Phận đời, vận mệnh dân tộc trong 'Sao tháng Tám'

03/09/2023 - 17:46

PNO - Tác phẩm do Nghệ sĩ nhân dân Trần Đắc đạo diễn đến nay vẫn được xem là kinh điển, đồng thời là một cuốn phim đáng xem mỗi dịp lễ 2/9.

Ra mắt năm 1976 ở Hà Nội, bộ phim do Nghệ sĩ nhân dân Trần Đắc đạo diễn đến nay vẫn giữ nguyên vị thế tượng đài trong dòng phim cách mạng. Sao tháng Tám được ngợi ca nhờ phản ánh chân thực nhất những ngày tháng khốc liệt trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nạn đói tàn khốc, tình thế chính trị phức tạp giữa các nước đế quốc, sự sôi sục của nhân dân cũng như tài trí và lòng quyết tâm của những người cách mạng đều được tái hiện trên màn ảnh.

3 vai chính trong phim
3 vai chính trong phim

Lát cắt của lịch sử

Như lời dẫn đầu phim, tác phẩm tập trung vào một lát cắt nhỏ của thời cuộc với hầu hết diễn biến nằm ở Hà Nội và các vùng lân cận. Lúc này, Việt Nam đang nằm giữa sự xâu xé của đế quốc Nhật và Pháp. Tháng 3/1945, Nhật tiến hành hất cẳng Pháp ở Đông Dương để kiểm soát nguồn tài nguyên lớn và con đường giao thương nơi đây. Quân Pháp hầu như không kháng cự đáng kể và toàn bộ Đông Dương trở thành thuộc địa của phát xít Nhật.

Tuy nhiên, Thế chiến thứ hai sắp sửa kết thúc. Ở châu Âu, Đức đã đầu hàng vào tháng 5/1945. Đơn độc chiến đấu, Nhật Bản không phải là đối thủ của các nước Đồng minh. Đứng trước thất bại, họ càng vơ vét, bóc lột tàn bạo dẫn đến nạn đói lịch sử trên diện rộng. Khắp đường phố la liệt những con người thiếu ăn, chết đói.

Giữa thời điểm đó, các cán bộ Việt Minh hoạt động mạnh mẽ để vận động dân chúng đứng dậy. Họ bị truy đuổi gắt gao bởi quân Nhật và cả những kẻ Việt gian làm việc cho thế lực ngoại bang. Giữa muôn vàn khó khăn, những người cách mạng vẫn kiên định với lý tưởng của mình và trông chờ cơ hội giành độc lập cho dân tộc.

Nhiều nhân vật trong phim là trí thức đi theo cách mạng
Nhiều nhân vật trong phim là trí thức đi theo cách mạng

Bộ phim được kể theo hình thức đa tuyến, với nhiều câu chuyện diễn ra cùng thời điểm nhưng có liên quan đến nhau. Nhu (Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thanh Tú) là một nữ sinh Đồng Khánh sớm đi theo cách mạng. Trong lúc đang mang thai, cô giả làm công nhân ở nhà máy điện Yên Phụ để hoạt động tuyên truyền. Nhu còn đóng giả làm người mò cua và ni cô để gây dựng cơ sở bí mật.

Kiên (Nghệ sĩ ưu tú Dũng Nhi) là một thanh niên trí thức đã giác ngộ cách mạng, trái ngược với chị anh là Kiều Trinh (Nghệ sĩ ưu tú Đức Hoàn) - một phụ nữ mưu mẹo, muốn dựa vào người nước ngoài để tiến thân.

Được bấm máy từ năm 1975, bộ phim tận dụng bối cảnh thời bấy giờ để khắc họa hình ảnh các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Bằng lối cắt dựng đan xen, đạo diễn Trần Đắc mô tả thế giới đối lập của tầng lớp thống trị và bị trị ở Việt Nam năm 1945. Một bên là các con đường đất cát, khu chợ liêu xiêu, những chiếc xe đẩy chở than và những con người khốn khổ. Một bên là những chiếc ghế salon đắt tiền, quần là áo lượt, những bữa tiệc với cung cách thật xa lạ với người Việt. Một bên là tiếng khóc, tiếng rên nỉ non, ai oán của những người dân đói khát. Một bên là những lời khoe mẽ chứa đầy sự hả hê, đôi khi điểm xuyết những tiếng cười ha hả được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật để cường điệu hóa sự tàn ác của kẻ thống trị bấy giờ.

Bộ phim khắc họa tinh tế những con người đời thường vào năm 1945
Bộ phim khắc họa tinh tế những con người đời thường vào năm 1945

Cùng nhà quay phim Đỗ Mạnh Hùng, đạo diễn Trần Đắc tạo ra những khung hình giàu cảm xúc, như khi đặt hình ảnh bà lão còn sống ốm như bộ xương khô cạnh hình nhân đốt cho người chết. Ở dưới gốc đa khi Nhu gặp 2 bà cháu, cảnh đẹp làng quê đối lập với sự khốn khổ của nhân vật.

Bộ ảnh nổi tiếng về nạn đói năm 1945 của nhiếp ảnh gia Võ An Ninh cũng được sử dụng để gợi nhớ sự đau thương dân tộc từng trải qua.

Trong một bộ phim về tổng khởi nghĩa, hẳn nhiên không thể thiếu những phân cảnh mô tả cuộc nổi dậy của người dân. Nhà làm phim khéo léo mô tả chúng ở nhiều góc độ, từ cảnh những đôi chân chạy thoăn thoắt, đến dòng người giương cao vũ khí và tràn ngập đường phố. Mọi cảm xúc như vỡ òa ở phân cảnh cuối cùng, khi dòng người tuôn trào như dòng thác không thể ngăn cản và lá cờ đỏ sao vàng được kéo cao trên tòa nhà. 

Những cảnh với góc toàn và cận được sử dụng đan xen để đẩy cao cảm xúc. Có lúc, tác phẩm mô tả sự mênh mông của những con đường chứa đầy người dân đói khổ hay những căn phòng xa hoa của các ông bà lớn. Có lúc, ống kính dán chặt vào gương mặt các nhân vật để thu trọn biểu cảm của họ, từ sự căm phẫn, bàng hoàng đến vẻ rạng ngời khí thế và lòng quyết tâm.

Trailer phim Sao tháng Tám:

 

Những phận đời trong tháng năm lịch sử

Ở một bộ phim dài hơn 2 tiếng rưỡi, nhà biên kịch Đào Công Vũ và Trần Đắc dày công tạo ra một câu chuyện đủ lớp lang và phản ánh nhiều vấn đề của thời cuộc. Nhân vật Nhu được lấy cảm hứng từ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Hưng. Trước khi viết kịch bản, đạo diễn đã đọc được hồi ký Nắng Hưng Yên kể về bà và xin phép mượn một số tình tiết vào phim.

Tuyến truyện về Nhu mang đến sự kịch tính lẫn thán phục dành cho những người hoạt động cách mạng. Trong tình huống bị kẻ cầm quyền theo dõi chặt chẽ, lại bụng mang dạ chửa, người phụ nữ ấy vẫn hoàn thành các mục tiêu được giao. Những tháng ngày ấy, chị phải liên tục đóng giả những vai trò khác nhau. Hàng loạt phân cảnh khiến người xem bị cuốn vào, trở nên lo sợ cho an nguy của chị.

Trước khi đóng Sao tháng Tám, nghệ sĩ Thanh Tú chủ yếu vào vai các tiểu thư khuê các. Để có biên độ diễn xuất rộng như trong phim, bà phải dành rất nhiều thời gian quan sát, học hỏi về cuộc sống của những người dân thường, từ cách đi đứng, nói năng của một người nông dân hay công nhân. 

Ở những cảnh hoạt động cách mạng, nghệ sĩ Thanh Tú cho thấy tinh thần quyết tâm của nhân vật qua ánh mắt kiên định, lời lẽ cương nghị. Vai diễn này cũng được xem là để đời trong sự nghiệp của bà, mang đến cho bà danh hiệu Nữ diễn viên xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Việt Nam năm 1977.

Cảnh tầng lớp thống trị áp bức người dân trong phim
Cảnh tầng lớp thống trị áp bức người dân trong phim

Vai Kiều Trinh được lấy nguyên mẫu từ Nga Thiên Hương - một gián điệp có thật từng phục vụ người Nhật. Bà ta nổi tiếng sắc nước hương trời nhưng lại là một mật thám nguy hiểm, cuối cùng bị các đội viên đội Hoàng Diệu ám sát. 

Bên cạnh sự tán dương cho Thanh Tú, cũng phải dành lời khen cho nghệ sĩ Đức Hoàn. Trước đó, bà nổi tiếng là nàng thơ của điện ảnh Việt với vai Mỵ trong Vợ chồng A Phủ. Ở Sao tháng Tám, nữ diễn viên như lột xác trong vai một người đàn bà thủ đoạn, bợ đỡ người nước ngoài.

Thế đối đầu của Kiều Trinh với Kiên - người em trai theo cách mạng - tạo ra những tình huống giàu cảm xúc. Ở phần cuối phim, Đức Hoàn cũng diễn tả trọn vẹn tâm trạng rối bời của người phụ nữ mang tiếng “chị giết em”, đồng thời đối mặt với cảnh trắng tay khi quân ngoại bang sắp bị đánh bại.

Với nghệ sĩ Dũng Nhi, vai diễn người đàn ông trí thức theo cách mạng như được đo ni đóng giày cho ông. Ánh mắt, thần thái của nam diễn viên đều toát ra sự chính trực và nho nhã. Mẫu vai này cũng gắn liền với ông ở nhiều dự án sau đó.

Để giới thiệu một giai đoạn lịch sử thiêng liêng của dân tộc, Sao tháng Tám chọn cách tiếp cận gần gũi và dễ tạo sự đồng cảm với khán giả. Tác phẩm đã đi sâu vào từng mảnh đời, với câu chuyện cá nhân và cách ứng xử của họ trong những tháng ngày sôi sục ấy. Với ý nghĩa đặc biệt và phong cách thể hiện giàu biểu cảm, đây có lẽ là tác phẩm luôn được nhắc đến đầu tiên mỗi khi đề cập đến các phim làm về giai đoạn này. 

 

Ân Nguyễn

Ảnh: Internet

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhanvattacphamvi /strCate=nhanvattacpham

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvandevi /strCate=vande

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsangtacvi /strCate=sangtac
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvanhoavi /strCate=vanhoa