Phan Hết Gas Hết Số và những cái tên ra đời trên... bàn nhậu

11/09/2019 - 15:57

PNO - Từ cái tên Phan Hết Gas Hết Số gây xôn xao cộng đồng mạng những ngày qua, tôi nhớ đến những cái tên ra đời trên bàn nhậu hay những cái tên giúp bố mẹ khẳng định chủ quyền đất đai.

Những ngày qua, trên mạng râm rang bàn tàn về cái tên “Phan Hết Gas Hết Số” của một cháu bé tám tháng tuổi. Chia sẻ với báo chí, anh Phan Quốc Huy (ngụ xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, An Giang), cha của cháu bé cho biết, anh có niềm đam mê tốc độ nên đặt tên cho con từ những kỷ niệm nhớ khi chạy xe. Tuy cái tên nghe lạ tai và khiến nhiều người bật cười nhưng theo anh Huy, anh mong muốn qua cái tên, con anh khi lớn lên sẽ mạnh mẽ, quyết đoán trong cuộc sống.

Phan Het Gas Het So va nhung cai ten ra doi tren... ban nhau
Cái tên “Phan Hết Gas Hết Số” gây xôn xao cộng đồng mạng những ngày qua

Chuyện ông bố đặt tên con theo niềm đam mê khiến tôi nhớ lại những cái tên nghe rất lạ tai khác. Những cái tên đó ra đời ngay trên bàn nhậu.

Một ngày mưa của 21 năm về trước, dân phụ hồ quê tôi thất nghiệp nên cánh đàn ông í ới nhau lập bàn nhậu. Về chiều, cuộc nhậu rã đám khi có tiếng la thất thanh từ phía bên kia hàng rào. Chú Công đứng dậy, lao đi giữa cơn mưa xối xả, đám bạn nhậu chạy theo. Hôm đó, vợ chú trở dạ sinh con.

Mấy ông bợm nhậu người khiêng, người che đưa cô Cúc - vợ chú công  đi trạm xá sinh con. Cô Cúc vượt cạn rất nhanh, đến nỗi ông chồng chưa  kịp tỉnh rượu. Đang cơn ngà ngà say, chú Công hỏi bạn nhậu: “Hồi trưa giờ mình uống mấy lít rượu”. Một ông nhẩm đếm: “6 chai nhựa là ba lít”.

Chú Công gật gù rồi chốt: “Vậy tui đặt tên cho con bé là Bích La”.

Nhiều người trố mắt nhìn, ông bố giải thích: “Bích La là ba lít. Chẳng phải nó là đời sau khi tôi đã uống ba lít rượu là gì”.

Ai có mặt ở trạm xá hôm đó đều bật cười, tưởng hôm sau tỉnh rượu ông sẽ nghĩ lại. Ai dè cái tên ra đời sau cuộc nhậu đó đeo đuổi con bé suốt 21 năm nay. Nhiều khi người ta bảo vui, may mà hôm đó ông Công uống ba lít chứ uống bốn lít thì... khổ thân con bé.

Phan Het Gas Het So va nhung cai ten ra doi tren... ban nhau
Có rất nhiều cái tên lạ gây cười cho người đọc, người nghe

Có lần người viết đi hội trại ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Toàn hội trại có hơn 200 người nhưng ai cũng chú ý đến cái tên “Lê La Ít Ly”. Tôi tò mò theo hỏi, cô gái mới tiết lộ rằng cái tên mình ra đời ngay trên bàn nhậu, trước ngày đầy tháng.

Bố của cô gái giải thích rằng, đặt tên như vậy cũng là để... cảnh báo dân nhậu. Ít ly đọc láy lại sẽ là y lít. Nhiều khi dân nhậu hay rủ chơi “vào đây uống ít ly” nhưng lê la một hồi sẽ hết cả lít rượu.

Chẳng biết cái tên này có “cảnh báo” giúp ông bố ít nhậu đi hay không nhưng nó khiến cô gái đi đâu cũng được chú ý. Cô cho đó là niềm vui, trừ những lúc bị cô giáo bắt lên bảng dò bài nhiều vì có cái tên lạ.

Ở quê tôi, có người còn đặt tên con với mục đích “khẳng định chủ quyền”. Hai nhà hàng xóm, xài chung một cái giếng từ đời này qua đời nọ. Bỗng một ngày xảy ra tranh chấp, ai cũng đòi cái giếng đó là của mình.

Chính quyền vào cuộc đo đạc đất, phân xử cái giếng là của ông A. vì nằm trên đất của ông này. Ông B. mất giếng, đẻ đứa con đầu đặt tên là Giáo, đứa kế tên là Tiên. Nhiều người trong xóm cho rằng ông đặt tên vậy là để “khẳng định chủ quyền” vì Giáo Tiên đọc láy lại là “giếng tao”.

Phan Het Gas Het So va nhung cai ten ra doi tren... ban nhau
Đồng Hồ Thụy Sĩ là một cái tên từng "chiếm sóng" trên mạng

Tôi từng nghe được những cái tên rất lạ như: Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi là tên của một thanh niên sinh năm 1987 ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam hay những người có tên là Hận Đời, Hận Tình. Có lẽ những cái tên đó chất chứa cả tâm trạng, hoàn cảnh của người đặt tên. Vậy, có phải muốn đặt tên con mình thế nào thì đặt ?

Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015 quy định họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong tờ khai đăng ký khai sinh. Còn theo khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015, việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

Theo quy định trên thì cái tên Phan Hết Gas Hết Số chắc chắn sẽ không được vào giấy khai sinh. Tuy nhiên, những cái tên Hận Đời, Hận Tình hay Lê La Ít Ly vẫn được ra đời.

Có điều, khi “hạ bút” đặt tên cho con chúng ta hãy nghĩ về tương lai của đứa trẻ. Bởi, cái tên là thứ sẽ theo con người ta suốt cả cuộc đời.

Ngân Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI