Phản hồi bài 'Nỗi khiếp sợ mang tên lớp trưởng'

23/07/2015 - 08:36

PNO - PN - Sau bài viết Nỗi khiếp sợ mang tên “lớp trưởng” trên báo Phụ Nữ ngày 20/7, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến quanh vấn đề này.

Tất cả cùng… khổ!

Lớp trưởng (LT) sướng hay khổ? Chúng ta hay nghĩ làm LT thì oai lắm. Trẻ phấn đấu làm LT, cha mẹ mong muốn con được làm LT. Mục tiêu thì rất đẹp. Làm LT để con tự tin, mạnh dạn, con nỗ lực học tập để làm gương cho các bạn... Nhưng sự thực có phải em LT nào cũng đạt được mục tiêu đó? Có những em làm LT một thời gian sẽ bị bạn ghét, xa lánh vì tỏ ra "quyền lực" quá, quát nạt các bạn, ghi lỗi, mách lỗi... với cô. Có em thì bất lực vì mình nói các bạn không nghe. Có em làm lâu mắc “bệnh lãnh đạo”, ở đâu, với ai cũng nghĩ mình là trung tâm, nói gì người khác cũng phải theo. Có em bị áp lực phải gương mẫu, phải giỏi nhất lớp nên dễ suy sụp, buồn chán mỗi khi bị điểm kém hơn bạn khác...

Phụ huynh khổ theo. Thực tế ở nhiều lớp, nhiều trường hiện nay, LT thường được giao cho những bạn có gia đình khá giả, biết “quan tâm” đến thầy cô, có đóng góp cho trường... Vì vậy, khi con được làm LT thì cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ có trách nhiệm lo nhiều hơn cho quỹ lớp, quỹ trường. Đây cũng là một áp lực về tiền bạc. Nếu con mình làm LT mà đạt được mục tiêu như cha mẹ mong muốn thì cha mẹ thấy bõ công đầu tư, nhưng nếu con là một trong các trường hợp “khổ” nêu trên thì cha mẹ cũng “méo mặt” xin cho con thôi chức, hoặc người sính danh thì lại la mắng, gây áp lực… bắt con phải làm LT cho bằng được. Hậu quả là trẻ càng khổ tâm hơn và bị ảnh hưởng bởi những tác hại xấu mà chức LT vô tình gây ra như ham quyền lực, quá đề cao cái tôi của mình, ưa mách lẻo, không biết bao dung và yêu thương bạn bè...

Giáo viên cũng… đau đầu. Giáo viên không dễ chọn được một em có khả năng quản lý lớp, biết nói cho các bạn nghe lời, nhất là khi vắng thầy cô. Hơn nữa, giáo viên còn phải ưu tiên con “phụ huynh VIP” để có thêm nguồn tài trợ cho trường, cho lớp. Lớp càng nhiều “phụ huynh VIP” và nhiều người muốn con làm LT thì giáo viên càng đau đầu. Khi các em này làm LT, nếu mọi việc không thuận lợi, các bạn không nghe lời LT hay LT quá “ra vẻ quyền uy” cũng khiến giáo viên phải xử lý những tình huống mâu thuẫn giữa các em. Giáo viên tiểu học đã quá vất vả vì sổ sách, bài vở nhận xét cho học sinh nên việc đòi hỏi giáo viên nỗ lực hướng dẫn, theo sát LT để LT thực sự phát huy vai trò “nhà quản lý”, đạt được mục tiêu giáo dục là rất khó khả thi.

Th.S Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện hành chính cơ sở TP.HCM)

Lớp tôi “vô tổ chức”

Năm tôi học lớp 1, tiêu chuẩn đầu tiên để được cô giáo chọn làm LT là nhìn mặt mũi phải sáng sủa, có sức vóc vượt trội, quan trọng nhất phải có giọng nói to át giọng tất cả những đứa khác và biết mách cô giáo tất cả những chuyện các bạn khác làm sai. LT của tôi năm lớp 1 đúng là mẫu như thế: to khỏe, “gấu” và lúc nào cũng sẵn sàng “cô ơi, bạn A làm cái này, cô ơi bạn B làm cái kia”.

Phải công nhận, nhờ có sự to khỏe và “gấu” đó, “tình hình trị an” của cái lớp 1 gồm 35 thần dân ấy rất “yên bình”. Đặc biệt, nhờ có “thượng phương bảo kiếm” (cây thước kẻ) cô giáo trao cho, mọi chuyện cứ gọi là đâu ra đó. Xếp hàng vào lớp, LT vác “kiếm” đi dọc theo hàng, bạn nào không nhanh chóng vào hàng sẽ lĩnh ngay một nhát vào mông. Vào lớp, bạn nào ồn ào, LT ngồi bàn đầu quay xuống lừ mắt một phát thì liệu mà im miệng, nếu không, giờ ra chơi thế nào cũng bị LT xách tai…

Năm lớp 2, LT cũ vẫn tiếp tục làm LT - do cô giáo chủ nhiệm cũ giới thiệu với cô giáo chủ nhiệm mới. Tuy nhiên, một số thần dân trong lớp đã tìm ra một vũ khí mới để giúp cho tình hình dễ thở hơn: hối lộ. LT được chia sẻ 1/3 cây kem, được tặng vài viên bi thủy tinh, được biếu một khúc bánh mì patê thơm phức, được chép bài giùm…

Đến giữa năm lớp 3, một “biến cố” xuất hiện, một thành viên từ nơi khác chuyển đến. Thành viên mới này to con không kém gì LT, cũng khá “gấu”. Trong lớp bắt đầu hình thành phe nổi loạn, chống lại mọi mệnh lệnh của LT. Đỉnh điểm là vào kỳ thi cuối năm học lớp 3. LT vốn học không tốt lắm, bắt buộc một số thành viên phải cho coi bài khi thi. Thủ lĩnh phe nổi dậy thì học giỏi hơn nên xúi các bạn khác không chấp nhận yêu cầu của LT.

Năm lớp 4, lớp tôi thay đổi giáo viên chủ nhiệm. Buổi học đầu tiên, thầy giáo không dạy bài gì cả mà chỉ cho cả lớp hát hò vui chơi rồi sau đó thầy hỏi han từng đứa một về tình hình học tập, ước muốn khi lớn lên, và bảo cả lớp kể lại cho thầy nghe vì sao có cuộc “nổi dậy” cuối năm lớp 3.

Sau một buổi ngồi nghe cả lớp bày tỏ, thầy nhẹ nhàng thông báo: “Năm học này lớp chúng ta sẽ không có LT. Các con thấy đó, làm LT là một công việc quá nguy hiểm: có thể bị các bạn ghét, có thể bị đe dọa phải đánh lộn, có thể ảnh hưởng đến việc học tập… Vì vậy, thầy không muốn một bạn nào phải chịu sự nguy hiểm đó cả. Các con sẽ luân phiên nhau, mỗi bạn làm LT một ngày để hiểu được làm LT là thế nào”.

Cả đám chúng tôi vừa ngạc nhiên, vừa háo hức với phương án “LT một ngày” của thầy giáo. Chuyện làm LT được thực hiện theo thứ tự A, B, C trong danh sách. Công việc của lớp ngày nào, LT ngày đó phải giải quyết trọn vẹn. Tháng đầu, thầy hỗ trợ từng đứa một làm LT cho quen việc, sau đó, thầy dần ít can thiệp vào công việc.

Cuối mỗi đợt, thầy cho cả lớp bình bầu nhận xét xem bạn nào làm tốt, bạn nào làm chưa tốt vai trò LT. Năm bạn làm tốt nhất được thầy thưởng vé đi xem phim ở rạp kèm ly nước mía. Điều hay nhất của thầy - mãi sau này bọn mình mới nhận ra - là trong suốt năm học đó, đứa nào cũng có được ít nhất một lần nhận vé xem phim và ly nước mía phần thưởng.

Suốt hai năm học lớp 4, lớp 5 đó, lớp của tôi là một lớp đặc biệt nhất trường khi trong lớp không hề có một hình thức tổ chức LT, lớp phó gì. “Lớp vô tổ chức” vậy mà mọi chuyện lại vận hành trôi chảy. Đặc biệt hơn cả, hình như suốt năm lớp 5, giờ sinh hoạt cuối tuần luôn là khoảng thời gian chúng tôi thích thú mong chờ. Không còn cảnh bạn này bị la, bạn kia bị phê bình..., giờ đó thầy trò cùng nhau hát, chơi trò chơi và tổ chức các cuộc thi nho nhỏ giữa các nhóm trong lớp về khéo tay, văn nghệ, kiến thức, trò chơi vận động…

Điều cốt lõi nhất, sau này trưởng thành, tôi nhận ra rằng, trẻ con chỉ thật sự là chủ thể của lớp học khi các em thấy được trách nhiệm cá nhân của mình trong đó.

 Phú Thi (TP.Cần Thơ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI