Độc giả ấy không xin chữ ký mà gửi tặng Phan Hồn Nhiên một… hộp bánh ngọt, vì “em rất hâm mộ chị nhưng không biết gửi tặng gì hơn”. Món quà nhỏ nhưng đủ để người cầm bút ấm lòng, bởi sự chân thật và lòng mến mộ. Có độc giả vượt hàng cây số để đến nghe Phan Hồn Nhiên nói chuyện về văn học kỳ ảo. Cuộc trò chuyện giữa nhà văn và độc giả được nối dài bằng văn chương, kỳ vọng và cả niềm tin, đam mê truyền thế hệ.
Phan Hồn Nhiên không có nhiều buổi giao lưu với độc giả như thế, chị cũng không có tài khoản nào trên mạng xã hội. Sự kết nối chỉ thông qua tác phẩm nhưng tình cảm độc giả dành cho nhà văn nữ là sự tin cậy, trân trọng giá trị. Từng xuất bản nhiều đầu sách: Dốc mưa, Cánh trái, Công ty, Mắt bão, The Joker… khi ra mắt truyện dài fantasy đầu tiên Những đôi mắt lạnh (NXB Kim Đồng), Phan Hồn Nhiên rất ngạc nhiên vì sự đón nhận của độc giả.
Đến hai tác phẩm sau trong bộ ba fantasy Chuỗi hạt Azoth, Xuyên thấm và mới đây nhất là Máu hiếm, tác phẩm thuộc thể loại sci-fi (khoa học viễn tưởng), sự đón nhận ấy đã trở thành làn sóng hâm mộ dành cho một tên tuổi hiếm hoi lựa chọn và theo đuổi thể loại văn học kỳ ảo còn khá mới ở Việt Nam.
Năm 2011, Phan Hồn Nhiên là nữ nhà văn Việt Nam duy nhất được mời tham gia Chương trình viết văn quốc tế tại Trường Đại học Iowa (Mỹ). Hiện chị là biên tập viên Báo Sinh viên Việt Nam.
* Chị đã có rất nhiều tác phẩm hay, nhưng chuyển sang thể loại fantasy - văn học kỳ ảo, có vẻ như đó mới là địa hạt phát huy mạnh mẽ thế mạnh của chị với văn chương.
- Trong suy nghĩ của tôi, viết văn là một cuộc rèn luyện bền sức. Trong từng giai đoạn, tôi tự đặt ra yêu cầu cần hoàn thiện để phục vụ cho công việc viết. Đầu năm 2008, tôi muốn thể nghiệm một thể loại mới, có các yêu cầu kỹ thuật riêng biệt, đồng thời có thể kết hợp với mỹ thuật là lĩnh vực mà tôi yêu thích.
Tôi bắt tay vào bộ ba fantasy gồm Những đôi mắt lạnh, Chuỗi hạt Azoth, Xuyên thấm. Đồng hành cùng tôi là họa sĩ Phan Vũ Linh, lúc ấy đang học chuyên sâu digital art ở Hoa Kỳ. Dòng tranh fantasy cũng là sở trường của anh. Kỹ thuật viết hiện đại, phương pháp làm việc mới, đề tài khác lạ, có bạn đồng hành giỏi, tất cả những yếu tố đó giúp tôi duy trì sức bền với thể loại fantasy trong vòng ba năm, hoàn thiện bộ ba tác phẩm như đúng mục tiêu chúng tôi đề ra.
* “Kỹ thuật viết hiện đại” - cụ thể là gì, theo ý chị?
- Fantasy như một khúc xạ của thế giới thực. Nó là một thế giới phi lý, phi hiện thực nhưng phải làm sao để độc giả tin. Trong tác phẩm fantasy, có hai thế giới cùng tồn tại. Người viết cao tay có thể tạo ra cùng lúc ba thế giới. Mỗi câu chuyện có cơ chế vận hành riêng, nhân vật di chuyển từ thế giới thật sang thế giới ảo không bị đối nghịch.
Fantasy là một thể loại có thể rèn kỹ năng viết, mở ra thế giới bay bổng, thỏa sức tưởng tượng và rèn được tính kỷ luật cao. Nhưng cũng rất khó để xây dựng một cốt truyện, người viết phải hình dung mình sẽ sử dụng hệ thống tín hiệu như thế nào, cài cắm ra sao để người đọc có thể đi theo một cách lôi cuốn. Luôn cần xây dựng một cấu trúc và phải viết có kỹ thuật chứ không đơn giản muốn viết là viết.
* Cũng có ý kiến cho rằng, để có được điều này chỉ cần trí tưởng tượng sẽ quyết định thành công của tác phẩm?
- Trí tưởng tượng là cánh cửa mở ra ngôi nhà để bạn bước vào. Ngôi nhà đó như một mê cung, bạn phải biết cách để không bị lạc lối. Phải tiếp tục xây dựng cơ sở, chất liệu dựa trên một hệ thống mê cung khác để đưa độc giả cùng bước vào. Nếu chỉ dựa vào trí tưởng tượng sẽ không có độ sâu nhất định. Văn học kỳ ảo cũng như phim vậy, đọc phải cuốn hút, nếu không sẽ là thất bại. Thông điệp nhân văn được thể hiện trong lời nói, tình tiết ứng xử, suy ngẫm của nhân vật.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên - người nói rất ít nhưng… viết rất nhiều;
ít xuất hiện trước công chúng nhưng có lực lượng độc giả hâm mộ vô cùng hùng hậu
* Chị nói rất nhiều về kỹ thuật xây dựng những câu chuyện kỳ ảo. Nhưng nếu lệ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật, liệu chúng ta có bỏ quên một miền cảm hứng nào đó cho nhân vật?
- Trong sáng tạo văn chương, không riêng bất kỳ dòng nào, thiếu vắng cảm hứng sẽ không có mở đầu và càng không thể đi đến điểm kết cho tác phẩm. Các dòng văn học khác có thể chỉ cần cảm hứng, ứng biến tự do, nhưng với fantasy, chắc chắn người viết phải nắm thêm một số quy tắc nhất định. Biến hóa các quy tắc ấy thế nào tùy thuộc vào khả năng của từng cá nhân.
* Viết văn là một công việc đặc biệt, đòi hỏi cảm xúc. Còn chị đã ép mình vào khuôn khổ “phải thực hiện được mục tiêu”. Đây gọi là đòi hỏi cao ở bản thân hay là… tự làm khổ mình của người viết?
- Với những người mới bắt đầu viết, cảm xúc có thể là điều kiện tiên quyết. Nhưng với một nhà văn chuyên nghiệp, rất nhiều yếu tố khác quan trọng hơn mà họ phải theo đuổi. Nếu xem sáng tác là một nghệ thuật mang tính khoa học, người viết phải liên tục đặt ra các yêu cầu cao hơn cho chính mình. Chỉ cần nhìn ra thế giới, với các chuyển động đa dạng đa chiều của văn chương hiện đại, bất kỳ ai đang theo đuổi công việc sáng tác cũng tự biết mình phải nỗ lực nhiều đến mức nào. Thôi thúc trong tôi không phải là hoàn thiện tác phẩm mà chính là hoàn thành những mục tiêu mình đã đề ra.
* Chị từng nói “văn chương có sự kiêu hãnh và độc lập của nó”. Đây là sự kiêu hãnh trong cô đơn của người viết hay sự cô đơn làm nên giá trị kiêu hãnh cho tác phẩm?
- Đó là sự kiêu hãnh của chính tác phẩm. Rất không hay nếu ai đó xem tác phẩm văn học là vật phẩm giải trí, đánh giá bằng các tiêu chí thương mại thuần túy như số lượng bản in, khả năng bán chạy... Một tác phẩm nghiêm túc sẽ tồn tại độc lập, đứng ngoài sự chi phối của các tiêu chí kể trên. Văn chương cao hơn mục tiêu giải trí. Người viết có những mục tiêu mà độc giả không thể chia sẻ.
Những tác phẩm được yêu thích của Phan Hồn Nhiên
* Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần quan niệm “chỉ viết những gì mình thích”. Còn với Phan Hồn Nhiên thì sao?
- Một số thể loại thoạt đầu tôi không hề thích, nhưng vẫn tập trung tìm hiểu và thực hiện, vì biết sẽ hữu ích cho sự phát triển nghề nghiệp. Trong quá trình làm, tìm tòi, thử nghiệm, sự yêu thích mới hiện ra. Fantasy với tôi chính là trường hợp này. Đến giờ nghĩ lại, tôi và họa sĩ Phan Vũ Linh vẫn rất hài lòng khi góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho thể loại này ở Việt Nam và được độc giả trẻ quan tâm, bên cạnh những tác phẩm fantasy khác của thế giới.
* Fantasy thế giới phổ biến và có giá trị thương mại nhờ cộng hưởng giữa văn học và điện ảnh. Còn fantasy Việt, chị có kỳ vọng lạc quan về sự cộng hưởng này trong tương lai và một thế hệ tiếp nối?
- Nhìn rộng hơn, bên cạnh văn chương fantasy còn có hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh, âm nhạc, games mang yếu tố fantasy. Các lĩnh vực này tương tác, kết hợp, tạo nên dòng chảy văn hóa đương đại. Dấu ấn rõ nét nhất là trong lĩnh vực điện ảnh. Nghệ thuật fantasy ở Việt Nam đang đi những bước đầu tiên, sẽ thuận lợi vì các thế hệ 9X và sau đó tiếp xúc với văn hóa fantasy rất tự nhiên, thông qua games, phim ảnh, sách vở. Nhưng để nói về một nền văn học fantasy Việt, có lẽ chúng ta phải… chờ thêm một thời gian nữa.
* Sống trong thế giới kỳ ảo cùng những nhân vật tưởng tượng khá lâu, sự nhập tâm này có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chị trong chừng ấy năm?
- Thế giới fantasy, suy cho cùng, chính là hiện thực cuộc sống được khúc xạ và vận hành theo một số quy ước do chính tác giả cài đặt. Do đặc trưng thể loại, viết fantasy cần một tư duy chặt chẽ, luôn phải kiểm soát và cân nhắc chứ không phóng túng tự do như bên ngoài hình dung. Nhìn chung, nếu có gì đó ở lại với tôi sau ba năm tập trung cho thể loại này, thì đó là kỷ luật làm việc và khả năng hợp tác với một ai khác ngoài chính mình. Những điều này giúp ích cho tôi khá nhiều trong các bước đi về sau.
* Có người nói “Phan Hồn Nhiên cứ ẩn mình trong đám đông” và... nói rất ít với công chúng. Vậy ngoài những trang viết, chị đã trải lòng được ở đâu?
- Người sáng tác, bất kỳ lĩnh vực nào, cũng có may mắn là được phép bày tỏ mối quan tâm, suy nghĩ, thậm chí cả con người và cá tính thông qua tác phẩm. Viết xong là nói xong. Luôn có ít nhất một ai đó hiểu tác phẩm của bạn, thậm chí hiểu sâu hơn chính bạn. Vì vậy mọi bày tỏ, giải thích thêm bớt cho tác phẩm và cho bản thân đều không cần thiết.
Về cá nhân, điều kiện sống và môi trường làm việc của tôi khá tốt, không có gì để phàn nàn.
* Xin cảm ơn chị!
TIỂU QUYÊN