Phấn đấu GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD năm 2025

10/02/2025 - 17:36

PNO - Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, GDP bình quân đầu người đạt khoảng trên 5.000 USD.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: Media Quốc hội

Nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số

Chiều 10/2, tiếp tục chương trình của phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 8, khóa XV, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%/

Theo Chính phủ, nền kinh tế phục hồi nhanh trước những diễn biến bất lợi từ bên ngoài và trong nước, là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trên thế giới. GDP năm 2024 ước tăng 7,09%, thuộc nhóm một số ít nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực, thế giới và được quốc tế đánh giá cao.

Các đột phá chiến lược được triển khai quyết liệt, với tinh thần đổi mới sáng tạo và quyết tâm cao độ, đạt nhiều kết quả tích cực. Năng suất lao động ước tăng 5,88%, vượt mục tiêu đề ra.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, môi trường tiếp tục được đầu tư, phát triển với kết quả rõ nét hơn; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh...

Ông Nguyễn Chí Dũng cho hay, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025), là năm tăng tốc, bứt phá, về đích. “Tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng 2 con số” - ông nhấn mạnh.

Kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên được Chính phủ xây dựng với các mục tiêu: tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên). Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.

Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỉ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỉ USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

Cần nhiều nỗ lực để thực hiện

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - ảnh: Media Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Ảnh: Media Quốc hội

Trình bày thẩm tra Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 như tờ trình của Chính phủ. Điều này thể hiện quyết tâm, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Tuy nhiên, ông lưu ý, tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 1/2025 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.

Về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ có giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, Chính phủ phải tiếp tục tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, cần chú trọng củng cố quan hệ thương mại quốc tế, quan tâm khai thác sự dịch chuyển thương mại và công nghệ trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Cần tập trung thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là về quy trình, thủ tục đầu tư, quy hoạch và tiếp cận đất đai. “Ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi” - ông Vũ Hồng Thanh nói.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI