Phan Huyền Thư: Những điều để tự hào ngày càng ít đi

24/02/2014 - 17:34

PNO - PN - “Niềm tự hào của âm nhạc Việt Nam chỉ là một lý do rất “có thẩm mỹ” để chúng ta có thể đối thoại và bày tỏ quan điểm” - nhà thơ Phan Huyền Thư (ảnh) nói về Giai điệu tự hào (GĐTH), chương trình mà chị đang giữ vai...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nghĩ mở nói thẳng vốn xa lạ trong văn hóa phản biện tại Việt Nam, liệu có dễ để công chúng quen được với những quan điểm trái chiều, trung thực với chính kiến của mình, dám phản biện với cả những giá trị đã được mặc định?

Phan Huyen Thu: Nhung dieu de tu hao ngay cang it di

* Sau hai số phát sóng, GĐTH đã được nhận diện đúng như tinh thần ê kíp sáng tạo muốn hướng đến chưa, thưa chị Phan Huyền Thư? Bản sắc của GĐTH chưa được đẩy đến mức khác biệt hẳn so với Những bài ca đi cùng năm tháng - không ít khán giả phản hồi về chương trình như vậy, chị có đồng ý với họ không?

- Chúng tôi đang là những kẻ “lật đất để tìm đường” nên nói là đã làm được đúng tinh thần hay chưa thì thật khó trả lời. Mặc dù đây là gợi ý rất tuyệt vời từ một chương trình của truyền hình Nga; nhưng quả thực, chính họ, những người đã làm nên thành công hơn bốn năm qua về “Bảo vật quốc gia” cũng không dễ dàng gì để định hình một format chuẩn cho những bối cảnh lịch sử, xã hội hay cảm xúc thông qua các ca khúc bất hủ của Nga... Chính vì vậy, nếu chỉ cần tạo ra sự khác biệt với những chương trình kiểu Những bài ca đi cùng năm tháng hay Những ca khúc bất hủ... thì đấy không phải là mục đích chính của chúng tôi. Chúng tôi muốn khán giả của nhiều thế hệ khác nhau, nhiều tầng lớp khác nhau sẽ song hành cùng chúng tôi để tìm thấy niềm tự hào của chính mình một thời, thông qua các ca khúc. Bạn thử nghĩ xem, càng ngày, những người dám sống một cách tự hào; những điều để tự hào và trân trọng điều mà cả dân tộc cần phải tự hào càng ít đi. Hay nói đúng hơn, cơ hội và điều kiện để họ thể hiện được điều đó không nhiều...

* GĐTH được chờ đợi như cuộc chuyên chở những giá trị tinh thần mang tính “điểm tựa” của đất nước, từ thế hệ cha ông đến những người trẻ hôm nay; kiểm kê lại những ca khúc kinh điển, được xem là báu vật và niềm tự hào của nền âm nhạc. Nhưng thực tế trong hai số đầu tiên, đã có những tác phẩm bị đưa ra mổ xẻ và nhìn nhận lại, đã có những chuẩn mực (về cả âm nhạc và lý tưởng đời sống) bị lật ngược như một thứ đã lỗi thời, không còn vai trò trong đời sống tinh thần đương đại. Như vậy, ở một khía cạnh nào đó, chương trình có đang dẫn đến “phản ứng phụ” là phủ nhận những giá trị tự hào?

- “Vật nào để chỗ đó”, nhất là khi ca khúc cách mạng - tuyên truyền đó đã làm xong phận sự của mình, hãy để cho nó được lấp lánh trong khung huy chương, danh hiệu; hãy để cho nó được sống cùng với những ký ức đẹp đẽ của những thế hệ đã gắn bó với nó. Nhưng nếu các vấn đề của ca khúc đó đặt ra vẫn còn có tính thời đại, vẫn còn có những hiện thực cần phải tìm kiếm câu trả lời... thì tại sao chúng ta không mạnh dạn đối thoại với xã hội, với ngay chính ngày hôm nay mà chúng ta đang là người phải chịu trách nhiệm? Thủ pháp của chúng tôi không phải là “ý tại ngôn ngoại” mà là” ôn cố tri tân”... nhắc chuyện xưa để nói chuyện nay. Tôi nghĩ, nghệ thuật có một sự sòng phẳng của riêng nó với đời sống, không có lực lượng nào, kể cả “siêu hình” có thể sắp đặt được chuyện này, ngoài chính nghệ thuật.

Phan Huyen Thu: Nhung dieu de tu hao ngay cang it di

* Chị từng nói về một thúc giục khiến mình nhận lời làm GĐTH, “đất nước đã thống nhất 40 năm, nhưng rất nhiều thứ, trong đó có cảm quan văn hóa-xã hội-thẩm mỹ… thì dường như chúng ta vẫn đang đi tìm nhau, chưa thống nhất”. Tôi lại thấy ở thời bình này, trong xã hội đương đại này - lòng người mới dễ thất lạc nhau, niềm tin và các chuẩn mực càng mong manh hơn. Kỳ vọng GĐTH sẽ tạo ra được sự gắn kết, đồng cảm về những giá trị nền tảng và thẩm mỹ phổ quát - chị có nghĩ đích đến ấy là hoang đường?

- Đối với tôi, mọi sự đều khả thể trong nghệ thuật, nhưng với đời sống thì không nên dùng nghệ thuật để ép buộc cảm quan của xã hội. Thực ra, đấy chính là bản chất của các dòng nghệ thuật cổ động và tuyên truyền... Và cái giá phải trả của nó là như chúng ta đã cảm nhận rất rõ: ngay cả khi thống nhất về lãnh thổ, thể chế và kinh tế... gần 40 năm qua, thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, hay nói thẳng ra là đặc trưng văn hóa các vùng miền trên lãnh thổ của chúng ta còn đang loay hoay đi tìm nhau trong màn sương khói của ký ức và sự lai căng của đương đại....

Chính thẩm mỹ, cảm quan của xã hội với việc thưởng thức nghệ thuật mới là sự chuyển động của văn hóa. Thật đau lòng là lâu nay, chúng ta chỉ lo mưu sinh, lo dân giàu nước mạnh, lo dẫn đầu và hội nhập, lo thoát nghèo... nhưng chúng ta sẽ thoát nghèo thế nào, sẽ hội nhập thế nào nếu không có văn hóa? Một sự nhạy cảm bên trong con người tôi đang mách bảo cho tôi rằng, lúc này chính là lúc con người ta dễ đi tìm lại sức mạnh cộng đồng, sự gắn kết trong xã hội và dễ bị lay động khi nghĩ về quá khứ hoặc tri ân những hy sinh thầm lặng và vô danh của thế hệ đi trước. Tại sao lại như vậy? Nếu bạn đã từng được nghe một lời hứa, bạn đã tin điều đó, bạn kiên nhẫn chờ đợi... Rồi một ngày, bạn thấy nghi ngờ chính cả sự chờ đợi của mình, bạn thất vọng vì chính sự ngộ nhận của mình... đó là lúc con người ta phải quyết liệt đi tìm lại chính mình nếu không muốn sống một cuộc đời tăm tối.

* Tinh thần phản biện trong phần bình luận của hai hội đồng khách mời được hứa hẹn như “chìa khóa” để GĐTH là chương trình hấp dẫn và có nhiều chuyện đáng xem. Nhưng ngay sau số đầu, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh đã bị dư luận “ném đá” vì phần bình luận phủ định tác phẩm kinh điển Tôi là người thợ lò (anh cho rằng đây chỉ là một bài hát cổ động, có giá trị nhất thời). Như vậy, nghĩ mở nói thẳng cũng đâu dễ mà gây phong trào?

- Không, chúng tôi rất sợ từ “phong trào” trong chương trình này, vì điều thực sự chúng tôi cần ở đây là những phong cách. Điều chúng tôi cần là những chính kiến và nó xuất phát từ những suy nghĩ nghiêm túc, có trách nhiệm với phát ngôn của mình và hơn thế nữa là có hành động đóng góp cho xã hội. Phản biện cũng là một động thái tích cực để thúc đẩy sự phát triển đấy chứ? Tất nhiên là với một bề dày truyền thống, việc quen được nghe những lời khen xoa đầu ve vuốt từ trên xuống, tâng bốc từ dưới lên đã khiến chúng ta mất dần phản xạ đối thoại một cách trách nhiệm và tôn trọng lẫn nhau!

* “Truyền thống phải luôn luôn được bổ sung, đó là cách để chúng ta không lãng quên quá khứ” (nhà báo Hữu Thọ, thành viên của HĐ BL lớn tuổi); “Bài hát để chúng ta thương yêu nhau hơn” (nhà văn Trang Hạ, HĐ BL trẻ) - họ đã nói về GĐTH như thế. Còn chị, đã nhận được cảm hứng gì khi thực hiện GĐTH?

- Tôi suy nghĩ đơn giản thôi. Tham gia một số mạng xã hội, tôi mới thấy nhu cầu được bày tỏ chính kiến, được đối thoại một cách trách nhiệm trong xã hội ngày càng lớn. Và đó là nhu cầu chính đáng trong quá trình thiết lập dân chủ. Việc chúng tôi xây dựng một chương trình tôn vinh các ca khúc đã trở thành tài sản vô giá, những niềm tự hào của âm nhạc Việt Nam chỉ là một lý do rất “có thẩm mỹ” để chúng ta có thể đối thoại và bày tỏ quan điểm của mình một cách trách nhiệm với những vấn đề của xã hội, thông qua góc nhìn của những đại diện cho hai lực lượng chính trong xã hội hiện nay là người lớn tuổi và thanh niên đã trưởng thành.

Quan điểm của tôi là: Phải đối thoại thì mới có đồng thuận. Đối thoại thì mới tránh được xung đột... và quan trọng nhất là để hiểu nhau, tìm kiếm tiếng nói chung... Điều này cần thiết trong mọi lĩnh vực, không riêng gì nghệ thuật.

* Cảm ơn chị về cuộc trao đổi.

 Quỳnh Hương (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI