Phấn đấu đến năm 2026 vùng ĐBSCL có 554 km đường cao tốc

08/07/2023 - 20:39

PNO - Đến năm 2026, vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc. Qua đó, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội toàn vùng.

Chiều 8/7, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thi công các dự án cao tốc của vùng. Tham dự buổi làm việc có Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. 

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay vùng ĐBSCL đã hoàn thành và đưa vào khai thác 171 km cao tốc theo quy mô phân kỳ giai đoạn 1 (4 làn xe); có 8 dự án đang được triển khai, nỗ lực hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, đưa vào khai thác trong năm 2026 với tổng chiều dài 463 km, vốn đầu tư khoảng 94.400 tỉ đồng.

Tính chung đến năm 2026, vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc; qua đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội toàn vùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc vùng ĐBSCL. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc vùng ĐBSCL. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dù vậy, cái khó hiện nay trong việc triển khai các dự án cao tốc ở ĐBSCL là khâu giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường thiếu hụt, năng lực của nhà thầu, tư vấn, thủ tục giải ngân, điều kiện thi công phức tạp... Thời gian qua, các dự án cao tốc đã được xác định nguồn cung vật liệu, song các địa phương triển khai thủ tục để giao mỏ cát cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ thi công. Do đó, nếu không nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, hoàn thành các thủ tục để khai thác trong tháng 7/2023 thì ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò chiến lược của vùng ĐBSCL, ý nghĩa quan trọng của việc phát triển hạ tầng giao thông nhằm tạo không gian phát triển mới. Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm, sự vào cuộc của các bộ ngành, cũng như các địa phương vùng ĐBSCL trong phát triển giao thông.

Để đẩy nhanh các dự án cao tốc, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp. Theo đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng. Thủ tướng chỉ đạo và phân công Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm ngành GTVT, trong đó có các dự án vùng ĐBSCL. Nghiên cứu phương án sử dụng cát biển làm nguyên vật liệu đắp nền và nghiên cứu các phương án xây dựng cầu cạn cao tốc.

Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đã được khởi công vào tháng 6/2023
Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đã được khởi công vào tháng 6/2023

Giao các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là Bộ GTVT và các tỉnh, thành được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung chỉ đạo ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy trách nhiệm cao nhất trong triển khai các dự án cao tốc.

Thủ tướng lưu ý, yêu cầu trong triển khai các dự án là phải bảo đảm chất lượng, tiến độ và phấn đấu sớm hơn; phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường và đặc biệt không để thiếu nguyên vật liệu; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tiêu cực, lãng phí ở tất cả các khâu; cần kịp thời khen thưởng khi làm tốt và kịp thời xử lý sai phạm... 

Văn Phước

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI