Phận đời ngọt, đắng của người xa xứ trong Brooklyn

16/10/2021 - 06:47

PNO - Qua lát cắt về cuộc đời một cô gái trẻ đến Mỹ, Brooklyn mang đến câu chuyện về những người nhập cư phải đối mặt với sự lựa chọn về kế sinh nhai và bản sắc.

Người di cư luôn là vấn đề được quan tâm trong xã hội, đặc biệt trong vài chục năm gần đây, khi việc di chuyển giữa các tỉnh, thành, quốc gia, thậm chí liên lục địa trở nên dễ dàng hơn. Toàn cầu hóa đã mang đến cơ hội giao thoa, gặp gỡ cho mọi người từ khắp thế giới. Ngày càng nhiều người có thể rời quê hương để tìm vận hội mới, thay đổi trong cuộc sống hay đơn giản chỉ là tìm kiếm sự an toàn. Thế nhưng, điều đó cũng đặt ra vô số câu hỏi về mặt xã hội, luật pháp hay đơn giản là ở tâm lý và bản sắc của con người.

Ở Việt Nam, không ít người đã chuyển đến địa phương khác để làm việc hay học tập. Trong chuỗi ngày khó khăn vì COVID-19, dòng người đổ về quê hay cuộc sống vượt khó của những ai còn bám trụ thành thị đều được dư luận quan tâm. Rất khó để phán xét họ mà trái lại, nên có cái nhìn rộng mở để thấu hiểu quyết định của họ.

Bộ phim Brooklyn đã chạm tới chủ đề khủng hoảng danh tính của những người nhập cư
Bộ phim Brooklyn đã chạm tới chủ đề khủng hoảng danh tính của những người nhập cư

Điện ảnh có nhiều phim nói về phận người nhập cư và tác phẩm rất được chú ý gần đây là Brooklyn (2015) của đạo diễn John Crowley, với Saoirse Ronan đóng vai chính. Phim ra mắt khá âm thầm nhưng liên tiếp gây tiếng vang và kết thúc với ba đề cử Oscar danh giá, gồm Phim xuất sắc, Nữ diễn viên chính và Kịch bản chuyển thể. Đạo diễn John Crowley đã chọn cách tiếp cận tinh tế, đi vào tâm lý con người thông qua câu chuyện về một cô gái Ireland.

Cánh chim nhỏ trên đất Mỹ

Năm 1951, cô gái trẻ Eilis Lacey (Saoirse Ronan) sống cùng gia đình ở thị trấn nhỏ Enniscorthy thuộc miền Tây Nam Ireland. Không tìm được việc làm toàn thời gian, cô phải làm việc cuối tuần tại cửa hàng của một bà chủ “khó ưa”. Qua sự giới thiệu của một linh mục, Eilis đến New York (Mỹ) để tìm cơ hội mới.

Tuy nhiên, cuộc sống ở New York không hề dễ dàng. Eilis phải học cách hòa nhập với nền văn hóa ở thành phố quy tụ vô số người từ nhiều quốc gia. Cô gái trẻ cũng chật vật tìm cách kiếm sống khi không có khả năng hay nghề nghiệp nổi trội. Những bức thư của chị gái khiến Eilis thêm quay quắt nỗi nhớ nhà. “Thư từ mất bao lâu để đến được Ireland?” là câu hỏi chất chứa nhiều nỗi lòng của cô gái xa quê.

Nhưng Brooklyn không đi theo lối mòn bi lụy của một số phim về người nhập cư. Dẫu có những khoảnh khắc đau khổ, buồn chán hay âu lo về tương lai, Eilis vẫn giữ một trái tim mạnh mẽ để đổi thay và thích nghi với cuộc sống. Được trao một cơ hội làm việc ở New York, Eilis đã cố gắng hết sức để hoàn thành. Cô cũng sớm hiểu rõ khả năng và mong muốn của bản thân để tham gia khóa học ghi sổ, nhằm có nghề nghiệp ổn định hơn. Qua đó, bộ phim truyền đạt một năng lượng tích cực - luôn hướng về phía trước.

Cái ngày Eilis bước lên con tàu đưa cô đến Mỹ đã thay đổi cuộc đời cô mãi mãi, mở ra một tương lai không có gia đình bên cạnh. “Thư từ Ireland ban đầu có vẻ rất lâu, rồi cảm giác chúng đến nhanh như không” là câu trả lời của người phụ nữ nhiều kinh nghiệm dành cho Eilis. Cuộc sống mới với công việc, cộng đồng mới sẽ dần khiến người ta quên nỗi nhớ nhà.

Khi mô tả “giấc mơ Mỹ”, không ít nhà làm phim dễ đi vào một trong hai hướng cực đoan: quá tô hồng viển vông hoặc quá bi lụy như một mộng ước tan vỡ. Đạo diễn John Crowley đã chọn phương án trung dung và dễ đồng cảm. Như Eilis chia sẻ, nơi cô sống là Brooklyn, còn những tòa nhà cao tầng mà người ta hay nhắc đến thì nằm ở bên kia sông, như một thế giới khác. Với những người như Eilis, “giấc mơ Mỹ” đơn giản chỉ là một cơ hội để có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định tại đất nước phát triển nhất thế giới. Nhưng, chỉ điều đó thôi cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực vượt khó từ người mới đến.

Với ngôi sao trẻ Saoirse Ronan, Brooklyn là một trong các bộ phim quan trọng nhất trong sự nghiệp của cô
Với ngôi sao trẻ Saoirse Ronan, Brooklyn là một trong các bộ phim quan trọng nhất trong sự nghiệp của cô

Việc Eilis yêu chàng trai dễ mến Tony Fiorello (Emory Cohen) mở ra nhiều tình huống hài hước cũng như góc độ khác cho câu chuyện. Mang dòng máu Ý, Tony sống cùng gia đình vẫn coi trọng nhiều truyền thống của quê hương. Loạt tình tiết Eilis học ăn spaghetti hay gặp mặt gia đình bạn trai bên bàn ăn tạo ra nhiều tiếng cười nhẹ nhàng. Chúng cũng nêu hàm ý rằng New York là một điểm đến của người dân mang nhiều sắc tộc, quê quán khác nhau. Điều này có nhiều điểm tương đồng với TP.HCM, vốn là nơi quy tụ nhiều người từ cả miền Tây, miền Trung và miền Bắc đến lập nghiệp.

Định vị bản sắc

Nếu chỉ dừng lại ở câu chuyện hòa nhập và kiếm sống, Brooklyn có lẽ sẽ không được đề cao đến thế. Nửa sau của phim mở ra một khía cạnh mới khi Eilis phải trở về quê hương vì một việc gấp của gia đình. Có nghề nghiệp trong tay và giờ là một phụ nữ tự tin hơn, Eilis bỗng thấy thị trấn cũ dường như tốt đẹp hơn những gì cô từng biết. Một công việc hứa hẹn mở ra, người dân có phần nể cô hơn, một anh chàng điển trai xuất hiện…

Mọi thứ đặt Eilis đứng trước quyết định quan trọng của cuộc đời: lại ra đi hay ở lại Ireland. Lên tàu về Mỹ mới là “về nhà” hay quê nhà đã ở đây rồi? Những xúc cảm đó được nhà làm phim khai thác khéo léo qua nét mặt diễn viên, những mẩu hội thoại ý nhị hay bối cảnh trải rộng của bãi biển mà Eilis yêu thích. 

Đào sâu hơn, Brooklyn đã chạm tới chủ đề khủng hoảng danh tính của những người nhập cư, được nhắc đến trong một số nghiên cứu. Sự biến động nơi ở, môi trường, cộng đồng dân cư tạo ra nhiều sức ép về tâm lý hơn chúng ta tưởng. Chúng có lúc còn khó chịu và bức bối hơn những vấn đề kinh tế hay sức khỏe. Có những khoảnh khắc người ta nhận ra mình chẳng còn là con người lúc trước. Tại sao mình ở đây và mình đang làm gì với cuộc đời mình? Mình là một người Ireland hay người Mỹ, là người của miền quê hay thành thị?

Đi xa hơn nhiều bộ phim khác, Brooklyn còn bàn về khả năng người nhập cư muốn quay về cố hương. Các lát cắt trong phim vừa vặn với hoàn cảnh nhân vật nhưng cũng dễ gợi suy nghĩ cho khán giả Việt với tình hình thời sự trong nước hiện nay. Câu chuyện kết thúc với một cách giải quyết hợp lý, nhẹ nhàng và lạc quan về tình yêu, cuộc sống. Lựa chọn của con người suy cho cùng vẫn là lựa chọn của trái tim và để hiểu được trái tim mình đặt ở đâu, đòi hỏi phải có sự chân thành.

Dù mang nhiều thông điệp về người nhập cư, Brooklyn không hề nặng nề hay giáo điều. Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Colm Tóibín đầy sự nhẹ nhàng, đáng yêu của thể loại tâm lý tình cảm. Mối tình của Eilis và Tony được khai thác với đủ cung bậc hấp dẫn người xem. Cả hai nhân vật đều dễ thương và nghiêm túc với những sự lựa chọn của mình. Họ khiến người xem cười mỉm và thích thú dõi theo hành trình đến cuối.

Tô điểm cho câu chuyện là phần phục trang mang nhiều hoài niệm của thập niên 1950, từ các bộ váy đậm chất vintage hay chiếc áo len dịu dàng của các quý cô thời đó. Một phân cảnh hài hước nhẹ nhàng là khi các nhân vật nhận xét bộ áo tắm “kiểu Mỹ” của Eilis thật quyến rũ (dù nó vẫn rất kín đáo so với các mẫu áo tắm ngày nay).

Trailer phim Brooklyn: 

 

 

Với ngôi sao trẻ Saoirse Ronan, Brooklyn là một trong các bộ phim quan trọng nhất trong sự nghiệp. Diễn viên sinh năm 1994 mang vẻ đẹp trong sáng, hiền lành nhưng vẫn toát ra khí chất thông minh. Vai diễn Eilis dường như là đo ni đóng giày cho một ngôi sao có ngoại hình và phẩm chất tự tin như Ronan. Hàng loạt lời tán dương đã dành cho Saoirse Ronan ở mùa giải thưởng năm đó.

Tác phẩm đánh dấu sự chuyển mình của nữ diễn viên, sau khi cô được chú ý từ năm 13 tuổi với Atonement (2007). Đề cử Oscar nữ chính đầu tiên đã biến Ronan thành một trong những tên tuổi trẻ có thực lực và được săn đón nhất Hollywood. Hai bộ phim Lady Bird (2017) và Little Women (2019) tiếp tục mang đến đề cử nữ chính cho Ronan và nhiều khán giả vẫn trông chờ ngày cô đăng quang ở giải điện ảnh danh giá. 

Ân Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI