Phân hiệu đại học tỉnh: Bán cái người học không cần

20/03/2019 - 09:35

PNO - Khi các đại học lập phân hiệu tại địa phương chắc chắn đã có nhiều luận cứ, nghiên cứu tính hiệu quả để xin phép và đầu tư không nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đã không được cân nhắc kỹ: người học muốn học ở đâu?

Cuối tháng Hai vừa qua, UBND tỉnh Bến Tre đã có buổi làm việc với Phân hiệu Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM tại tỉnh Bến Tre về việc hỗ trợ công tác đào tạo của phân hiệu trong năm 2019. Phân hiệu được thành lập tháng 7/2017 và chính thức đi vào hoạt động tháng 1/2018. Dù mang thương hiệu tốt nhưng phân hiệu tuyển sinh khá vất vả. Đây cũng là tình cảnh chung của các ĐH lớn tại TP.HCM có phân hiệu đặt tại các tỉnh như Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM…

Học sinh địa phương không mặn mà

Từ khi thành lập đến nay, Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại tỉnh Bến Tre đã đào tạo hai lớp trình độ ĐH chính quy, với 50 sinh viên; 13 lớp trình độ sau ĐH với hơn 300 học viên... Tại buổi làm việc, đa số các đại biểu đều cho rằng, công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh của Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM thời gian qua chưa thực sự có chiều sâu, phần lớn người dân chưa biết, hiểu về phân hiệu. 

Nhưng nguyên nhân tuyển sinh khó khăn có thực sự là do nhiều người chưa biết? Theo kinh nghiệm của các trường ĐH đã mở phân hiệu ở tỉnh thì nguyên nhân không hẳn như vậy.

Mười năm trước, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đã mở phân hiệu tại Gia Lai, sau đó là Ninh Thuận với mục đích hỗ trợ hai trường cao đẳng sư phạm tại hai địa phương này là Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận nâng cấp lên trường ĐH rồi giao lại cho địa phương. Tuy nhiên, con đường này không suôn sẻ.

Phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - cho biết, hai phân hiệu của trường tại Gia Lai và Ninh Thuận luôn khó khăn trong tuyển sinh. Nếu như những năm trước, hai phân hiệu này chỉ tuyển sinh tại khu vực lân cận thì năm 2018 điểm xét tuyển chỉ 15 và mở rộng vùng tuyển sinh ra cả nước vẫn tuyển không đủ.

Phan hieu dai hoc tinh: Ban cai nguoi hoc khong can
Phòng đọc Thư viện Phân hiệu Quảng Ngãi Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - Ảnh từ website trường

Theo ông Hùng, hai phân hiệu này mở ngành đào tạo theo đề nghị của địa phương để phù hợp mục tiêu đào tạo nhân lực cho địa phương. Tuy nhiên, xu hướng của đa phần học sinh sau THPT là vẫn muốn về các thành phố lớn để học, nên hai địa phương này không còn mặn mà với việc mở trường ĐH.

Ở thời điểm hiện tại, ngoài cơ sở chính tại TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chỉ còn một cơ sở tại tỉnh Thanh Hóa và phân hiệu tại tỉnh Quảng Ngãi. Trong khi cách đây 10 năm, trường còn có cơ sở ở Thái Bình, Nghệ An. Sự thu hẹp quy mô một phần là vì trường tổ chức, kiện toàn lại bộ máy, hệ thống; mặt khác, hoạt động của các phân hiệu cũng không mang lại hiệu quả.

Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhìn nhận các cơ sở hay phân hiệu từ trước đến nay đều không hoạt động hiệu quả. Vì lẽ đó, cơ sở tại Thanh Hóa trường tổ chức lại chỉ để đào tạo từ cao đẳng trở xuống, cơ sở Thái Bình và Nghệ An chuyển giao cho địa phương. Phân hiệu tại Quảng Ngãi cũng chưa hiệu quả nhưng đang tiếp tục được đầu tư để phát triển.

Đồng tiền liền khúc ruột

Trên lý thuyết, phân hiệu sẽ phát huy thế mạnh của cơ sở chính đối với hoạt động đào tạo tại các cơ sở, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương cách xa TP.HCM; đồng thời góp phần không nhỏ vào sự công bằng và bình đẳng về thụ hưởng giáo dục ĐH cho người học.

Với mục đích tốt đẹp như vậy, nguồn lực đầu tư cho phân hiệu không hề nhỏ, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, giảng viên… Thậm chí đã có nhiều nghiên cứu khoa học cấp tiến sĩ về việc quản lý hiệu quả các phân hiệu ĐH. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đã không được cân nhắc: người học muốn học ở đâu?

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - cho biết, có thời, hàng loạt trường ĐH mở phân hiệu tại các tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu học tại chỗ của học sinh nhưng không mang lại hiệu quả do người học vẫn có xu hướng học ở những thành phố lớn. 

Theo ông Dũng, nguồn cung về chỗ học ngày càng nhiều trong khi số lượng người học ngày càng giảm nên người học có nhiều lựa chọn và dĩ nhiên, ai cũng có nhu cầu học ở những cơ sở giáo dục ĐH có điều kiện tốt nhất. Ngay một trường ĐH, cơ sở chính vẫn có điều kiện tốt hơn các phân hiệu. Vì vậy, xu hướng sắp tới, phân hiệu chỉ đào tạo từ bậc cao đẳng trở xuống và là vệ tinh đào tạo giai đoạn đầu của bậc ĐH.

Tại cuộc họp đầu năm 2019, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong - cho biết, mỗi năm, thành phố giải quyết trên 300.000 việc làm, tạo thêm 135.000 việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%. Số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường ĐH, cao đẳng đạt hơn 72%. 

Có thể nói, ít có địa phương nào có thị trường lao động sôi động như TP.HCM. Và người học, một khi đã bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để đầu tư vào tương lai thì sẽ chọn nơi có nhiều cơ hội để phát triển khi còn đang học cũng như sau khi ra trường. Trong lúc đó, các trường vẫn loay hoay tìm giải pháp “đầu vào” cho phân hiệu thì chẳng khác nào kéo dài sự lãng phí cơ sở vật chất, trang thiết bị đã đầu tư. 

Khánh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI