Phản đối dán nhãn thực phẩm biến đổi gen?

10/10/2014 - 22:12

PNO - PN - Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam vừa kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên môi trường không tiến hành dán nhãn các sản phẩm biến đổi gen.

edf40wrjww2tblPage:Content

Phan doi dan nhan thuc pham bien doi gen?

Sử dụng hàng chục năm nay nhưng thức ăn chăn nuôi BĐG không được công khai - Ảnh: Đăng Thư

Trao đổi với báo Phụ Nữ, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi giải thích, nếu áp dụng dán nhãn thì sẽ chẳng có người tiêu dùng nào dám mua các sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen (BĐG), lúc đó những sản phẩm trung gian của ngành như đậu nành, bắp (ngô)… sẽ khó khăn trong việc tiêu thụ. Theo ông Lịch, hàng chục năm nay các doanh nghiệp đã nhập khẩu đậu nành, khô đậu nành (80-90%); bắp từ các nước dùng giống BĐG. Heo, bò, gà trong nước hay nhập khẩu từ Argentina, Mỹ… bán trên thị trường hiện nay đều sử dụng thức ăn chăn nuôi chế biến từ bắp, đậu nành BĐG.

Vậy, các đầu mối dùng đậu nành BĐG nhập khẩu để sản xuất đậu hủ, sữa đậu nành và các loại bánh, kẹo… mà người tiêu dùng không hề biết, đó có phải đã xem nhẹ quyền lợi người tiêu dùng? Ông Lịch nhận định, nhiều người sẽ “ngại” sử dụng nếu biết sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm BĐG dù chưa có ghi nhận tác hại của các loại thực phẩm này.

Cuộc tranh luận xung quanh việc dán nhãn kéo dài từ nhiều năm nay hiện vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi nhóm người tiêu dùng muốn dán nhãn để họ quyết định chọn lựa hay không thì những doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại hoàn toàn không muốn làm điều đó. PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi cho rằng, như vậy là không công bằng cho người tiêu dùng, bởi quyền tối thiểu của họ là phải được biết rõ sản phẩm mình mua là sản phẩm gì, an toàn hay không.

Điều 11, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: tổ chức, cá nhân lưu thông thực phẩm có chứa sinh vật BĐG, sản phẩm của sinh vật BĐG trên thị trường với tỷ lệ lớn hơn 5% mỗi thành phần thì phải thể hiện các thông tin liên quan đến sinh vật BĐG trên nhãn hàng hóa. Nghị định này cũng giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học-công nghệ hướng dẫn chi tiết việc ghi nhãn đối với thực phẩm có chứa sinh vật BĐG, sản phẩm của sinh vật BĐG.

PGS-TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho hay, muốn có nhãn theo đúng quy định, đòi hỏi phải có hệ thống phân tích định tính và định lượng để xác định xem có đúng là sản phẩm BĐG hay không, nếu phải thì hàm lượng đó là bao nhiêu. Trong khi chi phí phân tích khá cao.

Hiện phí phân tích một mẫu định tính tại thị trường châu Á là 250 USD, còn định lượng là 450 USD. Kèm theo đó, việc trồng cây BĐG sẽ phải tiến hành cách ly, thu hoạch, chế biến… theo quy cách riêng. Nếu làm đúng quy trình đó, giá thành của sản phẩm BĐG sẽ đội lên ít nhất 10-12%, lúc đó sản phẩm này sẽ mất lợi thế cạnh tranh giá rẻ với các sản phẩm canh tác truyền thống. Đây cũng là lý do giải thích vì sao dự thảo thông tư dán nhãn cho sản phẩm BĐG có từ hai năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Mặt khác, hiện vẫn chưa có chế tài xử phạt vi phạm về dán nhãn sản phẩm BĐG, nên nghị định trên dù được ban hành cũng… như không!

 Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI