Điểm số không phản ánh khả năng Người Á Đông thường có thói quen nhìn vào thành tích học tập để tiên đoán tương lai của trẻ. Cũng như hầu hết những người cùng thế hệ với mình, tôi cũng từng tin rằng một đứa trẻ học giỏi, nhất là giỏi toán, giỏi văn sẽ có tương lai nghề nghiệp tốt đẹp, còn đứa trẻ học kém sẽ hứng chịu tương lai ảm đạm.
Đứa con học kém thường bị gia đình chì chiết, chê bai, thậm chí bị mắng mỏ là “nỗi nhục của gia đình”, “đứa vô dụng”... Kiểu cư xử này khiến những đứa trẻ chẳng may có điểm xấu trong học tập nảy sinh hai thái độ: hoặc phải bằng mọi giá cải thiện điểm số, hoặc là mặc kệ, buông xuôi, chấp nhận là người thất bại suốt đời. Nếu đứa trẻ cải thiện điểm số bằng cách nỗ lực học tập là điều đáng mừng, còn nếu tìm cách xin điểm hay gian lận khi làm bài kiểm tra, thi cử thì vô tình cha mẹ đã ép con thành người thiếu lương thiện.
Đứa trẻ lớn lên sẽ sống theo “phương châm” chạy theo thành tích bằng mọi giá, kể cả phải phạm pháp hay vi phạm quy tắc đạo đức. Còn đứa trẻ sống với tâm lý của người thất bại thì suốt đời sẽ là người thất bại.
Khoa học đã tìm được cách lý giải về hiện tượng học giỏi - học dở. IQ (chỉ số thông minh) không phải là nhân tố quyết định một người học giỏi. Nhiều người có chỉ số IQ cao nhưng EQ (chỉ số cảm xúc) thấp hoặc chỉ số AQ (chỉ số vượt khó) thấp, cũng khó thành đạt. Có người dù IQ không nổi trội lại thành công nhờ có đam mê.
Giáo sư Ngô Bảo Châu, người được giải thưởng cao quý nhất thế giới về toán học (giải Fields) khuyên sinh viên không cần phải đi nhanh mà cần phải đi liên tục. Vậy mà, nhiều bậc cha mẹ chúng ta cứ trông con mình “về nhất” trong vài ki-lô-mét đầu tiên của cuộc thi ma-ra-tông hơn 42 cây số.
Con người ta không phải chỉ có một loại mà có bảy loại trí thông minh khác nhau là: trí khôn ngôn ngữ; trí khôn lô-gíc toán; trí khôn âm nhạc; trí khôn không gian; trí khôn cơ thể - vận động; trí khôn cá nhân hướng ngoại và trí khôn cá nhân hướng nội. Nhà trường đánh giá học lực chủ yếu dựa vào hai loại trí khôn đầu và hiển nhiên là những học sinh nào có hai loại trí khôn này phát triển tốt thì được cho là giỏi, ngược lại thì bị đánh giá kém. Hậu quả là biết bao nhân tài có các trí khôn khác phát triển tốt đã bị xem là học sinh tầm thường.
Việc đánh giá học sinh trong nhà trường hiện nay quá thiên về đánh giá hiệu quả hoạt động của bán cầu não trái, coi thường hoạt động bán cầu não phải. Chúng ta hãy xem xét chương trình học của một học sinh trung học phổ thông ở Việt Nam hiện nay. Những môn học được dành cho nhiều tiết nhất, hay được chọn làm môn thi nhất cho đến nay là những môn nào? Văn, toán, ngoại ngữ, lý, hóa, sinh, sử và địa. Khi phải học các môn trên, chúng ta đã bắt não hoạt động như thế nào?
Các môn học được chọn để thi đòi hỏi chủ yếu hoạt động của bán cầu não trái nên tất nhiên học sinh nào có bán cầu não trái chiếm ưu thế trong hoạt động tư duy sẽ dễ kiếm điểm cao, được nhà trường đánh giá cao. Bán cầu não phải chuyên xử lý hình ảnh, màu sắc, nhạc điệu, hình dạng 3D, khả năng tưởng tượng, cảm nhận bên trong sự vật và nhận biết cái trừu tượng.
Rõ ràng, các môn học thường được chọn để thi cử không mấy kích thích bán cầu não phải hoạt động. Tệ hại hơn, bán cầu não phải do bị “buộc phải ở không” nên sinh ra “nhàn cư vi bất thiện”, nó khiến học sinh vẽ nguệch ngoạc khi nghe giảng bài, lơ đãng nhìn ra ngoài lớp, thả hồn theo mây hay chọc phá bạn…
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, người không học giỏi vẫn có thể thành công trong đời. Ở trong nước hay trên thế giới, đều có rất nhiều ví dụ cho điều này. Người viết bài này không cổ xúy cho việc học dở mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng: cuộc sống luôn đầy ắp những khả năng vô hạn cả đối với người chưa bao giờ là học sinh giỏi, và ai cũng có thể huy động những năng lực tiềm tàng của mình để chinh phục những đỉnh cao, trở thành người hữu ích cho xã hội.
Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Tại sao bắt trẻ học toán trước khi học cách sống sót?
Một trong những động thái cải cách mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đưa ra thông tư 30 và mới đây là thông tư 22 (ban hành sửa đổi, bổ sung một số quy định trong đánh giá học sinh tiểu học). Đây là quy định khá quan trọng, nhưng theo tôi vẫn chưa đủ. Khó khăn không phải đến ở quy định, học sinh mà chính từ đội ngũ giáo viên.
Thực tế, nhiều giáo viên mang tư tưởng quá cũ và bảo thủ về giáo dục. Ai cũng nghĩ, đã đánh giá học sinh thì phải có tiêu chí, không thể đánh giá bằng lời mà còn phải có khoa học trong quá trình chấm điểm… Tuy nhiên, đó chỉ là kỹ thuật đánh giá chứ không mang giá trị giáo dục trong đánh giá.
Nhiều giáo viên phàn nàn vì lịch làm việc dày, quá vất vả hay khổ sở mà không nhìn thấy giá trị nhân văn dành cho học trò. Hàng triệu giáo viên trên cả nước có khi nào trả lời câu hỏi: trẻ con đi học để làm gì? Giáo viên đi dạy để làm gì? Hay thay vì mục tiêu lớn nhất là thúc đẩy trẻ tiến bộ, chúng ta chỉ xem đó như một chiếc “cần câu cơm”?
Thứ hai, phải nhìn nhận lại, giáo dục của Việt Nam không hề quá tải. Nếu so sánh với mặt bằng chung trên thế giới thì giáo dục Việt Nam thậm chí còn có thể nói là… dễ. Những chương trình học, đầu mục học của chúng ta ít hơn so với nhiều quốc gia. Vấn đề ở đây là học sinh đang phải làm quá nhiều bài tập.
Trẻ tiêu tốn thời gian vào những lớp học thêm, những bài tập khó mà thậm chí chính phụ huynh không thể làm được. Vì sao lại như vậy? Đơn giản là bởi chúng ta đang đánh giá đứa trẻ bằng điểm - một cách đánh giá định lượng nhanh nhất, đỡ vất vả nhất. Còn nếu đánh giá định tính thì giáo viên phải quan sát hàng ngày, hàng giờ mới biết được học trò của mình thay đổi như thế nào.
Bên cạnh đó, như tôi đã phân tích, giáo dục Việt Nam không những quá tải mà còn đang thiếu hụt nguyên cả những nội dung lớn. Đó chính là việc dạy trẻ kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm, giáo dục giới tính. Tính thực tế của một chương trình giáo dục chỉ có thể đến nếu chúng ta bỏ nhẹ vấn đề điểm số, bài tập. Tại sao bắt trẻ học toán trước khi chúng chưa được học cách sống sót? Tại sao bắt trẻ học lớp chuyên khi chúng bị xâm hại, không thể bảo vệ được chính mình?
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường đại học Sư Phạm Hà Nội)
Ám ảnh so sánh với “con người ta”
“Kỳ học này con ráng bốn điểm mười được không?” - vợ tôi vừa hỏi, con trai (lớp 3) căng thẳng trả lời: “Toán, văn, Anh văn con làm được, nhưng môn tin học thì khó quá”. Học kỳ II năm ngoái, các môn toán, văn, Anh văn, con tôi đạt ba điểm mười, riêng môn tin học đạt điểm 8. Điểm số như vậy nhưng vợ tôi vẫn không hài lòng, vì… con bé nhà hàng xóm học chung lớp con tôi, đạt bốn điểm mười. Rõ ràng, sự “chạy đua” của các bậc cha mẹ đã tạo áp lực không ít cho trẻ.
Thời học sinh, tôi luôn đạt điểm cao nhất nhì lớp. Gần như gặp bất kỳ ai, cha mẹ tôi đều khoe thành tích của tôi. Tốt nghiệp đại học ngành điện tử, tôi vất vả làm việc vì nhiều đồng nghiệp góp ý, “phê phán” mình thiếu linh hoạt, hạn chế kỹ năng ứng phó… Sau thời gian dài nghỉ việc, tôi mở cửa hàng sửa chữa điện thoại đi động. Cha mẹ tôi và nhiều người trong họ hàng đều lộ rõ vẻ thất vọng. Theo họ, tôi vốn học giỏi, sẽ làm “ông này bà kia”. Ai ngờ, tôi… thua xa bạn bè.
Tôi nghĩ, cuộc sống của tôi hôm nay có “dấu ấn” của cha mẹ tôi rất nhiều. Tôi mê mải học, để đạt điểm số cao cho cha mẹ vui lòng. Cha mẹ tôi cũng chỉ mong vậy và tin rằng tôi sẽ “thành đạt”. Nay, vợ tôi đòi hỏi con phải đạt điểm số cao, chẳng khác nào cha mẹ đòi hỏi tôi ngày ấy. Việc so sánh với “con người ta” khiến trẻ chịu nhiều áp lực, thậm chí như một sự ngược đãi với trẻ. Đến giờ này, gần 40 tuổi, tôi vẫn chưa thoát được ám ảnh so sánh ấy.
Nguyễn Văn Dũng (P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM)