Tôi vừa có một cơn mưa mồ hôi khi bước xuống giường sau hơn hai tiếng sinh con. Chưa bao giờ tôi nghĩ con người có… nhiều nước như vậy, nước túa ra tới tấp từ lỗ chân lông, rớt lộp độp xuống nền gạch cũ của bệnh viện.
“Coi chừng cảm lạnh” - má nói. Má lấy cái khăn to quấn tôi lại. Bà mang thêm đôi vớ vào chân con gái. Đôi vớ mua ở bệnh viện mỏng te. Má pha sữa cho thằng nhỏ. Cái miệng nó ngọ nguậy, chóp chép mà sữa thì chưa về. Tôi kê cái ly nhỏ vào đầu ngực, nặn đỏ tay chỉ rớm ra vài giọt vàng quạch.
- Nè, coi bộ ẵm con gọn ha.
Một cô đứng tuổi, vai mang giỏ ngồi ở giường bên nhìn tôi cho thằng nhỏ ti, nói giọng vui vẻ. Tôi cười thay câu giải thích. Cái chân bắt chéo nãy giờ tê cứng cần duỗi ra. Tôi nhìn con. Nó đỏ au. Da chẳng mướt mà sần bong những mảng trắng từ mặt, tay, chân. Da hai bên đùi nó nhăn nhăn như trán ba tôi… mỗi khi nghe đứa nào đó trong nhà sắp lấy chồng.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Hồi 16 tuổi, ba tôi đã trải qua cú sốc của đời mình. Sau trận càn của giặc trên cánh đồng Mộ Đức, xác người nằm la liệt. Chị Ba tôi là nữ du kích bị địch bắt rồi bắn chết. Giữa cánh đồng gốc rạ khô, trời chập choạng tối, dưới chân mình là những vũng máu, ba tôi đã vái một điều, xin được gánh hết những thiệt thòi, khổ đau của cả gia đình sau này.
Những đứa con trong nhà cũng phận đời vất vả. Tôi không hy vọng điều này truyền sang đời cháu dù thời ấu thơ khi chăn đàn bò, ngồi trên ụ mối giữa rẫy rừng mênh mông, tôi cũng phát tâm nguyện lo cho cha mẹ mình.
***
Tôi ôm con, hít hà mùi da thịt của mình còn vương trên đó. Tôi muốn khóc quá.
- Mày mà khóc là sản hậu, sữa đâu mà cho con bú.
Má tôi cười cười nhắc nhở. Đẻ con rồi mới biết thương má mình bao nhiêu. Tôi có buồn đâu mà má kêu tôi khóc. Tôi đang vui thí mồ.
Những tuần cuối của thai kỳ, tôi phải nhập viện vài lần vì tim thai quá chậm. Tôi nằm trong phòng cấp cứu, xung quanh la liệt những bà bầu bụng như cái thúng cùng những cái máy đo nhịp tim cứ thình thịch. Bệnh viện tuyến cuối nên lúc nào cũng đông.
- Em nhất quyết không được mổ nha. Sinh mổ là sau này yếu lắm.
Chồng nói với tôi bằng cảm xúc của người đàn ông chưa bao giờ đưa vợ đi đẻ. “Thế đẻ khó, không đẻ được thì sao? Đẻ chứ có phải thay quần thay áo, thò chân nào vô trước cũng được mà lệnh phải này phải kia” - tôi nạt ngang. Má tôi chép miệng: “Nó lo cho mày thế còn gì”.
Chị bác sĩ đỡ đẻ tôi quen, cười: “Chồng em cũng nói với chị vậy đó”. Khi chị ẵm thằng nhỏ ra, tôi nghe cô hộ sinh hỏi sao nó tím tím. “Mấy đứa nhịp tim chậm hay vậy” - chị bác sĩ đáp khẽ. Khi về phòng, tôi lên mạng tra đủ thứ thì biết mấy đứa trẻ như con tôi còn dễ bị vàng da.
Mà đúng thiệt, ngày thứ ba tưởng được xuất viện thì con tôi phải lên nằm phòng ICU. Tôi nằm trên giường cứ thấy trống hoác. Đi đẻ mà con nằm ở phòng khác, mẹ phòng khác. Bác sĩ không cho bà mẹ lên thăm, sợ xúc động khóc nên khi gửi lọ sữa vắt được theo đúng số mi-li-lít quy định, có ghi tên mẹ, mã số của con ở phòng ICU, tôi quay về phòng.
- Trời ơi, may quá con. Má lên thăm, đứng ngoài ngó vô thấy thằng nhỏ bị sút dây đeo che mắt kéo xuống mũi, nghẹt thở vẫy vùng mà không y tá nào thấy. Má phải chạy vô la lên - má tôi hớt hải thông báo.
Tôi nghe xong muốn chạy ào đến với con, nhưng má nói người ta sửa lại rồi. Mong là mắt nó không sao. Cứ mỗi khi má tôi lên thăm cháu, tôi thay bộ áo bình thường thay vì quần áo bệnh nhân để lò dò đi theo ngó con. Rồi tôi cũng bị chặn ngay cầu thang. Tôi nghĩ có khi mình làm dữ chút thì họ chừa mình ra nhưng rồi thôi. Mình dữ làm chi khi điều mình quan tâm nhất giờ nằm trong vòng coi sóc của mấy cổ.
***
Y tá hỏi bây giờ tôi muốn về nhà hay ở lại chờ con ra, tôi cũng không biết. Mỗi ngày tôi nặn sữa tám cữ, về nhà cũng nặn sữa đủ tám cữ rồi má với chồng chạy vô gửi thì thật phiền phức. Tôi trả lời: “Con mình nằm đây thì mình ở đây cho yên tâm”. Tối ngày thứ tư, tôi trằn trọc mãi, sữa căng cứ phải vắt ra.
- Ngủ đi cho khỏe, lo chi được đâu mà lo. Khi nào ổn nó ra thôi.
Cô trông bé giường bên nằm nói vọng sang. Tôi không biết câu đó dành cho tôi hay dành cho đứa cháu. Thím ấy nuôi cháu đẻ. Con của cô gái ấy đã nằm trên ICU được năm ngày. Cô gái không có sữa nên chẳng thấy vắt. Mà cô trẻ măng, chừng đôi mươi, khỏe lắm. Đẻ xong, khi tôi vô phòng đã thấy cô ngồi uống nước tăng lực lẫn nhai đá rộn rạo. Má tôi nhắc: “Mới sinh sao con uống lạnh, không nên”. Cả hai người cười cười. Người thím bảo cháu nó đòi uống.
- Đẻ con mà sao không thấy nội ngoại gì vô vậy? Chồng đi làm xa hả? - lúc co chân ngồi ở thành giường quạt cho tôi, má hay bắt sang hỏi chuyện.
- Chồng nó đi biển chưa về. Má nó bệnh suốt nên trước ngày dự sinh một tuần, tui làm dì phải bỏ nhà bỏ cửa dẫn lên đây thuê phòng trọ gần bệnh viện. Tối tui về phòng trọ ngủ, chứ ở đây chật chội lắm.
Những khi tôi lăn qua lại rơm rớm khóc nhớ thằng con nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt thì bên kia, bà mẹ trẻ ấy đọc truyện tranh, chơi game rộn rã.
- Làm mẹ rồi mà vô tư quá, khổ con - má tôi chép miệng khi thấy cô gái ấy không mang đủ đầy hình ảnh của một người vừa đẻ.
Má tôi thấy vậy chứ nói đâu trúng đó. Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy thì giường bên đó gọn gàng ga gối, cái giỏ đồ trên giường cũng ngăn nắp hơn mọi khi. 11 giờ trưa, mấy cô y tá chạy tất tả xuống phòng.
- Ủa, người nằm giường này đâu cô? - một cô y tá hỏi má tôi.
- Chắc đi đâu đó ra ngoài. Khi nào cổ vô tôi nhắm giùm cho. Lúc sáng sớm khi đi ra ngoài, cổ còn nhờ tui ngó giùm đồ đó.
Má tôi thiệt tình. Những bà má chăm đẻ lúc nào cũng nhiệt tình.
- Tụi con gọi sáng giờ lên điền hồ sơ xuất viện mà không thấy. Điện thoại cũng ò í e vì đó là số giả; tra địa chỉ, hộ khẩu cũng không có thực luôn. Lại thêm một trường hợp bỏ con trốn viện rồi.
Thiệt tình. Hèn gì, hèn chi… vài người trong phòng tụm lại. Kiểu này chắc lầm lỡ nên lén bỏ con. Tội nghiệp thằng nhỏ, nghe đâu cũng ba ký rưỡi…
Giờ tôi mới để ý thấy cái dây đeo tay màu xanh của người mẹ trẻ treo lủng lẳng đầu giường. Trên đó ghi: “Con trai: 3,5kg; 10 giờ 5 phút, 24/9/20…”. Cái vòng tay được bấm lại, treo nơi đầu giường như một lời cáo biệt. Một con số không tròn trĩnh. Thêm một đứa trẻ bị bỏ rơi khi còn đang nằm ngủ ngoan giữa phòng ICU.
|
Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy |
***
Tôi nhớ khi uống xong ly sữa nóng nhỏ sau cơn vượt cạn, tôi được đẩy ra khỏi phòng sinh, bác sĩ quấn con tôi bằng cái khăn xanh và đặt nó nằm giữa hai chân tôi trên băng ca. Chồng tôi đẩy băng ca, má tôi tất tả đi sau còn tôi cứ khum khum lòng chân để tận hưởng khoảnh khắc thiêng liêng lạ lùng này.
Với thế hệ tôi, cảm xúc này, khung hình này hẳn chỉ có thể có một hoặc hai lần trong đời. Hai bên hành lang bệnh viện, người ta dạt ra né đường, họ ngắm con tôi như ngắm đứa con họ mong chờ. Ai cũng rạng ngời chúc phúc cho một người vượt cửa tử trở về.
Thì cũng có người vượt cửa tử nhưng họ đâu thèm trở về. Họ mở cánh cửa khác, gửi một phận đời mênh mang…
Chiêu Nhiên