trực tiếp gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ cả nước đến các ngành, các cấp thông qua các kỳ họp của BCH Trung ương Đảng.
Tôi mong rằng các nữ ủy viên BCH Trung ương Đảng sẽ thể hiện thật tốt vai trò của mình và qua đó khẳng định vị thế của nữ giới, là cầu nối của các tầng lớp phụ nữ với Đảng. Chúc các chị luôn mạnh khỏe và thành công.
(Bà Nguyễn Kiều Thu - Chủ tịch Hội LHPN H.Nhà Bè, TPHCM)
Đại hội được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng
Theo dõi thông tin về đại hội trên các phương tiện thông tin đại chúng và Báo Phụ Nữ TPHCM, tôi thấy mọi phần việc đều được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, từ tổng kết, đánh giá về nhiệm kỳ cũ cho đến việc xác định phương hướng, tầm nhìn cho nhiệm kỳ tới. Các văn kiện trình đại hội đã được cụ thể hóa và lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp ủy. Đặc biệt, việc chuẩn bị nguồn cán bộ nữ để giới thiệu vào BCH Trung ương Đảng cũng tốt hơn.
Trong nhiệm kỳ qua, từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, trung ương, tỷ lệ cán bộ nữ đã tăng lên, chất lượng cán bộ nữ ở các mặt như trình độ chính trị, chuyên môn, năng lực quản lý đều có chuyển biến. Tôi tin tưởng rằng, các đại biểu đã trúng cử vào BCH Trung ương Đảng khóa XIII đều rất xứng đáng. Mong BCH sẽ phát huy hết năng lực, đóng góp trí tuệ xây dựng đất nước.
|
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện cùng các nữ đại biểu bên lề Đại hội - Ảnh: Viết Chung |
(Bà Lương Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN Q.6, TPHCM)
Tất cả đều hướng tới phụng sự nhân dân
Nội dung văn kiện đã được chuẩn bị rất công phu trong cả quá trình xây dựng và đóng góp ý kiến trước và trong Đại hội. Đặc biệt, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, trách nhiệm của người đứng đầu được nhấn mạnh trong văn kiện. Đây là điểm mới của văn kiện lần này.
Văn kiện Đại hội cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ ở tầm nhìn dài hạn, chiến lược đến năm 2025, 2035, 2045. Chúng tôi đánh giá, trong các nhiệm kỳ gần đây, tinh thần đổi mới của văn kiện ngày càng rõ nét hơn.
Trong văn kiện Đại hội chỉ rõ, ngoài phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, còn có hai nội dung trọng tâm là dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhân dân đã được đưa vào vị trí trung tâm của văn kiện và tất cả nhiệm vụ, giải pháp đều hướng tới phụng sự nhân dân.
Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với năm bài học kinh nghiệm được chỉ ra trong văn kiện và bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không chỉ tổng kết lại nhiệm kỳ và đánh giá 35 năm đổi mới cũng như đề ra phương hướng, giải pháp cho cả nhiệm kỳ tới và nhiệm kỳ tiếp theo. Mỗi cấp ủy, đảng viên phải coi đó là kim chỉ nam để cụ thể hóa hành động, đưa nội dung nghị quyết đi vào cuộc sống.
(Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Mai - Bí thư Thị ủy thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội)
Đại hội đã đưa ra những quyết sách đúng đắn, tạo việc làm cho thanh niên
Trong những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến thanh niên, xây dựng và ban hành các chủ trương, nội dung quan trọng nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên có cơ hội phát triển. Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cho thanh niên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và chiến lược dài hạn đến năm 2045.
Dự thảo các văn kiện trình đại hội đã nêu, đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được những mục tiêu này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đề ra các định hướng lớn, trong đó chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đặc biệt của công nghệ thông tin, kỹ thuật số.
Đặc biệt, các dự thảo văn kiện trình đại hội đã nêu những quyết sách phát triển đất nước, trong đó lưu ý đến việc tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo, tạo việc làm cho thanh niên. Với sự quan tâm, tạo cơ hội này của Đảng ta, tôi nghĩ các bạn trẻ phải tự xây dựng, bồi đắp kiến thức và kinh nghiệm để nắm bắt cơ hội và đáp ứng yêu cầu đề ra.
(Đại biểu Hà Đức Minh - Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai)
Hiện thực hóa khát vọng của nhân dân
Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Đại hội XIII là bầu ra BCH Trung ương khóa mới gồm các đại biểu đảm bảo đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn để gánh vác trọng trách, nhiệm vụ.
Chúng tôi cho rằng, Đại hội đã chuẩn bị nhân sự BCH rất kỹ lưỡng, đảm bảo đầy đủ tính kế thừa, đảm bảo chiều hướng phát triển và những người được giới thiệu đều xứng đáng. Tôi tin tưởng rằng, BCH Trung ương Đảng khóa mới tiếp tục hiện thực hóa khát vọng của người dân Việt Nam, phấn đấu đưa Việt Nam thành một nước hùng cường.
(Đại biểu Đồng Dũng Mạnh - Bí thư Huyện ủy H.Thanh Miện, tỉnh Hải Dương)
Chú ý “tác động số nhân” trong chính sách nông nghiệp
Tôi rất kỳ vọng, thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ là vận hội để đất nước thay đổi và tiếp tục phát triển. Là một chuyên gia marketing gắn bó nhiều năm với quê hương sau đổi mới, tôi luôn mong muốn đóng góp sức mình cho nền kinh tế nước nhà, đặc biệt là nông nghiệp.
Theo tôi, đến nay, chúng ta vẫn khá loay hoay, lúng túng với cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của nông dân. Nguyên nhân chính là do chính sách phát triển nông nghiệp của chúng ta không theo hướng liên kết chuỗi. Tôi muốn đề cập đến tác động số nhân trong kinh tế. Lấy ví dụ, trái cây có tác động số nhân rất lớn cho cả nền nông nghiệp. Khi thúc đẩy được chuỗi xuất khẩu trái cây, sẽ kéo theo toàn bộ ngành nông nghiệp trồng cây ăn trái trong nước phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Thế giới hiện đã không còn theo mô hình supplied string (chuỗi cung ứng) thông thường nữa mà tiến lên supplied network, tức mạng lưới cung ứng không còn theo đường thẳng mà theo mô hình chằng chịt, cộng hưởng giữa nuôi trồng, đánh bắt, sản xuất, tiêu dùng. Chúng ta cần phải chia tay hệ thống thương lái. Nông dân phải “chơi” được với người làm ra sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng, mới giải quyết bài toán khó của nông nghiệp Việt Nam. Đây là một vấn đề lớn, không phải của chỉ riêng một quốc gia. Tác động số nhân tức là chúng ta phải bắt đầu tiếp cận từ sản phẩm cuối cùng.
Hiện nay, đa số sản phẩm cuối có chung đặc điểm là làm từ nguyên liệu nhập khẩu. Dường như nhà đầu tư chỉ sử dụng đất đai và thị trường lao động của chúng ta. Muốn phát triển nông nghiệp, phải có đầu ra, mà đầu ra nào có mối nối đến nông dân, nông thôn nhiều nhất thì Chính phủ cần phải ưu tiên các chính sách hỗ trợ.
Chính sách nông nghiệp cũng phải xem trọng marketing và phải thay đổi suy nghĩ, đừng làm theo kiểu hễ nói đến sản xuất nông nghiệp là chỉ nói đến giống cây trồng, phân bón mà quên marketing.
Tiến sĩ Phạm Hữu Tài - giảng viên chuyên ngành marketing Trường đại học FPT
|
Thăng Long - Thiên Ân - Quốc Ngọc