|
Công nhân ở làng Budhpura chủ yếu là trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi |
Những đứa trẻ thợ mỏ
"Khi gặp người ngoài, nhất định phải chạy trốn". Đó là một chỉ dẫn từ "sếp" mà Sonu phải học thuộc và làm theo.
Sonu là một đứa trẻ 8 tuổi. Mẹ của em, chị Anita, cho biết mỗi khi có người ngoài đến làng Budhpura, bang Rajasthan, chị đều nhận được một cuộc điện thoại cấm không được đưa Sonu đi làm.
“Chỉ có người lớn mới đi làm vào những ngày đó, những đứa trẻ sẽ bị giấu đi”, người phụ nữ 40 tuổi nói.
Sonu và mẹ làm việc 8 giờ/ngày. Cả 2 làm những viên đá lát đường nhỏ, nhiều loại được xuất khẩu sang Anh, Bắc Mỹ và Châu Âu. Sonu bắt đầu làm việc sau khi cha em qua đời vì bệnh phổi silic vào năm 2021.
“Đầu tiên, nó làm được 5 viên đá, sau đó là 10 viên, rồi nghỉ học để đi làm toàn thời gian” - mẹ em cho biết.
2 mẹ con ngồi trên một con phố gần nhà, giữa đống sa thạch vụn, đục thành những khối đá thô ráp. Sonu được trả 1 rupee cho mỗi viên đá cuội.
20 năm đẽo gọt bằng búa và đục, ném và lật những tảng đá nặng đã khiến Anita liên tục bị đau lưng và vô số vết thương ở tay và chân. Cô cũng mắc bệnh lao do hít bụi.
Cô không thể cầm chắc một vật gì, vì bàn tay thô ráp và bong tróc do phải cầm đá và sử dụng các dụng cụ hàng giờ liền. Thu nhập của cô ít đến mức cô phải quyết định giữa việc trả tiền cho bác sĩ hay mua quần áo, giày dép cho 5 đứa con của mình.
Trên bàn tay của Amar (14 tuổi) là hai vết sẹo dài, dấu vết của lần bị búa cứa vào tay. Những chấn thương thế này rất phổ biến ở những người thợ đá cuội mọi lứa tuổi, đến nỗi họ hầu như không mong đợi bất kỳ sự hỗ trợ y tế nào, và xem đó là “tai nạn nhỏ”.
Tay đau nhưng Amar vẫn phải làm việc. Là con lớn trong gia đình, khi bố em mắc bệnh bụi phổi silic, em phải bắt đầu đi kiếm tiền. Bệnh bụi phổi silic là một bệnh phổi gây tử vong đặc trưng bởi khó thở và ho. Nguyên nhân là do tiếp xúc kéo dài với các hạt silica mịn có trong cát, thạch anh và đá.
Khoảng thời gian trước khi chồng qua đời cách đây 4 năm, chị Sumitra đã vay một khoản tiền quá lớn để chăm sóc người chồng ốm yếu và 6 đứa con. Đó là khi Amar (lúc đó mới 10 tuổi) bỏ học và bắt đầu đi làm. Với 80 rupee kiếm được mỗi ngày, không giúp được nhiều cho gia đình, nhưng có còn hơn không.
Thường khoảng 1 giờ chiều, Pooja đi học về đến nhà sau hành trình dài 20 km. Sau khi làm xong việc nhà, đến 2 giờ chiều, cô bé cùng mẹ cúi xuống xung quanh đống đá bằng búa và đục. Làm miệt mài đến tối, Pooja sẽ vào bàn làm bài tập về nhà. Cô bé 14 tuổi tâm sự, em muốn trở thành bác sĩ.
Cha của Pooja qua đời vì bệnh bụi phổi silic vào năm 2014. Em nhận thức rõ rằng việc theo học ngành y sẽ là một cuộc chiến khó khăn. Mẹ em cũng biết điều đó.
“Nhưng bất chấp mọi khó khăn, tôi vẫn gửi con bé đến trường,” mẹ em nói, giọng đầy tự hào. Cô hy vọng con gái mình có thể tiếp tục đi học ít nhất cho đến khi 16 tuổi, mặc dù cô bé sẽ phải làm công việc đẽo đá sau giờ học.
Địa ngục trần gian và ngôi làng của những goá phụ
Ấn Độ là một trong những nước sản xuất đá tự nhiên lớn nhất, bao gồm đá granit, đá cẩm thạch, đá sa thạch và đá phiến. Rajasthan - một bang giàu khoáng sản ở phía tây bắc, thu hút các công ty khai thác từ khắp đất nước.
Các báo cáo cho thấy có khoảng 2,5 triệu người làm việc trong ngành khai thác mỏ ở Rajasthan, phần lớn là người di cư từ các cộng đồng bị thiệt thòi ở Ấn Độ.
Shankar Singh - một nhà hoạt động xã hội và đồng sáng lập của Mazdoor Kisan Shakti Sangathan, một tổ chức hỗ trợ công nhân và người lao động nông nghiệp ở Rajasthan - cho biết: “Các đại lý nói với công nhân rằng bạn sẽ làm việc theo hợp đồng và kiếm được nhiều tiền, nhưng thực tế đây công việc nguy hiểm".
Ngày nay công nhân ở đây chủ yếu là trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi. Họ sẽ ngồi làm cả ngày với đồng lương ít ỏi.
Rana Sengupta - Giám đốc điều hành của Quỹ Tín thác Chiến dịch Bảo vệ Lao động Mỏ, một tổ chức phi lợi nhuận ở Rajasthan - cho biết, đây là những người không thể tìm được việc làm trong hầm mỏ nên đành chấp nhận số tiền này.
|
Những đứa trẻ làm thợ mỏ từ bé |
Hơn 11 triệu người sống ở Ấn Độ đã tiếp xúc với bụi gây bệnh bụi phổi silic. Budhpura từng được một số phương tiện truyền thông gọi là “ngôi làng của những goá phụ”, vì có không biết bao nhiêu người đàn ông đã thiệt mạng vì bệnh bụi phổi silic.
Những góa phụ này đang một mình nuôi con, buộc phải làm việc trong cùng ngành đã giết chết chồng họ. Và họ đưa trẻ sơ sinh đi làm. Trước khi ngồi đập đá, đôi khi họ cắm hai chiếc que xuống mảnh đất gần đó rồi buộc một tấm vải vào giữa để làm nôi cho em bé.
Vào một buổi chiều nóng nực mùa hè năm ngoái, khoảng 20 phụ nữ ngồi ở khu đất trống nơi từng có ngọn đồi, làm việc theo nhóm trên những mẻ đá. Một trong những phụ nữ đang trốn ánh nắng chói chang dưới chiếc ô rách nát. Những người thợ cắt đá được các đại lý địa phương thuê – theo ca, không hợp đồng, không được bảo vệ.
Rana Sengupta nói rằng các doanh nghiệp thường tuyển dụng trẻ em trực tiếp trong hầm mỏ hoặc trong các xưởng. Một công nhân trưởng thành có thể làm khoảng 100-150 viên đá mỗi ngày và họ được trả khoảng 3.500 rupee (33 bảng Anh) mỗi tháng. Những đứa trẻ thì kiếm được ít hơn rất nhiều.
|
Một người phụ nữ đang đập đá sa thạch ở Rajasthan, Ấn Độ. |
Ở Ấn Độ, việc trẻ em dưới 14 tuổi làm những công việc nguy hiểm như khai thác mỏ là bất hợp pháp. Vì vậy, những người công nhân nói rằng những viên đá đi kèm với một lệnh cấm: không được nói cho ai biết về việc bọn trẻ đang làm việc này.
Dilip Singh - chủ tịch Rajasthan Barad Khan Mazdoor Sangh, một liên đoàn công nhân mỏ - cho biết, nhiều chủ mỏ vẫn thuê trẻ em làm việc trong mỏ đá.
Theo Colin Gonsalves, luật sư cấp cao của tòa án tối cao Ấn Độ, nhiều trẻ em làm việc trong điều kiện như “địa ngục trần gian”.
Một số nhà hoạt động cho biết, một cách để loại bỏ lao động trẻ em là tăng thu nhập của cha mẹ. Sengupta - nhà vận động lao động, nói: “Nếu bạn không trả đúng số tiền cho công nhân trưởng thành, mọi người sẽ buộc phải đưa trẻ em đến mỏ”.
Amar mơ ước được chơi cricket một ngày nào đó. Tuy nhiên, Sonu lại muốn trở thành bác sĩ như Pooja. Em nói rằng rất nhớ trường học, dù nó đắt đỏ và xa xôi. Tuy nhiên, em vẫn hy vọng một ngày nào đó, em và bạn bè có thể bắt kịp một buổi chơi cricket.
Nhưng bây giờ, em cần phải quay lại làm việc, nơi em sẽ đập, đập và chế tạo đá cuội dưới cái nóng của Rajasthan trong ít nhất 4 giờ nữa.
Thảo Nguyễn (theo Guardian)