Phan Huỳnh Điểu khắt khe với nhạc phổ thơ

26/02/2013 - 13:00

PNO - PNO - Ông dặn dò các ca sĩ không nên tùy tiện đổi ngôi thứ xưng hô hay sửa lời tác phẩm, như vậy sẽ làm méo mó ý đồ nguyên trạng của tác giả bài thơ lẫn nhạc sĩ sáng tác.

Phan Huynh Dieu khat khe voi nhac pho tho

Trong đêm nhạc Còn mãi với thời gian chủ đề Tình ca Phan Huỳnh Điểu diễn ra vào tối 25/2 tại Nhạc viện TP.HCM, vị nhạc sĩ 91 đã có nhiều cơ hội để nói về Thuyền và biển - ca khúc ông sáng tác năm 1981 phổ theo bài thơ cùng tên của nữ sĩ Xuân Quỳnh (1963). Đây là tác phẩm mà ông tâm đắc nhất và mang chất “Phan Huỳnh Điểu” nhiều nhất, bởi nó khiến ông liên tưởng đến tình yêu của người vợ dành cho mình và tâm trạng khi yêu của người phụ nữ.

Phan Huynh Dieu khat khe voi nhac pho tho

“Bão tố của nam nữ khác nhau lắm, khi giận, người đàn ông có thể nhất thời bộc lộ bằng cách đập bàn đập ghế, nhưng với phụ nữ, với bà xã tôi thì hỏi gì cũng không nói, hỏi gì cũng làm thinh. Vậy mà hễ “nếu phải cách xa anh em chỉ còn bão tố”. Phụ nữ yêu rất nhẹ nhàng nhưng day dứt. Cho nên, dù là ca sĩ nam trình bày tác phẩm này cũng không nên tự ý sửa thành “nếu phải cách xa em anh chỉ còn bão tố”. Mặc dù Thuyền và biển được được biết đến nhiều nhất qua giọng ca của NSƯT Tuấn Phong, nhưng để chiều theo cái "khó" của Phan Huỳnh Điểu, Kim Thoa, ca sĩ bước ra từ cuộc thi Tiếng hát mãi xanh đã được chọn trình bày tác phẩm này trên nền hòa âm của piano và saxophone.

Phan Huynh Dieu khat khe voi nhac pho tho

Diễn giải về một nhạc phẩm phổ thơ khác là Thơ tình cuối mùa thu (cũng của Xuân Quỳnh) do NSƯT Quang Lý thể hiện, Phan Huỳnh Điểu chỉ rõ sự “đắt giá” của chữ “vào” thay vì “và” hay “vàng” trong cụm “mùa thu vào hoa cúc” mà nhiều ca sĩ hay sơ ý sửa lời: “cúc” trong “mai lan cúc trúc” tượng trưng cho mùa thu, nếu thay bằng “và” hay “vàng” thì bình thường quá, phải là “vào” thì mới toát lên được hình ảnh nàng tiên thu dạt dào ý thơ.

Phan Huynh Dieu khat khe voi nhac pho tho

Trước khi đến với âm nhạc, Phan Huỳnh Điểu là một “tín đồ” của thơ. Từ thuở thiếu thời, ông đã thuộc làu thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, vì vậy khi đến với âm nhạc, Phan Huỳnh Điểu không bỏ qua cơ hội thể hiện niềm đam mê thi ca thông qua việc phổ nhạc những tác phẩm ông yêu thích như Tương tư chiều (Nguyễn Bính), Bóng cây Kơ-nia (Ngọc Anh), Ở hai đầu nỗi nhớ (Trần Đình Chính), Anh ở đầu sông em cuối sông (Hoài Vũ), Sợi nhớ sợi thương (Thúy Bắc)...

Phan Huynh Dieu khat khe voi nhac pho tho

Ông tâm sự: “Tôi cho rằng thơ phổ nhạc đạt đến mức độ cộng hưởng tâm hồn của nhạc sĩ và thi sĩ. Tìm thấy một bài thơ phù hợp, nhạc sĩ phổ nhạc và gửi gắm tâm trạng mình. Xét đến cùng, chất thơ trong ca từ của một nhạc sĩ thuần túy không thể bằng được chất thơ trong ca từ vốn là bài thơ của một nhà thơ. Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn. Bởi vậy, tôi hết sức thích phổ nhạc cho thơ. Thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh, thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên”.

Đêm nhạc còn trình diễn những ca khúc gắn liền với tên tuổi của Phan Huỳnh Điểu như Trầu cau, Mùa đông binh sĩ, Đoàn giải phóng quân, Quảng Nam yêu thương, Quê tôi miền Nam… qua sự thể hiện của các ca sĩ gạo cội như NSND Trần Hiếu, NSƯT Măng Thị Hội, NSƯT Nhất Sinh, NSƯT Quỳnh Liên, NSƯT Thanh Thúy, NSƯT Vân Khánh, Lan Ngọc, Cao Minh...

Chương trình sẽ được phát sóng vào lúc 16g thứ Bảy tuần thứ hai và tuần thứ tư trong tháng trên HTV7.

HOÀNG YẾN
Ảnh: P.T.N

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI