Phận đời lênh đênh ở xóm ghe nghèo bên chợ Bình Điền

19/07/2020 - 06:17

PNO - Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm đến xóm ghe nghèo nằm sát chợ đầu mối Bình Điền, quận 8, TPHCM. Ít ai có thể ngờ rằng, giữa thành phố hoa lệ này vẫn còn những mảnh đời cơ cực đến thế.

Xóm ghe là nơi trú ngụ cho những người di cư từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn kiếm sống, chủ yếu là các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp… Ngày trước, xóm ghe tập trung thành một cụm rất đông nhưng càng về sau, cuộc sống của người dân nghèo trên ghe có nhiều thay đổi, nên họ tản ra thành nhiều cánh khác nhau để tiếp tục mưu sinh.

Xóm ghe có hai khu vực, xóm trên có khoảng 10 chiếc, chủ yếu là các gia đình đang ở tuổi lao động; xóm dưới có 7 chiếc, chủ yếu là người già sinh sống. Nơi đây, mỗi chiếc ghe chứa đựng một phận người khác nhau nhưng tất cả họ đều… nghèo như nhau.

Một em bé bên cạnh ngôi nhà của mình
Một em bé bên cạnh "ngôi nhà" của mình

Men theo con đường đầy rác, chúng tôi tìm đến chiếc ghe của gia đình chị Mai Thị Tuyết, quê ở Đồng Tháp. Cả 5 người trong gia đình chị tá túc tạm bợ trên chiếc ghe cũ kỹ, được bao bọc bởi lớp bạt mỏng phía trên.

Lập gia đình năm 19 tuổi, nhưng vì cuộc sống ở quê thiếu thốn, khó khăn nên hai vợ chồng chị Tuyết quyết định lên thành phố kiếm sống. Bươn chải đủ nghề, ai thuê gì làm đó nhưng số tiền ít ỏi mà hai anh chị kiếm được để lo cho 3 đứa con đang tuổi ăn học và đứa em trai bị bệnh luôn thiếu trước hụt sau.

Hàng ngày, ngoài việc làm bao ni lông, lượm ve chai, vợ chồng chị Tuyết còn đến xin phụ bốc vác ở chợ để có thêm đồng ra đồng vào lo cho các con. Có những ngày mệt đến kiệt sức, nhưng nghĩ đến tương lai các con, anh chị lại phải cố gắng, bởi không có lựa chọn khác.

 

Ngoài những chiếc ghe trần trụi, xuống cấp và một bãi rác khổng lồ bao quanh với đủ loại ve chai, bao ni lông và cả xác chết bốc mùi của động vật thì nơi đây chẳng có gì mang dấu ấn đời sống.
Ngoài những chiếc ghe trần trụi, xuống cấp, bao quanh xóm ghe là một bãi rác khổng lồ với đủ loại ve chai, bao ni lông và cả xác chết động vật đang bốc mùi
Nghề lượm bao ni lông ở xóm ghe nghèo
Nghề lượm bao ni lông ở xóm ghe nghèo

Đằng đẵng ngần ấy thời gian, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Út, quê An Giang vẫn chông chênh trên chiếc ghe đã mục nát. Ngày qua ngày, mọi chi phí ăn uống, chi tiêu của mấy bà cháu đều trông chờ vào đồng tiền ít ỏi mà chị kiếm được từ việc phụ bán ngoài chợ. 

Theo ông Lý Thanh Hòa - Chủ tịch UBND phường 7, quận 8, TPHCM, toàn bộ các hộ dân tại xóm ghe đều là dân nhập cư từ các tỉnh. Phường đã vận động các hộ dân di dời theo hai phương án, lên bờ thuê nhà hoặc về quê. Đa phần các hộ dân đều đã đồng ý. Trong tương lai, xóm ghe sẽ được giải tỏa, công tác di dời được lên phương án từ lâu nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên ngưng trệ. Hiện phường đang chờ ý kiến từ lãnh đạo để xúc tiến kinh phí di dời cho các hộ dân, mỗi nhân khẩu sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng trước khi di dời.

Chồng chị Út không may bị bệnh tâm thần. Trong một lần phát bệnh, người chồng đã dùng dao đâm vào tay chị, nên hai năm trở lại đây, sức khỏe chị suy yếu dần, những lúc trái gió trở trời, chị chỉ biết ôm con mà khóc. Hiện chồng chị đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Điều chị buồn nhất, thời gian gần đây căn bệnh trở nặng nên anh không còn nhận ra mẹ con chị. 

Cụ Nguyễn Thị Hai, người phụ nữ sống thọ nhất ở xóm ghe nghèo, cũng là người trải qua nhiều đau khổ nhất ở đây. Gánh nặng cuộc sống, bệnh tật đã cướp mất một mắt của cụ. Ngày trước, cụ thường đi nhặt tỏi ngoài chợ để kiếm đồng ra đồng vào nhưng càng về già, sức khỏe yếu dần, không ai thuê, cụ chỉ biết ở trong ghe, quây quần cùng mấy đứa cháu để chị Út tranh thủ đi làm kiếm tiền.

“Giờ tui muốn chết cũng không được, sống khổ cực lắm nhưng phải chịu, sống được ngày nào hay ngày đó”, vuốt tóc đứa cháu nhỏ, cụ Hai thở dài, nặng trĩu.

Cụ Nguyễn Thị Hai cũng đứa chắt nhỏ
Cụ Nguyễn Thị Hai cùng đứa cháu nhỏ

Cũng là cư dân của xóm ghe, cô Nguyễn Thị Mai và chồng cũng đang tất bật bên hai đứa cháu nội. Dù đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời nhưng cô Mai chưa bao giờ dám nghĩ có ngày được thoát cái nghèo. Cả 5 người con không học hành, không nghề nghiệp nên cảnh túng quẫn, nghèo đói cứ bám mãi lấy gia đình cô.

“Nhà có mấy đứa con trai mà đứa nghiện ngập, đứa thất nghiệp, cháu chắt thì bệnh mà trong nhà chẳng có lấy nổi một đồng để chạy chữa”, cô Mai ngậm ngùi nói.

Cô Nguyễn Thị Mai bế đứa cháu nội bị bệnh bướu cổ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không đủ tiền chữa trị
Cô Nguyễn Thị Mai bế đứa cháu nội bị bệnh bướu cổ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không đủ tiền chữa trị

Mang tiếng lên thành phố làm ăn nhưng những người như chị Tuyết, chị Út, cụ Hai hay cô Mai luôn trăn trở một nỗi niềm nhớ quê. Vì cuộc sống mưu sinh, cái ăn còn lo chưa trọn nên họ chẳng bao giờ dám nghĩ đến việc mua một bộ đồ mới chứ đừng nói đến chuyện về quê thăm họ hàng.

Những "đốm sáng'' của xóm ghe nghèo 

Xóm ghe hiện tại có khoảng 10 đứa trẻ đang tuổi ăn học, nhưng phần lớn chúng không được đến trường một cách suôn sẻ như những đứa trẻ khác mà phải nhờ sự hỗ trợ từ các sơ trong trung tâm thiện nguyện ở quận 8. Ở đây, từ lớp mẫu giáo đến lớp 5, các bé được đi học hoàn toàn miễn phí ở trung tâm, sau khi học xong tiểu học, chúng được gửi vào các trường để tiếp tục đi học.

Trong số các gia đình ở xóm ghe nghèo chỉ có 3 con của chị Tuyết được học hành đầy đủ. Bé Nguyễn Việt Phúc, con trai đầu của chị Tuyết năm nay mới học lớp 6 nhưng đã ra dáng người lớn, Phúc đã biết thay mẹ chăm 2 em và phụ dọn công việc nhà sau mỗi giờ đến lớp.

Mẹ con chị Tuyết trên chiếc ghe chật chội ở xóm ghe
Mẹ con chị Tuyết trên chiếc ghe chật chội ở xóm ghe

Vất vả, thiếu thốn là thế nhưng cả 3 bé Phúc, Hạnh, Nam đều chăm ngoan, nghe lời bố mẹ. Riêng bé Phúc năm nào cũng được khen thưởng học sinh khá.

Dù vẻ kham khổ hiện rõ trên khuôn mặt của chị Tuyết nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận rõ niềm hạnh phúc khi chị kể về các con. Trong chiếc ghe chật chội, chị Tuyết vẫn dành riêng một góc để treo giấy khen cho các con. Có lẽ đây chính là động lực, niềm khích lệ lớn lao để anh chị tiếp tục vươn lên.

Dù chỗ ở chật chội nhưng chị Tuyết luôn dành ra một khu vực riêng để treo các giấy khen của con mình
Dù chỗ ở chật chội nhưng chị Tuyết luôn dành ra một khu vực riêng để treo các giấy khen của con mình

“Hồi đó, nghèo khổ quá nên tôi đến xin sơ Hạnh nhận, cho con đi học. May mắn là sơ đồng ý, tôi vui lắm”, chị Tuyết chỉ tay vào 3 đứa con xúc động kể.

Mỗi đứa con chị Tuyết đều có một ước mơ riêng, bé Phúc thích làm ca sĩ, bé Nam lại muốn đi làm công ty để kiếm thật nhiều tiền, xây nhà và nuôi ba mẹ lúc về già. Dẫu biết còn rất nhiều chông gai nhưng vẫn hy vọng ước mơ của các bé sẽ thành hiện thực để gia đình anh chị bớt khổ hơn.

July Kim

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI